You are here

Một Thứ trưởng lại có thể vô ý để tự rơi?

Ảnh của canhco

Câu chuyện ông Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Lê Hải An rơi từ tầng 8 xuống đất tử vong đang là đề tài bàn luận sôi nổi của cư dân mạng. Hầu như người chú ý tai nạn này đều nhắc tới ông như một người tài năng trong ngành giáo dục, ông được học hành bài bản, có kinh nghiệm giảng dạy và từng đoạt giải toán học quốc tế. Ông còn trẻ và được tiếng thẳng thắn, bộc trực, có tâm huyết và có thể tiến gần hơn tới cái ghế Bộ trưởng vốn khá nhiểu tai tiếng khi ông Phùng Xuân Nhạ còn tại vị.

Nhưng điều khiến người ta nhắc tới nhiều nhất là nghi ngờ ông bị thanh trừng, hay nói đúng hơn là bị mưu sát, mặc dù không có một bằng chứng nào cho thấy ông bị nhắm tới vì phe phái chính trị hay có liên quan tới một vụ án tham nhũng nào đó đang bị điều tra. Mọi chứng minh đều nhắm tới việc ông ký thông báo số 878 vào ngày 21 tháng 8 xem xét xử lý kỷ luật 13 cán bộ công chức do tiêu cực và gian lận trong tổ chức chấm thi ở Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La, dẫn đến tâm lý lo ngại trong học sinh và bức xúc trong dư luận. Trong danh sách này có tên các cục trưởng, vụ trưởng, cục phó, vụ phó, chánh/phó thanh tra Bộ GD-ĐT.

Không thể xác định việc ông ký bản thông báo này gây lo ngại cho ai bởi trong tất cả 13 “nghi can” không người nào bị thi hành kỷ luật vì ngay sau khi bản thông báo của Thứ trưởng Lê Hải An ra đời thì ngày 9 tháng 9, Bộ GD-ĐT đã có văn bản hủy bỏ quyết định 245/QĐ-BGDĐT về việc thành lập hội đồng kỷ luật công chức và Thông báo số 878/TB-BGDĐT do Thứ trưởng Lê Hải An ký ban hành.

Nhưng cái chết của ông vẫn là một dấu hỏi lớn cho gia đình và tư pháp. Cái chết ấy cần phải làm sáng tỏ vì bất cứ ai chịu suy xét một chút cũng thấy cái chết do vô ý té từ tầng thứ 8 xuống đất là một nguyên nhân rất …trẻ con, bởi không ai bất cẩn đến nỗi như vậy. Ông Lê Hải An là một người trưởng thành và ý thức rất rõ vị trí của mình đang đứng.

Trong những năm qua đã xảy ra rất nhiều vụ té lầu gây đến tử vong tại các tỉnh thành khắp nước. Gần đây nhất, hôm 15 Tháng Tám 2019, ông Phạm Văn Khương – phó giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn Hà Nội đã nhảy từ lầu 27 của tòa nhà Vinaconex 1 ở quận Cầu Giấy, xuống sân và chết ngay tại chỗ, trước khi làm Phó giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội năm 2018, ông này từng có thời gian làm Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội. Ông được bổ nhiệm chức vụ Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội từ tháng 5-2018. Công an vẫn chưa làm rõ tại sao ông Khương tự tử mặc dù camera trích suất cho thấy ông tự thực hiện ý đồ tự tử.

Trước đó vào tháng 01/2019, Phòng Cảnh sát Hình sự (Công an tỉnh Quảng Nam) cho biết, ông Phan Tấn Nghị, Phó Chánh Thanh tra tỉnh Quảng Nam chết là do rơi từ tầng 3 của trụ sở này xuống đất tử vong. Theo Đại tá Nguyễn Viết Lợi, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, sau quá trình điều tra, công an tỉnh đã kết luận về cái chết của ông Phan Tấn Nghị không có yếu tố tội phạm, nạn nhân tự té xuống.

Vào tháng 7/2016, Công an tỉnh Đồng Tháp cho biết, thượng tá Huỳnh Hữu Khiêm (52 tuổi, Phó phòng Hậu cần) đã rơi lầu 6 của trụ sở tử vong. Theo thông báo của công an Tình cho biết ông Khiêm nhảy lầu khi đang nghỉ phép trị bệnh trầm cảm và ông tự ý vào trụ sở rồi nhảy từ lầu 6 xuống đất.

Ba trường hợp tử vong giống nhau do nhảy lầu đều không ít thì nhiều có thể đoán được lý do gây ra cái chết cho 3 nạn nhân. Riêng nạn nhân Phan Tấn Nghị khiến dư luận quan tâm nhất vì nạn nhân là người có trách nhiệm thanh tra cấp tỉnh và vì vậy sẽ không ít người phạm tội bị ông vạch tên chỉ mặt. Trong số những kẻ này ai là người dính tay vào máu của ông vẫn đang ngoài vòng pháp luật sau công bố của công an tỉnh Quảng Nam là nạn nhân tự té xuống.

Báo chí Việt Nam hình như không được phép điều tra độc lập những vụ án mạng có tính cách khả nghi như các nước tiên tiến trên thế giới mặc dù đây là đề tài ăn khách nhất cho một tờ báo. Tại Việt Nam mọi tờ báo đều nhận được bản tin từ cơ quan điều tra và lên khuôn bản tin ấy một cách vô thưởng vô phạt và vì vậy người dân không thể tìm đâu ra câu hỏi của chính mình.

Trong trường hợp của Thứ trưởng Lê Hải An, báo chí là một công cụ sắc bén có thể nhanh chóng trả lời những nghi ngờ cho dư luận thông qua những cuộc điều tra độc lập tùy trình độ và khả năng của từng tờ báo. Một bài phóng sự điều tra cơ bản có thể vén bức màn tăm tối mà công an Việt Nam nắm giữ từ bao lâu nay.

Phải chăng ông Lê Hải An bị trầm cảm vậy thì bác sĩ hay cơ quan y tế nào có thẩm quyền xác định hồ sơ bệnh án của ông? Ông bị áp lực từ xã hội đen do nợ nần chồng chất ư? Chỉ cần một vòng Hà Nội thông qua các ông trùm cho vay là rõ. Ông bị tống tình đến nỗi phải tự sát ư? Hay ông vỡ nợ vì mua quan tiến chức? tất cả những câu hỏi đó nhà báo có tài đều trả lời được qua kỹ thuật điều tra của mình. Vậy phần việc nhà nước làm gì để chứng minh rằng cơ quan điều tra trong sáng và không có bất cứ động cơ nào cần che giấu?

Việc đầu tiên là khám nghiệm tử thi xem nạn nhân có bị cưỡng bức bằng sức mạnh để ném từ lầu 8 xuống đất hay không. Có dấu tay của nạn nhân trên lan can trước khi nạn nhân tự rơi hay không? Nơi nạn nhân rơi xuống là lầu 8 trong khi văn phòng làm việc của nạn nhân nằm tại lầu 2 vậy nạn nhân lên lầu 8 làm gì, với ai và lúc nào? Ai là người đầu tiên phát hiện ra thi thể nạn nhân và thời gian từ lúc lên lầu 8 tới lúc rơi xuống là bao lâu? Bảo vệ cơ quan khai gì khi nạn nhân vào làm việc? Thái độ lúc ấy có bình thường không hay lo sợ, vội vã hấp tấp?

Còn rất nhiều chi tiết cho một cuộc điều tra mà cơ quan điều tra thừa khả năng và nghiệp vụ để thực hiện. Tuy nhiên công bố cuộc điều tra ấy trước một cuộc họp báo là mấu chốt khiến dư luận an lòng về cái chết của một nhân vật như ông Lê Hải An hay không, bởi vì nói như Đại tá Nguyễn Viết Lợi, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam kết luận về cái chết của ông Phan Tấn Nghị không có yếu tố tội phạm, nạn nhân tự té xuống là cách nói tạo thêm nghi vấn.

Một Thứ trưởng chết vì vô ý ngã từ tầng lầu thứ 8 xuống đất khác với một người thần kinh hay trầm cảm. Gia đình ông Lê Hải An sẽ không im lặng nhìn cái chết của ông như một vụ vô ý tự ngã bởi hơn ai hết người thân của ông sẽ hiểu cặn kẽ những gì xảy ra trong thời gian trước khi vụ án xảy ra và mọi chi tiết ấy đều rất giá trị cho cơ quan điều tra.

Không nên bị thuyết âm mưu dẫn dắt nhưng cũng không nên thấy cái chết nào cũng nghi ngờ sự tiếp tay của công an nhằm ém nhẹm việc điều tra. Muốn được người dân tin thì trước hết vụ án phải minh bạch và chứng cứ vẫn là chỉ dấu đầu tiên và cần thiết nhất trong mọi vụ án “tự nhảy lầu”.