You are here

Ê chề vụ hotgirl gội đầu đánh tráo nhân thân thành trưởng phòng ở tỉnh ủy Đắk Lắk

NGUYỄN TƯỜNG THỤY

Tỉnh ủy Đắk Lắk nơi bà Sa (giả) đang công tác. Ảnh phapluatplus

Bắt đầu từ một mẩu tin facebook

Vụ cô gái gội đầu xinh đẹp đội hồ sơ của người khác leo lên đến chức trưởng phòng ở tỉnh ủy Đắk Lắk, tự nhiên ngày 4/10 báo chí đồng loạt đưa tin. Việc này có lẽ xuất phát từ thông tin trên facebook Trương Châu Hữu Danh đăng vào tối hôm trước (3/10) nên không thể bí mật được nữa. Sau đó nick này còn “dọa”: “Ngày mai tôi (Danh) sẽ kể hành trình từ cô bé gội đầu trở thành nữ trưởng phòng tỉnh ủy”. Có lẽ vì thế mà hôm sau người ta mới cho báo chí đăng theo kiểu “chạy trước lúc trời mưa”.

Cô gái làm tóc khi vào công tác ở tỉnh ủy Đắk Lắk lấy tên chị gái là Trần Thị Ngọc Ái Sa, còn tên thật của cô là Trần Thị Ngọc Thảo. Vì vậy, bài viết này xin trả lại tên cho cô là Trần Thị Ngọc Thảo.

Thảo mới thoát nạn mù chữ (cấp 2) mà cuối cùng có bằng đại học ngành kế toán, rồi thạc sĩ.

Thảo “hoạt động” ở tỉnh ủy Đắk Lắk được 14 năm thì mới bại lộ. 14 năm từ nhân viên quèn mà kịp leo lên được trưởng phòng của tỉnh ủy kể cũng “tài”. Sự việc bại lộ, Thảo viết đơn xin thôi việc vỏn vẹn có mấy chữ và nội dung thì rất hồn nhiên, do “suy nghĩ chưa chín chắn và nông nổi” nay “xin thôi việc”.

Ai đã đồng lõa, che đậy cho Thảo?

Chuyện không đơn giản là Thảo thay tên, dùng bằng của người khác để lừa tỉnh ủy Đắk Lắk. Vấn đề còn ở chỗ chắc chắn có nhiều người trong tổ chức biết chuyện này nhưng đã đồng lõa, che đậy cho cô.  

Trần Thị Ngọc Thảo là đảng viên nên chắc chắn trước khi kết nạp, cấp ủy đảng cử người về quê Thảo để xác minh lý lịch do đối tượng tự khai. Theo hướng dẫn thì việc xác minh là hết sức tỉ mỉ, cụ thể và chi tiết. Nhiều trường hợp phải về điều tra mấy lần rồi mới kết nạp được.

Vì vậy, cấp ủy đảng không thể không biết hoàn cảnh nhà Thảo có 12 anh chị em. Thế mà trong lý lịch Thảo ghi có 4 anh chị em, giấu đi tới 8 người mà tổ chức cũng coi như không biết?

Và điều này nghiêm trọng hơn, khi đã về điều tra lý lịch thì không thể không biết Trần Thị Ngọc Ái Sa là ai, không thể không biết gia đình còn có một người con là Trần Thị Ngọc Thảo. Vậy mà họ cũng không biết nốt?

Cuối cùng thì lý lịch gian dối do Thảo khai vẫn được chấp nhận.

Vậy những ai đã đồng lõa ém nhẹm hồ sơ thật của Thảo? Điều này được đổi bằng cái gì? Những người có trách nhiệm trong việc kết nạp Thảo vào đảng không thể hồn nhiên mà trả lời rằng chúng tôi bị lừa.

Theo một bài báo thì “Trước đó, bà Thảo được cho là hành nghề uốn tóc, nhưng cơ quan chức năng Đắk Lắk phủ nhận”. Khi Thảo vào làm việc ở tỉnh ủy Đắk Lắk thì cô đã 32 tuổi (theo lý lịch). Còn khi cô làm việc tại Công ty CP XNK 2-9 thì cô cũng 26 tuổi.Thế mà khi tiếp nhận Thảo, tỉnh ủy Đắk Lắk lại không cần xem xét lý lịch xem từ khi trưởng thành (18 tuổi) cho tới năm 26 tuổi, Thảo đã làm gì? Đó cũng là một điều khó hiểu. Hay là trong vụ này, việc Thảo xuất thân từ nghề cắt tóc, gội đầu cũng là một yếu tố làm tăng sự giễu cợt, mai mỉa và bẽ bàng?

Nhiều bài báo khi đưa tin về con đường hoan lộ của Thảo, đều tận dụng chi tiết cô từng làm nhân viên tiệm tóc và rất xinh đẹp. Phải chăng mấy chữ “nhân viên tiệm tóc” và “rất xinh đẹp” ngầm giải thích tại sao con đường tiến thân của Thảo nhanh như diều gặp gió.

Dấu hiệu vi phạm hình sự

Còn Trần Thị Ngọc Thảo cần xử lý như thế nào? Khai trừ đảng, cảnh cáo, đuổi việc? Điều đó đã đành. Nhưng xét về luật, hành vi của Thảo còn có dấu hiệu vi phạm hình sự.

Điều 341 Bộ luật hình sự qui định về tội “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” như sau:

1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Làm từ 02 đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;

 

d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;

đ) Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;

b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.”.

Như vậy, hành vi của Thảo đã phạm vào điều luật này (dùng giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật)

Tỉnh ủy Đắk Lắk cần “rửa mặt” như thế nào?

Vụ việc vỡ lở vì một đơn tố cáo nặc danh từ hồi tháng 6/2019. Kể ra, sau khi nhận được đơn thì vụ này điều tra không khó mấy, chỉ cần vài ngày là xong. Thế  mà tỉnh ủy Đắk Lắk im lặng tới 4 tháng trời, cho đến khi cái ông facebooker có nick là Danh kia bêu lên mạng thì vụ việc mới được thông tin. Phải chăng, 4 tháng kể từ khi nhận được đơn tố cáo là thời gian tỉnh ủy Đắk Lắk tìm cách đối phó, tính toán dàn xếp vụ việc sao cho ổn nhất.

Đây là vụ bê bối, nhơ nhuốc mới nhất xảy ra ở tỉnh ủy Đắk Lắk. Một người đẹp đã gian dối để chui vào tỉnh ủy Đắk Lắk “hoạt động” một thời gian dài, leo lên đến chức trưởng phòng. Tôi không tin chỉ có một mình Trần Thị Ngọc Thảo cố tình trong vụ này còn phía tổ chức bị lừa. Về phía tỉnh ủy, không chỉ là sơ suất mà còn có sự đồng lõa, che đậy, làm ngơ. Số này không phải là chỉ 1 người. Cách rửa mặt tốt nhất cho tỉnh ủy Đắk Lắk là thẳng thắn nhận khuyết điểm, xử lý đúng theo mọi qui định của đảng, qui chế của cơ quan và theo qui định của pháp luật, không che đậy giấu giếm cho bất cứ một ai.

5/10/2019