You are here

Chín người bỏ trốn tại Hàn Quốc, Chủ tịch Quốc Hội vô can nhưng sao lại "có tật giật mình"?

Trái với nhận định của một số nhà phân tích về tình hình nội bộ chính trường Việt Nam khi cho rằng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nắm trọn quyền lực, khi ngồi hai ghế tứ trụ quan trọng là Tổng bí thư kiêm Chủ tịch Nước. Song kể từ tháng 6/2019, đến hẹn lại lên như thường lệ, những thông tin đấu đá về cuộc chiến phe nhóm chính trị trong nội bộ ban lãnh đạo đảng CSVN, đã bắt đầu được khởi động và xuất hiện dày đặc trên mạng xã hội.

Ngày 23/9/2019 đài truyền hình Hàn Quốc MBC đưa tin, đã có chín người trong phái đoàn Quốc Hội Việt Nam thăm Hàn Quốc do bà Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu đã bỏ trốn ở lại nước này hồi tháng 12/2018. Tin cho biết thêm, phái đoàn này của bà Ngân có tổng cộng 162 người, trong đó có 20 Bộ trưởng và Thứ trưởng đi trên một máy bay chuyên cơ của Vietnam Airlines. Được biết, đây là chuyến thăm cấp cao nhất của lãnh đạo Việt Nam tới Nam Hàn trong năm 2018 và là chuyến thăm đầu tiên tới Hàn Quốc của bà Nguyễn Thị Kim Ngân trên cương vị Chủ tịch Quốc hội Việt Nam.

Qua tìm hiểu được biết, phía Hàn Quốc cũng không biết sự việc này đã xảy ra, phải cho đến đầu năm 2019, một trong số 9 người bỏ trốn nói trên ra trình diện để xin về lại Việt Nam và sau đó, chính quyền sở tại bắt được một người nữa và trục xuất về Việt Nam. Bảy người còn lại hiện vẫn chưa bị bắt, dù 9 tháng đã trôi qua.

Đa số những người am hiểu về nội tình Việt Nam đều biết rằng, 9 người bỏ trốn nói trên lấy tư cách doanh nhân đã chịu mất tiền để được ghép vào đoàn Doanh nghiệp Việt Nam tham gia sự kiện “Diễn Đàn Đầu Tư và Thương Mại Việt Nam – Hàn Quốc” do Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư, Đại Sứ Quán Hàn Quốc tại Hà Nội và Phòng Thương Mại Công Nghiệp Hàn Quốc phối hợp tổ chức. Đây là hiện tượng khá phổ biến, với mục đích để các doanh nhân đại diện cho các Doanh nghiệp được tham gia tháp tùng lãnh đạo nhà nước đi tham quan học hỏi kinh nghiệm từ các nước.

Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội kiêm Tổng thư ký Quốc hội Việt Nam cho biết, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Hàn Quốc, phía bạn đã mời Chủ tịch Quốc Hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân tham dự và phát biểu tại sự kiện nêu trên. Và Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư đề nghị cho đoàn doanh nghiệp "đi nhờ" chuyên cơ của chủ tịch Quốc Hội. Qua đó để thấy, bà Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân không có sự liên quan và hầu như không có trách nhiệm trong vụ việc này. Nếu có thì trách nhiệm phải thuộc về Bộ Trưởng Kế Hoạch và Đầu Tư Nguyễn Chí Dũng, đơn vị chủ trì chương trình này.

Sự việc 9 doanh nhân người Việt tháp tùng đoàn của Chủ tịch Quốc Hội Việt Nam đã bỏ trốn ở lại Hàn Quốc, là một vụ việc nghiêm trọng, ảnh hưởng đến danh dự của quốc gia. Nghiêm trọng hơn, vụ việc vừa kể là một hiện tượng phổ biến ở hầu hết các bộ, ngành từ trung ương đến địa phương, khi các viên chức nhà nước Việt Nam lạm dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi cá nhân và làm mất thể diện quốc gia. Cho dù theo Bộ Trưởng Kế Hoạch và Đầu Tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định khi cho rằng, đơn vị khi được giao chọn lọc, thẩm định danh sách đoàn đi đã làm rất nhiều việc và làm hết sức cẩn thận, xem xét từng đối tượng rồi gửi các cơ quan hữu quan có trách nhiệm để họ thẩm tra, cho ý kiến.

Vì thế trong vụ việc này, có nhiều ý kiến cho rằng, Bộ Công an cần khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 9 người đi nhờ máy chở Chủ tịch Quốc hội rồi trốn ở lại Hàn Quốc trái phép. Hành vi của 9 người này cấu thành tội: “Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép” theo Điều 349 BLHS năm 2015.  Và dù cố ý hay không, những người xét hồ sơ, tạo kiều kiện cho 9 người lên cùng chuyến bay chuyên cơ của Chủ tịch Quốc Hội rồi trốn lại cũng cần được xem xét về “Tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép” theo Điều 349 của Bộ Luật hình sự 2015. Với mức hình phạt nhẹ theo khoản 1 điều luật từ 1-5 năm tù, khoản 2 nặng hơn từ 5-10 năm tù giam.

Lâu nay có một số ý kiến cho rằng, Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân là một nhân vật trung dung, không tham gia vào đấu đá nội bộ. Có lẽ những ý kiến tương tự như vậy là do người ta quên mất rằng, tại Hội nghị trung ương 7 - khóa 11 kết thúc hôm 11/5/2013, bà Nguyễn Thị Kim Ngân và ông Nguyễn Thiện Nhân dưới sự bảo trợ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi ấy, đã vượt lên trên ông Nguyễn Bá Thanh và ông Vương Đình Huệ là những thân tín của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để giành được 02 vé vào Bộ Chính trị. Điều đó cho thấy ảnh hưởng của ông Ba Dũng tuy có mờ nhạt hơn song vẫn còn tồn tại khá mạnh mẽ trong chính trường Việt Nam.

Mới nhất, ngày 25/9/2019, tại hội thảo khoa học Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới, ông Lê Minh Thông Trợ lý Chủ tịch Quốc hội, đã cho rằng, "Nếu bí thư do đại hội bầu, mọi thứ sẽ khác". Theo đó, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội thấy rằng, cần tổng kết việc thí điểm đại hội Đảng bầu trực tiếp bí thư, để tiến tới bầu trực tiếp bí thư ở các đại hội, kể cả ở cấp cao nhất là Tổng bí thư. Nói một cách thẳng thẳng ra là, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Thông đã gián tiếp bác bỏ Quy hoạch hơn 200 nhân sự cao cấp vào diện Ủy viên Trung ương Đại Hội đảng CSVN nhiệm kỳ khóa XIII (2021-2026), đã trình Hội nghị Trung ương 9, của Tiểu Ban Nhân sự mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là trưởng tiểu ban. Theo đánh giá chung của đa số đảng viên đảng CSVN cho rằng, "Quy hoạch hơn 200 nhân sự" về thực chất là một tiểu xảo trong việc thao túng nhân sự của Tổng Bí thư Trọng và tay chân của ông ta trong việc sắp xếp nhân sự lãnh đạo cao cấp. Đáng chú ý, ông Thông đã đề nghị mọi người cùng suy nghĩ để hoàn thiện, việc có nên bầu cử trực tiếp chức vụ bí thư ở các đại hội, kể cả ở cấp cao nhất là Tổng bí thư trong kỳ Đại hội đảng khóa 13 sắp tới. Đây là một sự thách thức quyền lực đối với người đứng đầu đảng CSVN ông Nguyễn Phú Trọng.

Một câu hỏi được đặt ra là, tại sao thông tin 9 người Việt bỏ trốn tại Hàn Quốc, vô tình hay hữu ý đến bây giờ mới được truyền thông Hàn Quốc đề cập tới? Và tại sao ông Tư Sang, một cựu lãnh đạo cấp cao của đảng CSVN, ngay sau sự kiện này đã phát biểu nhận xét về Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân khi cho rằng, "chỉ có mỗi đoàn chuyên cơ cũng không quản được thì còn làm được việc gì?". Nếu biết rằng, thông thường ở các nước có tự do báo chí như Hàn Quốc thì bạn có thể bỏ tiền để nhờ họ đăng tải những tin tức tương tự như vậy. Điều đó không loại trừ khả năng, có bàn tay nhem nhuốc nào đó đã nhúng vào scandal này của bà Ngân.

Đáng chú ý, sự việc Trợ lý Chủ tịch Quốc hội thấy rằng, cần tổng kết việc thí điểm đại hội Đảng bầu trực tiếp bí thư, để tiến tới bầu trực tiếp bí thư ở các đại hội, kể cả ở cấp cao nhất là Tổng bí thư, đã xảy ra ngay sau vụ việc đài truyền hình MBC của Hàn Quốc hôm 23/9/2019 đưa tin, đã có chín người trong phái đoàn Quốc Hội Việt Nam do bà Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu bỏ trốn ở lại nước này hồi tháng 12/2018. Đã không ít người đã đặt dấu hỏi về tương lai chính trị của bà Ngân sẽ ra sao trong thời gian sắp tới?

Đây có lẽ là lần đầu tiên, thể hiện rõ nét sự bất đồng quan điểm (mâu thuẫn) giữa Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Giữa lúc mâu thuẫn giữa Chính phủ của ông Nguyễn Xuân Phúc và Tổng Bí thư Trọng cũng ngày càng bị khoét sâu hơn khi ngày khai mạc Đại hội đảng CSVN lần thứ 13 đang đến gần.

Nội bộ cao cấp đảng CSVN lại một lần nữa hình thành thế chân vạc của Tam Quốc. Tranh chấp, đấu đá quyền lực trong đảng sẽ có nhiều chuyện để xem.

Ngày 27 tháng 9 năm 2019

© Kami

* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA