You are here

Đi tìm mô hình đấu tranh an toàn

Truyện

NGUYỄN TƯỜNG THỤY

 

Tình hình là ngày càng nhiều người đấu tranh cho dân chủ nhân quyền bị đàn áp. Người bị đánh, người bị đuổi khỏi nhà trọ, người bị đuổi việc, người bị bắt bỏ tù. Nhiều người tan cửa nát nhà, khuynh gia bại sản. Nói chung, ai cũng bị, không ít thì nhiều.

Tôi đem chuyện này phàn nàn với trưởng ban biên tập. Anh bảo:

- Chẳng lẽ cứ đấu tranh là bị thiệt hại đủ đằng như vậy. Anh cố xem, viết một cái phóng sự điều tra, tìm lấy mấy người bất đồng chính kiến mà cuộc sống lại tốt hơn trước, hoặc ít ra cũng không bị sao để động viên anh chị em xã hội dân sự.

Tôi cho đây là ý kiến hay nên ok.

Tôi ra phố, hòa vào một đoàn dân oan đang biểu tình. Không mất nhiều thời gian lắm, tôi phát hiện ra một người đàn ông chừng 50 tuổi đi cuối đoàn, tay lăm lăm chiếc máy ghi hình, quan sát chăm chú lắm. Nhìn anh mặc chiếc áo phông in chữ “bút chiến”, tôi nghĩ, có lẽ anh là một blogger hoặc facebooker lề dân, đi theo để lấy tài liệu viết về dân oan đây. Lại thấy mặt mũi sáng sủa, thân hình béo tốt, trang phục toàn đồ đắt tiền, khác hẳn người bình dân lam lũ, nói lên anh có cuộc sống khá đầy đủ. Có lẽ người tôi cần tìm đây rồi.

Tôi làm quen:

- Chào anh, hình như anh là dân viết?

Tôi được anh khen:

- Anh tinh tường đấy, tôi là nhà báo, blogger.

Rồi anh khoe:

- Tôi viết được 10 năm nay rồi. Mỗi khi bài của tôi đưa lên, cứ gọi là náo động cả mạng xã hội, làm dư luận sôi nổi hẳn lên.

Vậy là tôi đoán không sai. Tôi bắt đầu đi vào chuyên môn:

- Anh có bị gây khó dễ về các bài viết của mình không?

- Không. Chỉ có điều hay bị chửi thôi.

Viết phản biện bị chửi là chuyện thường. Như tôi đây vẫn bị dư luận viên chửi là đồ phản động, chúng bịa đặt xuyên tạc về tôi đủ đằng. Đã đấu tranh cho lẽ phải thì tránh sao được.

Tôi hỏi tiếp:

- Anh có hay đi biểu tình không?

- Làm gì có cuộc biểu tình nào vắng mặt tôi.

- Anh có đi với các gia đình tù nhân lương tâm đến các trại giam không?

- Có chứ, nhiệm vụ của tôi mà. Nhưng tôi chỉ ở vòng ngoài thôi.

Tôi hiểu. Như hôm nay, anh đi ở cuối đoàn biểu tình để có góc quan sát rộng, lấy được nhiều tư liệu để viết bài. Không cẩn thận, nhỡ ra công an đàn áp, nó giật máy máy ảnh đập nát thì mất hết tư liệu.

Câu hỏi tiếp theo, tôi hơi dè dặt:

- Anh có bị bắt vào đồn công an bao giờ không? Bị đưa về trại Lộc Hà chẳng hạn?

- Bắt là bắt thế nào? Đứa nào dám?

- Bị đuổi việc?

- Không.

Bị canh chặn, không cho ra khỏi nhà?

- Chưa bao giờ.

- Bị bố trí đánh dọc đường không?

- Thằng nào dám đánh tôi. Đụng đến tôi là công an gô cổ ngay.

Vậy là vẫn có những công an tốt, thi hành đúng luật pháp. Thế mà mấy đứa cứ kể, quân ta bị đánh, công an đứng ngay đấy nhưng lờ đi, thậm chí cởi sắc phục ra để đánh hôi vì là người của họ cả. Cứ nhắc đến công an hay chính quyền ai cũng cho là đồ đểu hết.

Như vậy là môi trường anh ta sống, chính quyền và công an biết tôn trọng pháp luật đấy chứ.

Qua một hồi hỏi chuyện, tôi đã xác định được mẫu người đấu tranh nhưng vẫn an toàn. Tôi hỏi thêm để hoàn thiện bài viết:

- Anh sống có thoải mái không? Là tôi nói về chuyện tiêu pha ấy.

- Không thoải mái nhưng cũng tạm. Mỗi lần đi thư giãn vẫn có tiền boa em út ở các quán đèn mờ.

Tôi đoán, chắc anh viết rất khỏe và nhuận bút ở tờ báo anh viết cũng rộng rãi.

Tôi đi vào chuyện thời sự cụ thể:

- Anh thấy phong trào biểu tình ở Hồng Kông thế nào. Hoàng Chí Phong tuyệt vời đấy chứ?

Anh tròn mắt:

- Thằng mặt dơi tai chuột ấy á? Nhãi ranh, mới 22 tuổi mà đòi truyền cảm hứng cho cả một dân tộc?

Điều này thì khác với nhận xét của tôi. Nhưng những người đấu tranh vẫn có góc nhìn khác khác nhau về một vấn đề cơ mà. Đó mới là tinh thần dân chủ.

Tuy vậy, tôi bắt đầu sinh nghi. Tôi đặt câu hỏi quyết định:

- Thế anh thường viết về mảng nào?

- Tôi đấu tranh chống thế lực thù địch.

Lần này thì đến lượt tôi tròn mắt:

- Vậy là anh là...là quân của Võ Văn Thưởng?

Anh ta hãnh diện:

- Chứ sao.

Rồi anh ta ba hoa một hồi về đường lối mềm dẻo sáng suốt của đảng trong vụ bãi Tư Chính, về thủ đoạn chống phá của thế lực thù địch. Anh ta nêu một loạt các cây viết phản động như Phạm Đoan Trang, Nguyễn Hữu Vinh, Phạm Thanh Nghiên, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Văn Đài... nhiều lắm. Điều thú vị là trong số bọn phản động mà anh ta nêu ra, có cả tôi, Nguyễn Tường Thụy. May mà anh ta không nhận ra tôi vì chúng tôi chưa gặp nhau bao giờ.

Thì ra, tôi phỏng vấn nhầm... dư luận viên.

Về nhà, tôi kể cho bà xã nghe câu chuyện trên. Bả bảo:

- Làm gì có ai đấu tranh mà không bị sao bao giờ. Anh, kể cả cậu trưởng ban biên tập của anh bị dở hơi à?

 

13/9/2019