You are here

Chúng ta không còn cô độc

Ảnh của canhco

Khi người dân Hong Kong ồ ạt xuống đường mạng xã hội Việt Nam ban đầu ngơ ngác, dần dần vui mừng rồi quay trở lại trạng thái tự trách để rồi buồn bã lẫn thất vọng. Chúng ta khâm phục tuổi trẻ Hong Kong với những ý thức chính trị chín muồi tạo nên những chàng trai cô gái vừa can đảm lại vừa thông minh dày dạn, những đức tính cần có cho những người chọn sự đấu tranh làm mục tiêu và lý tưởng một nền tự do dân chủ là động lực thúc đẩy họ nối kết với nhau làm thành một Hong Kong rực lửa như hôm nay.

Những khuôn mặt như Agnes Chow (Chu Đình) Joshua Wong (Hoàng Chi Phong) Chu Vĩnh Khang (Alex Chow) Nathan Law (La Quan Thông) đang làm cho những người Việt Nam chúng ta ngưỡng mộ và tận sâu thẳm trong tâm hồn không ít người đã nhìn lại đất nước và chỉ thấy một hình ảnh ảm đạm che khuất cả bầu trời mơ ước. Chúng ta tự trách mình chưa đủ quay sang trách đồng bào, những người cùng khổ và chịu đựng vì họ không có một chút gì quan tâm tới sự bất hạnh của chính họ. Chúng ta thở dài và không ít người bỏ cuộc vì cảm thấy đơn độc thật sự trước vầng hào quang tỏa sáng từ 7 triệu con người Hong Kong. Chúng ta cùng quẫn và tuyệt vọng. Không một chút ánh sáng nào từ cuối con đường hầm tăm tối.

Nhưng chúng ta quên một điều rất hiển nhiên đang xảy ra trên chính đất nước này. Đã bao nhiêu năm qua biết bao con người đã vì cụm từ dân chủ tự do mà vướng vào vòng lao lý. Không ít người vẫn còn lưu lạc tại đất khách quê người trong thân phận người tỵ nạn nhưng không quốc gia nào dung chứa. Nhà tù khắp nước vẫn giam cầm những người mà trước khi mất tự do chúng ta đã phấn khích khi nghe thấy họ lên tiếng nhưng lại nhanh chóng quên đi sau vài tháng họ vắng mặt vì bị bắt. Những con người ấy trên bình diện ý thức chính trị, sự can đảm quên mình, dám làm những điều to tát không hề thua kém những chàng trai cô gái Hong Kong, nhưng họ bị bắt, bị hành hạ vì lý tưởng cao đẹp mà ai trong chúng ta cũng muốn gìn giữ. Họ còn cô đơn hơn chúng ta lúc này vì sự thức tỉnh của quần chúng quá chậm chạp và đơn lẻ. Họ không trách chúng ta thì thôi cớ gì chúng ta quay lại trách cứ đồng bào mình?

Nhưng hình như một đốm sáng vừa lóe lên, một âm thanh chừng như mừng rỡ vừa xuất hiện, và hình như có một cái gì đó rất khó giải thích khi chúng ta nghe được tin vui đến từ Tổ chức Phóng Viên Không Biên giới (RSF) đã chính thức trao tặng giải Tự do Báo chí 2019, hạng mục "Tầm ảnh hưởng" cho cô Phạm Đoan Trang, một nhà báo tự do từng từ chối sống ờ nước ngoài về lại Việt Nam để tranh đấu cho dân chủ nhân quyền.

Nhà văn Phạm Thị Hoài thuật lại cảm nghĩ của bà khi được tham dự buổi lễ phát giải, bà viết:

“Ba mươi năm trước, hàng trăm ngàn dân Đông Đức bỏ phiếu bằng chân ồ ạt chạy qua ngả Đông Âu sang Tây Đức tị nạn. Biểu tình diễn ra ở mọi nơi. Đảng cộng sản cầm quyền tê liệt. Ngày 15/10/1989, 800 nhà hoạt động sân khấu tại Cộng hòa Dân chủ Đức tập trung tại Nhà hát Kịch Đức ở trung tâm Đông Berlin, ra một quyết nghị tập thể đòi xóa bỏ kiểm duyệt và lên kế hoạch tổ chức biểu tình tại Berlin ngày 4/11. Đó là cuộc biểu tình lớn nhất, tạo bước ngoặt quyết định cho cuộc Cách mạng Hòa bình chấm dứt nền độc tài thứ hai trên lãnh thổ Đức. Nửa triệu người đã tụ tập tại Quảng trường Alexanderplatz. Trong số các diễn giả có những đại diện nổi tiếng của Nhà hát Kịch Đức như kịch tác gia Heiner Müller, các diễn viên Ulrich Mühe, Tobias Langhoff, Johanna Schall. 5 ngày sau, Bức tường Berlin sụp đổ.

Trong chính không gian lịch sử của Nhà hát Kịch này, trong những ngày kỷ niệm 30 năm Cách mạng Hòa bình ở Đức, nhà báo Việt Nam Phạm Đoan Trang được vinh danh với Giải Tự do Báo chí hạng mục Impact (Lan tỏa) năm nay của Phóng viên Không Biên giới. Tôi vinh dự và xúc động được dự lễ trao giải.”

Phạm Đoan Trang không phải là người xa lạ đối với khung cảnh tranh đấu chung tại Việt Nam. Chị từng là ký giả cho các tờ báo dòng chính như: Express, VietNamNet, VTC và Pháp luật. Nhưng sau một thời gian nhận thấy số phận của người dân cùng với những bất ổn của hệ thống chị đã từ chối làm một nhà báo có thẻ và lui về viết trên các trang mạng với tư cách một nhà báo tự do. Nhiều lần bị bắt, bị tra khảo, hăm dọa, canh chừng như phạm nhân Phạm Đoan Trang đã vượt qua một cách thông minh và đầy can đảm dể tập trung thời gian hoàn thành ba tác phẩm “Chính trị bình dân”, “Phản kháng phi bạo lực”, “Cẩm nang nuôi tù” những tác phẩm này tuy được in chui nhưng con số phát hành rất ấn tượng cho thấy vấn đề chính trị tại Việt Nam không hời hợt và nông nổi như nhiều người vẫn tưởng.

Giải thưởng của tổ chức RSF sở dĩ danh giá vì nó được hình thành trên căn bản chọn lựa gắt gao trên khắp thế giới để chọn ra ba người nhận, được điều tra kỹ lưỡng từ ngay trong đất nước họ đang sống cũng như những giá trị mà họ tạo ra cho cộng đồng. Giải thưởng xác tín thành tựu mà người nhận đã tạo ra và vì vậy chúng ta nhìn vào nó để thấy rằng chúng ta không còn cô độc.

Chúng ta cũng tin rằng Phạm Đoan Trang sẽ tiếp tục dấn thân vào con đường đầy bất trắc này và sau lưng cô không phải chỉ có chúng ta kết lại sợi giây người đễ giữ vững niềm tin cho cô mà còn rất nhiều bạn trẻ sẽ tỉnh ngộ để nhận ra rằng đấu tranh chống lại bất công không khó như các bạn ấy vẫn tưởng và ít ra các bạn cũng đã có chút ánh sáng soi rọi những nghi ngờ, những bất an hay dằn vặt giữa cuộc sống tiện nghi và tương lai đầy bất trắc.

Vì từ đây các bạn biết thêm rằng có những người âm thầm đốt nến soi đường cho các bạn bằng chính máu, mồ hôi, nước mắt của mình như nhà báo Phạm Đoan Trang từng làm để có kết quả hôm nay.