You are here

Một số bất cập trong phân cấp ngân sách tại Việt Nam

Ảnh của NguyenTrangNhung

Nguồn: Thư viện Pháp luật (dựa trên Phụ lục 06, Nghị quyết 73/2018/QH14)

Chỉ 16 trong 63 tỉnh, thành trên cả nước phải đóng góp ngân sách về trung ương, còn lại 47 tỉnh vẫn được nhận trợ cấp ròng từ ngân sách trung ương, theo dự toán ngân sách 2019.[1] Cơ cấu này vẫn được duy trì như 1 năm trước.

Kể từ dự toán ngân sách 2018, có 3 tỉnh mới phải đóng góp ngân sách về trung ương là Hải Dương, Hưng Yên và Quảng Nam. Dù vậy, các tỉnh này được giữ lại một tỷ lệ rất lớn ngân sách địa phương, lần lượt là 98%, 93% và 90%.[2]

Ba tỉnh, thành phải đóng góp nhiều nhất cho ngân sách trung ương, và do đó được giữ lại ít nhất ngân sách địa phương là TP. HCM, Hà Nội và Bình Dương, với tỷ lệ giữ lại ngân sách địa phương là 18%, 35%, và 36% một cách tương ứng.

Trợ cấp cho các tỉnh kém phát triển là một phần trong chính sách tái phân phối của chính phủ. Nguồn trợ cấp này dĩ nhiên được lấy từ ngân sách của các tỉnh, thành phát triển, đặc biệt là TP. HCM.

TP. HCM, đã từ lâu, là địa phương có số thu ngân sách tuyệt đối cao nhất cả nước. Tổng số thu ngân sách nhà nước theo dự toán ngân sách 2019 là gần 400 ngàn tỷ đồng, và chỉ được giữ lại hơn 74 ngàn tỷ đồng. 

Với tỷ lệ giữ lại ngân sách địa phương thấp nhất trong 63 tỉnh, thành, TP. HCM đang chịu gánh nặng ngân sách hơn cả đối với các tỉnh kém phát triển. Trong khi đó, Hà Nội, Bình Dương, và các tỉnh, thành phát triển khác tuy có cùng gánh nặng, song nhẹ hơn nhiều.

Trong 47 tỉnh nhận trợ cấp ròng từ ngân sách trung ương rất nhiều năm, nhiều tỉnh có tỷ lệ chi trên thu ngân sách rất lớn (bằng khoảng 4 – 6), như Điện Biên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, v.v

Nếu công bằng là một tiêu chí của chính sách tái phân phối thì tiêu chí này đã không đạt được. Các tỉnh, thành phát triển phải chịu gánh nặng lớn hơn mức cần thiết, trong khi các tỉnh kém phát triển nhận trợ cấp nhiều hơn mức cần thiết vốn là sự bât công.

Nhận trợ cấp từ ngân sách trung ương trong thời gian dài không hẳn là điều tốt. Nhiều tỉnh nghèo,do tâm lý ỷ lại đã không chịu vươn lên. Vô hình trung, trợ cấp ngân sách trung ương đối với các tỉnh này tạo ra cơ chế khuyến khích ngược.

Một hệ quả khác của chính sách phân cấp ngân sách hiện nay là không bảo đảm quyền tự chủ của địa phương. Sự thiếu tự chủ về ngân sách của các tỉnh nghèo dẫn đến sự không trưởng thành về nhiều phương diện, từ năng lực nhận thức đến năng lực điều hành, quản lý.

Phân cấp ngân sách với lỗ hổng trong cơ chế giám sát kèm chế tài càng làm ngân sách nhà nước dễ thất thoát do biển thủ và tham nhũng. Tiêu chí hiệu quả trong phân cấp ngân sách, do đó, cũng không đạt được.

Có thể thấy kết quả thực tế của phân cấp ngân sách nhà nước là tình trạng bội chi, thất thoát, lãng phí trầm trọng, nợ công ngày càng tăng, làm giảm uy tín của chính phủ và xói mòn niềm tin của người dân vào chính phủ. Trong bối cảnh nợ công ngày càng cao, nếu nhà nước không có các giải pháp thích hợp để giảm bớt gánh nặng nợ công, ngân sách nhà nước sẽ ngày càng thâm hụt và các hoạt động của chính quyền sẽ khó có thể duy trì một cách ổn vững. 

Để bù đắp sự thiếu hụt nguồn thu, nhà nước đã và sẽ tìm cách tăng các loại thuế phí. Năm 2018, thuế VAT được kiến nghị tăng từ 10% đến 12% là một ví dụ cho điều này. Đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường trong cùng năm là một ví dụ khác (riêng đề xuất này sau khi được điều chỉnh đã đi vào thực tiễn bằng nghị quyết Nghị quyết 579/2018/UBTVQH14). Bên cạnh đó, sự cắt giảm nhân sự đã và đang diễn ra do ngân sách hạn hẹp.

Với những hệ quả nhãn tiễn của chính sách phân cấp ngân sách hiện nay, nhà nước phải có các giải pháp cho vấn đề này. Các giải pháp như vậy, chắc chắn đòi hỏi thay đổi tư duy về động cơ khuyến khích và các tiêu chí của chính sách, và ứng dụng đúng đắn động cơ khuyến khích để thúc đẩy sự phát triển.

Chú thích

[1] Nghị quyết 73/2018/QH14 về phân bổ ngân sách trung ương 2019
https://thukyluat.vn/vb/nghi-quyet-73-2018-qh14-quy-dinh-phan-bo-ngan-sa...

[2] Tỷ lệ % ngân sách địa phương được giữ lại năm 2019 của 63 tỉnh/thành phố
https://thuvienphapluat.vn/tintuc/vn/thoi-su-phap-luat/chinh-sach-moi/23...