You are here

Việt Nam trước chính sách Đổi Mới (1975 - 1986) tiếp theo và hết

Ảnh của nguyenvubinh

       …

       Sau này khi Liên Xô tan rã, người ta biết được rằng, Goorbachop có tư tưởng cấp tiến và quyết tâm giải thế chế độ cộng sản cũng như giải thể Liên bang Xô Viết. Tuy nhiên, tư tưởng cấp tiến của Goorbachop cũng chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ chính là sự cạn kiệt nguồn lực của nhà nước Liên Xô dẫn tới việc ban lãnh đạo KGB (Ủy ban An ninh Quốc gia) có đơn đề nghị lên Tổng Bí thư yêu cầu cải tổ toàn diện về kinh tế, chính trị và xã hội. Chính vì yêu cầu Goorbachop cải tổ, cộng với việc không tiên lượng được hậu quả, ảnh hưởng của chính sách Cải tổ (Perestroyka) và chính sách Công khai hóa (Glasnost) mà KGB đã không có phản ứng nào trong toàn bộ quá trình tan rã và sụp đổ của Liên bang Xô Viết và nhà nước cộng sản lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, đó là những diễn biến sau này, còn đối với Việt Nam, ý nghĩa lớn nhất của những thay đổi ở Liên bang Xô Viết sau Đại hội XXVII, chính là việc đảng cộng sản Việt Nam học tập Liên Xô thực hiện công cuộc Đổi Mới vào cuối năm 1986 trong Đại hội đảng toàn quốc lần thứ VI.

      4/ Hậu quả của việc thực hiện kế hoạch hóa kinh tế trong chế độ toàn trị: khủng hoảng kinh tế trầm trọng và chuyển hướng Đổi mới nền kinh tế (còn gọi là chính sách cởi trói nền kinh tế)

       Về bản chất, cũng giống như Liên Xô và tất cả các nước Xã hội Chủ nghĩa khác, cấu trúc kinh tế và chính trị của chế độ cộng sản Việt Nam mang sẵn trong nó mầm mống của sự khủng hoảng kinh tế, và sụp đổ chế độ. Trong toàn bộ cuộc chiến Quốc Cộng, bởi toàn bộ nguồn lực được động viên cho cuộc chiến, và phần lớn dựa vào viện trợ từ các nước XHCN, nên những “vấn đề” của nền kinh tế chưa đặt ra. Sau năm 1975, nhất là sau tiến trình cải tạo tư sản, và hợp tác hóa nông nghiệp ở miền Nam, chính sách kế hoạch hóa tập trung đã bộc lộ hết những nhược điểm của nó. Việc thay đổi chính sách cũng vừa kịp lúc Liên Xô bắt đầu diễn ra công cuộc Cải tổ, một tiếp nối truyền thống trong khối các nước Xã hội Chủ nghĩa.

      Những diễn biến chính dẫn tới quá trình thay đổi diễn ra như sau.

       Cuộc chiến với Trung Quốc và việc chiếm đóng Campuchia đã đẩy Việt Nam vào tình trạng cô lập. Việt Nam chỉ còn trông cậy vào đồng minh Liên Xô mà thôi. Trong những năm này, Liên Xô cũng bị khó khăn vì Afghanistan và đặc biệt vì giá dầu sụp đổ thành ra cũng không giúp gì được bao nhiêu cho Việt Nam. Thiếu viện trợ và cô lập về chính trị, tình hình kinh tế Việt Nam đã ngày càng đi sâu vào vào suy thoái đến mức ngay cả vựa gạo miền Nam cũng không đủ gạo ăn. Trong những năm từ 1980-1982, Nguyễn Văn Linh ở miền Nam đã đưa ra chính sách cởi mở hơn về kinh tế. Chính sách “cải tạo công thương nghiệp” bị hủy bỏ và tư nhân bắt  đầu được cho phép làm ăn buôn bán.

       Nhưng chính sách cởi mở này chưa được bao lâu thì trung ương đột nhiên can thiệp. Đỗ Mười và Tố Hữu được đưa vào miền Nam để “tẩy trừ những thành phần không đáng tin cậy trên phương diện ý thức hệ”. Nguyễn Văn Linh bị mất chức đưa ra Hà Nội làm Chủ tịch Công Đoàn. Hàng ngàn đảng viên khác, người bị mất chức, người bị khai trừ, người bị truy tố xét lại và giam giữ. Tất cả các công ty liên doanh với tư nhân lập ra trong thời gian cởi mở đều bị giải thể. Chính sách kinh tế tập trung được áp dụng triệt để trở lại với hậu quả là nền kinh tế rơi vào tình trạng náo loạn vì hàng hóa quốc doanh sản xuất ra không có người mua trong khi lạm phát tăng vọt. Tình trạng suy thoái kinh tế đã xuống đến mức cực điểm vào năm 1985. Tố Hữu đã thực hiện việc đổi tiền với hi vọng tiền mới được đổi (tỷ lệ 10 cũ ăn 1 mới) sẽ giữ cho giá cả không tăng. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, chưa đầy một tháng, giá cả hàng hóa, nhu yếu phẩm lại tăng gần bằng đồng tiền cũ. Trong khi đó tình trạng thiếu thốn gia tăng đến mức nạn đói đã trở thành nguy cơ thực sự tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung. Việt Nam lại phải xin Liên Xô mua gạo của Miến Điện để giúp tránh một nạn đói như năm 1945.

       Với tình trạng cạn kiệt nguồn lực, khủng hoảng trầm trọng của nền kinh tế, việc Goorbachop thực hiện chính sách cải tổ cũng là gợi ý cho việc thay đổi chính sách ở Việt Nam. Nguyễn Văn Linh được gọi trở lại Bộ Chính trị và trở thành Tổng Bí thư trong Đại hội đảng cộng sản Lần thứ VI tháng 12 năm 1986. Đại hội đưa ra chính sách Đổi Mới và cải tổ cơ cấu, còn được gọi là chính sách cởi trói nền kinh tế. Nhiều nhà nghiên cứu đánh giá cao Văn kiện của Đại hội VI, với sự nghiên cứu nghiêm túc và công phu, đưa ra được nhiều giải pháp mà nếu kiên trì thực hiện đến cùng, Việt Nam đã có thể thay đổi thực sự. Tuy nhiên, sự sụp đổ của Chủ nghĩa Xã hội ở Liên Xô và Đông Âu sau công cuộc Cải tổ của Goorachop đã làm cho công cuộc Đổi Mới của Việt Nam khựng lại và chuyển theo một hướng khác so với mục tiêu mà công cuộc Đổi Mới đặt ra.

       Xét trên phương diện ý thức hệ, sau 40 năm đảng cộng sản cướp được chính quyền, Việt Nam đã trải qua bốn cuộc chiến tranh (chống Pháp; nội chiến Quốc Cộng; Biên giới Tây Nam; Biên giới Việt - Trung), với công cuộc Đổi Mới, Việt Nam đã quay trở lại điểm xuất phát. Dù biện minh thế nào thì cuộc thử nghiệm ý thức hệ cộng sản đã thất bại hoàn toàn, với nguồn lực và số nhân mạng khổng lồ trong suốt 40 năm qua. Những tưởng với thực tế đau thương đó, đảng cộng sản Việt Nam thực sự làm cuộc Đổi Mới đem lại hạnh phúc cho nhân dân. Nhưng một lần nữa, đảng cộng sản lại lừa gạt người dân, sử dụng công cuộc Đổi Mới như một thủ thuật để duy trì độc quyền lãnh đạo đất nước. Một thời kỳ mới trong sự cai trị của đảng cộng sản đã bắt đầu./.

Hà Nội, ngày 27/8/2019

N.V.B