You are here

“Cách mạng tháng Tám” bản chất Cách mạng hay phản cách mạng?

Ảnh của nguyenvandai

Gần tới ngày mà đảng Cộng sản Việt Nam kỷ niệm cái gọi là Cách mạng tháng Tám(19 tháng 8 năm 1945), tôi cùng các bạn xem xét, phân tích một cách thấu đáo xem đó là Cách mạng hay phản cách mạng.


Vậy Cách mạng là gì?

Trong lĩnh vực chính trị, xã hội thì Cách mạng là xóa bỏ chế độ, thể chế chính trị cũ, lạc hậu, phi dân chủ để thay thế bằng thể chế chính trị dân chủ, tiến bộ, văn minh. Đó là một sự thay đổi sâu sắc và triệt để nhằm đem lại quyền làm chủ đất nước cho Nhân dân.

Các cuộc cách mạng có thể dẫn đến thay đổi một cách toàn diện trong các lĩnh vực nền kinh tếvăn hóa, giáo dục,...

Cách mạng thường được thực hiện dưới sức mạnh của đông đảo quần chúng Nhân dân.

Vậy ở Việt Nam, nếu đã có một cuộc Cách mạng thực sự thì sẽ phải đem lại những gì cho người dân Việt Nam?

Thứ nhất đó là thay đổi địa vị của Nhân dân từ bị cai trị, áp bức, bóc lột sang địa vị làm chủ đất nước thông qua các quyền tự do chính trị, kinh tế, dân sự,....

Về chính trị, người dân phải có quyền tự do bày tỏ các quan điểm, chính trị khác nhau, đối lập với chính phủ, đảng cầm quyền một cách trực tiếp hay thông qua các cơ quan báo chí. Người dân có quyền tự do phê phán, chỉ trích các chính sách của chính quyền làm tổn hại đến lợi ích của họ và của quốc gia mà không sợ bị trừng phạt,...

Người dân phải có quyền tự do làm báo chí tư nhân mà không chịu sự kiểm duyệt của bất kỳ cơ quan, tổ chức, đảng phái nào.

Người dân phải có quyền tự hội họp, biểu tình, thậm chí đó là các cuộc hội họp, biểu tình chống chính quyền khi mà người không hài lòng hay bất mãn với các chính sách, pháp luật của chính quyền hoặc các chính sách, pháp luật gây thiệt hại cho lợi ích hợp pháp của họ,...

Người dân phải có quyền tự do hoạt động, tham gia và thành lập các đảng phái, tổ chức chính trị.

Người dân có quyền tự do ứng cử vị trí lãnh đạo nhà nước, ứng cử quốc hội và các cơ quan dân cử các cấp,...

Các cuộc bầu cử phải được tổ chức một cách độc lập, có sự giám sát của các tổ chức xã hội dân sự và các đảng tham gia tranh cử,...

Mọi công dân đều bình đẳng ngang nhau về quyền và nghĩa vụ.

Thứ hai là về kinh tế, người dân sẽ được quyền tự do kinh doanh và bình đằng trong kinh doanh

Thứ ba là về dân sự, người dân sẽ được sở hữu tài sản mà cha ông để lại hay do công sức mà mình làm ra như đất đai, nhà cửa, tiền, vàng,....

Thứ tư là về tôn giáo, người dân được quyền theo hoặc không theo tôn giáo, có quyền tự do sinh hoạt, tôn giáo, tín ngưỡng, tự do truyền đạo, tự do giảng đạo mà không bị đe dọa, kiểm soát, áp đặt,...

Phản cách mạng là gì?

Đối lập với Cách mạng được gọi là phản cách mạng bởi vì thứ nhất là nó phản bội lại tất cả các mục tiêu tốt đẹp mà Cách mạng sẽ đem lại cho Nhân dân. Thứ hai là nó thay đổi hình thức cai trị của chế độ cũ bằng hình thức cai trị mới tinh vi hơn, xấu xa hơn. Thay thế sự cai trị của giặc ngoại xâm bằng sự cai trị của giặc nội xâm.

Mỹ từ “Cách mạng” đôi khi bị các lực lượng phản cách mạng lợi dụng để lôi kéo quần chúng Nhân dân ủng hộ họ. Nhưng khi họ giành được chính quyền thì bản chất phản cách mạng sẽ hiện nguyên hình.

Vậy cái gọi là cuộc Cách mạng tháng 8 năm 1945 mà do đảng Cộng sản Việt Nam tiến hành là cuộc Cách mạng thực sự hay đó là phản cách mạng?

Đã 74 năm sau “cuộc Cách mạng tháng Tám” nhưng Nhân dân Việt Nam hoàn toàn chưa có quyền làm chủ đất nước, mọi quyền lực đều nằm trong tay đảng Cộng sản VN.

Theo điều 4 Hiến pháp VN năm 2013 thì chỉ có khoảng gần 5 triệu công dân Việt Nam chiếm 5,1% dân số là đảng viên đảng Cộng sản VN mới có quyền và cơ hội được tham gia lãnh đạo nhà nước và xã hội. Trên 90 triệu công dân Việt Nam chiếm 94,9% không phải đảng viên đảng CSVN bị tước đoạt quyền này. Như vậy quyền lực chính trị tuyệt đối nằm trong tay đảng CSVN.

Và cũng chỉ gần 5 triệu đảng viên đảng CSVN có quyền tự do bày tỏ, tuyên truyền về chế độ độc đảng và lý tưởng cộng sản mà họ theo đuổi. Còn trên 90 triệu công dân Việt Nam khi bày tỏ lý tưởng tự do, dân chủ, đa nguyên, đa đảng thì bị coi là “thế lực thù địch”, “phản động”, tuyên truyền chống nhà nước,... và bị bắt giữ, xét xử có thể tới 20 năm tù.

Và cũng chỉ gần 5 triệu công dân VN là đảng viên đảng CSVN được tự do hoạt động đảng chính trị theo lý tưởng cộng sản. Bất kỳ công dân VN nào mà thành lập, tham gia, hoạt động đảng phái chính trị đối lập thì sẽ bị bắt giam và xét xử có thể tới mức án tử hình.

Theo Hiến pháp Việt Nam thì công dân VN có quyền tự do báo chí, nhưng nhà cầm quyền cộng sản lại cấm báo chí tư nhân. Như vậy quyền làm báo của công dân bị tước đoạt.

Công dân VN không thể thực thi quyền tự do hội họp, tự do biểu tình khi nhà cầm quyền cộng sản VN không ban hành luật. Như vậy quyền tự do hội họp, tự do biểu tình cũng bị tước đoạt.

Các cuộc bầu cử do nhà cầm quyền cộng sản tổ chức đều chỉ là hình thức khi mà các công dân không phải đảng viên đảng CSVN khi ứng cử thì đều bị loại. Và các cơ quan do đảng CS kiểm soát đã lựa chọn các ứng cử viên theo ý muốn của họ, người trúng cử đã được quyết định từ trước. Thậm chí các vị trí lãnh đạo sẽ được bầu trong cuộc bầu cử quốc hội năm 2021 thì nay đã được Ban chấp hành trung ương khóa 12 quyết định từ tháng 6 năm 2019.

Về kinh tế, hiện nay các doanh nghiệp tư nhân vẫn bị phân biệt đối xử và bị cạnh tranh không bình đẳng với cách doanh nghiệp mang danh là doanh nghiệp nhà nước do đảng CS thành lập và được cấp vốn.

Nhiều lĩnh vực, ngành nghề mà công dân các quốc gia khác được tự do kinh doanh thì công dân VN vẫn bị cấm.

Quyền sở hữu về đất đai của người dân VN đã có từ ngàn đời, nhưng đảng CSVN đã tước đoạt đi quyền đó. Hệ lụy của điều này là có hàng trăm ngàn người dân bị tước đoạt đất đai và trở thành dân oan cho tới khi qua đời.

Mỗi người dân Việt Nam hiện nay phải chịu trên 100 loại thuế, phí, lệ phí khác nhau và được thu trực tiếp hoặc gián tiếp.

Như vậy 74 năm sau cái gọi là “cuộc Cách mạng tháng Tám” người dân Việt Nam vẫn chưa được hưởng các quyền tự do, dân chủ, bình đẳng,... Các mục tiêu cao đẹp của Cách mạng không được đem tới cho Nhân dân Việt nam.

Như vậy, mỹ từ “Cách mạng” đã được đảng CSVN lợi dụng để lôi kéo quần chúng Nhân dân giúp đỡ và ủng hộ họ giành được chính quyền.

Và giờ đây trong thời đại 4.0 với internet và mạng xã hội giúp Nhân dân VN hiểu đúng bản chất cái gọi là “Cách mạng tháng Tám năm 1945” không phải là Cách mạng mà là phản cách mạng.