You are here

Nhật Bản và phong trào khai sáng thế kỷ 19

Ảnh của NguyenTrangNhung

Hình: Fukuzawa Yukichi, trí thức tiêu biểu của phong trào khai sáng tại Nhật Bản thế kỷ 19

"Trời không tạo ra người đứng trên người, và cũng không tạo ra người đứng dưới người." Đây là một câu nói nổi tiếng trong một tác phẩm nổi tiếng của một nhà tư tưởng nổi tiếng của Nhật Bản thế kỷ 19. Vào những năm 1870, câu nói cũng như tác phẩm đã gây bàng hoàng cho người dân Nhật Bản, khi khẳng định mạnh mẽ vị trí bình đẳng giữa người dân Nhật Bản với nhau và với cả Thiên Hoàng, người mà người dân Nhật Bản từng tôn sùng như thần thánh.

Cuốn sách đó là 'Khuyến học' và nhà tư tưởng đó là Fukuzawa Yukichi. Câu nói trên chỉ là một trong rất nhiều quan điểm mới, tiến bộ, đã góp phần thay đổi ngoạn mục tư tưởng của người dân Nhật Bản, đưa nước Nhật trở thành một nước phú cường như ngày nay. Và Fukuzawa là một trí thức điển hình cho một tầng lớp trí thức thời bấy giờ đã góp phần làm nên phong trào khai sáng, hòa nhịp với cuộc cải cách Minh Trị Duy Tân thời Thiên Hoàng Minh Trị.

Năm 1868 đánh dấu thời điểm bắt đầu cuộc cải cách Minh Trị Duy Tân. Trước đó, Nhật Bản vẫn là một quốc gia phong kiến với nền nông nghiệp lạc hậu. Trong tình thế bị các quốc gia phương Tây dồn ép mở cửa, thay vì đối đầu và bế quan tỏa cảng, Nhật Bản đã chọn con đường cải cách để bắt kịp các quốc gia tiên tiến. Điều này đã giúp nước Nhật tránh được nguy cơ trở thành môt nước thuộc địa như nhiều nước phong kiến khác.

Cuộc cải cách thời đó đã đi vào người dân Nhật Bản với những khẩu hiệu như "Phú Quốc cường binh", "Quyết theo kịp phương Tây", v.v đã thúc đẩy tinh thần nhiệt tâm của người dân Nhật Bản với văn minh khai hóa. Bên cạnh đó, với chính sách trọng dụng người tài, chính phủ Minh Trị đã tạo mảnh đất màu mỡ cho tầng lớp tinh hoa của đất nước phát triển để rồi dẫn dắt xã hội đi đến tiến bộ và văn minh.

Tầng lớp này đã được tạo điều kiện đến các nước phương Tây để học hỏi các kiến thức về kinh tế, thống kê, pháp luật, chính trị, khoa học – kỹ thuật, và sau đó trở về và làm nên nhiều thay đổi quan trọng, khiến Nhật Bản nhanh chóng trở thành một quốc gia hùng mạnh. Trong tầng lớp này, bên cạnh Fukuzawa còn có nhiều tên tuổi lớn khác, như Mori Arinori, Nishimura Shigeki, Kato Hiroyuki, Tsuda Mamichi – những thành viên của hội trí thức Merokusha, hay Minh lục xã – và các trí thức của chính quyền cũ trước thời Minh Trị.[1]

Điểm qua chỉ riêng các thành quả về sách vở, dịch thuật mà tầng lớp này đóng góp cho Nhật Bản, có thể thấy các thành quả này là rất đáng ngưỡng mộ:

  • Minh lục xã, trong 21 tháng tồn tại từ 4/1874 đến 1/1876, đã phát hành 43 số đề cập đến hầu như mọi lĩnh vực trọng yếu.[2]
  • Fukuzawa cho ra đời hàng loạt tác phẩm gây tiếng vang, như 'Khuyến học' (kể trên), 'Khái lược văn minh luận', 'Tây dương sự tình', 'Phúc ông tự truyện', v.v. 
  • Nishi Amane để lại nhiều tác phẩm về luân lý học, luận lý học và các hình thái học thuật nói chung.[3]
  • Nakamura Masanao có nhiều dịch phẩm có giá trị, trong đó tiêu biểu nhất là 'Tự giúp mình' ('Self help') của Samuel Smiles và 'Bàn về tự do' ('On liberty') của John Stuart Mill.[4]
  • Nakae Chomin cũng có nhiều dịch phẩm quan trọng như 'Khế ước xã hội' ('Le contrat social') của Jean Jacques Rousseau, 'Đạo đức trong nền dân chủ' ('La morale dans la democratie') của Jules Barni, 'Mỹ học' (L'Esthétique) của Eugene Veron, 'Nền tảng của đạo đức' ('Le fondement de la morale') của Arthur Schopenhauer.[5]
  • Các dịch giả vô danh cũng góp phần vào công cuộc dịch thuật với các dịch phẩm như 'Thủy quái' ('Le leviathan') của Thomas Hobbes, 'Quân vương' ('Le prince') của Niccolò Machiavelli.[6]

Nhiều tác phẩm trong số này có số ấn bản lớn đến kinh ngạc. 'Khuyến học' ngay lần in đầu tiên đã có số ấn bản kỷ lục là 3,4 triệu,[7] 'Bàn về tự do', được xuất bản lần đầu ở Anh năm 1859, và 9 năm sau, được dịch lần đầu ở Nhật Bản với lượng phát hành lên đến 2 triệu bản, trong khi dân số Nhật Bản hồi ấy là khoảng 36 triệu người.[8] Các con số này phản ánh tầm ảnh hưởng to lớn của các tác phẩm, cũng như tinh thần khai sáng của người dân Nhật Bản vô cùng mạnh mẽ.

Như có thể thấy từ các thành quả vừa nêu, nhiều tác phẩm bằng tiếng nước ngoài đã được các học giả dịch sang tiếng Nhật từ rất sớm. Ý thức rằng chìa khóa của tiến bộ và văn minh nằm ở tri thức, mà để có được tri thức thời đó thì phải có ngoại ngữ, các trí thức Nhật Bản đã nắm giữ chìa khóa ấy để mở cánh cửa vào kho tàng tri thức của nhân loại. Kết quả là, vô số tác phẩm đã được các học giả dịch sang tiếng Nhật từ tiếng Hà Lan, Anh, Pháp, Đức, v.v với một tốc độ nhanh chóng đáng ngạc nhiên. Nhiều tác phẩm thậm chí được dịch đi dịch lại nhiều lần bởi nhiều dịch giả khác nhau, mà 'Bàn về tự do' kể trên là một ví dụ.

Trong hoạt động dịch thuật, đối với các khái niệm của phương Tây không có trong tiếng Nhật, các dịch giả có nhiều cách xử lý khác nhau, như dùng lại từ đã có trong các bản dịch Lan học, hoặc dùng từ Hán cổ có nghĩa gần giống nhất (như "kinh tế", "tự do", "cách mạng"), hoặc tạo ra các từ hoàn toàn mới (như "câu lạc bộ", "triết học", "dân chủ"), và nhờ vậy mà tiếng Nhật thêm phong phú.[9] 

Bên cạnh sách vở, các trí thức còn khai sáng xã hội Nhật Bản qua các con đường khác, như các buổi diễn thuyết, các hoạt động hội nhóm. Chẳng hạn, Ueki Emori, học trò của Fukuzawa, đã đi khắp nơi, từ trường học, chùa chiền đến kho trại, xưởng máy để nói chuyện về nhiều chủ đề, hướng đến nhiều đối tượng người nghe, như cựu võ sĩ, nông dân, nhà sư, bác sỹ, giáo chức, v.v. Các buổi họp hội nhóm thì có thể là nơi mà các tác phẩm của các trí thức khai sáng được đọc và thảo luận.[10] 

Khi tìm hiểu và học hỏi văn minh thế giới, một số trí thức Nhật Bản đã đề xuất áp dụng những tư tưởng triết học chính trị gần gũi với phương Tây. Chẳng hạn Tsuda chủ trương phải có tự do xuất bản, Fukuzawa cho rằng chính phủ phải chia sẻ "quốc quyền" với dân chúng, hay Itagaki Taisuke (một chính trị gia có tư tưởng dân quyền không thuộc Minh lục xã) đề xuất ý tưởng thành lập "dân tuyển nghị viện", tức quốc hội ngày nay.[11] 

Những tư tưởng này, tại thời điểm đề xuất, đã gây ra các cuộc tranh luận nhiều khi quyết liệt giữa các trí thức, dẫn đến các trường phái khác biệt, thậm chí đối lập nhau, song tựu chung là làm cho người dân Nhật Bản thêm mở mang và được khai sáng. Những tư tưởng này còn làm cơ sở cho các phong trào đòi hỏi sửa đổi hiến pháp cũng như đấu tranh cho tự do, dân chủ vào cuối thế kỷ 19.[12] Mặc dù các phong trào này đã không thành công, song cơ sở của chúng vẫn còn sức sống để được khơi dậy vào giữa thế kỷ 20 và trở nên quá đỗi quen thuộc đối với người dân Nhật Bản thế kỷ 21.

Còn nhiều điều thú vị về phong trào khai sáng tại Nhật Bản thế kỷ 19. Song chỉ với một số điều trên đây, có thể thấy những di sản vô giá của mà phong trào này đã để lại, đó là tư tưởng, là tinh thần, và là hàng loạt thành tựu về nhiều lĩnh vực mà Nhật Bản đã làm nên và chia sẻ cho nhân loại. Từ một quốc gia phong kiến lạc hậu, nhờ tầng lớp trí thức tinh hoa và phong trào khai sáng mạnh mẽ thế kỷ 19 cùng di sản của nó trong những thập kỷ về sau, Nhật Bản ngày nay đã trở thành một trong các quốc gia thịnh vượng và hùng cường hàng đầu thế giới.

Chú thích:

[1][3][4] Hội trí thức Meirokusha 明六社 và tư tưởng khai sáng ở Nhật Bản
http://vietsciences.free.fr/lichsu/lichsucacnuoc/Meirokusha.htm

[2][5][6] 150 năm Minh Trị Duy Tân 
https://www.diendan.org/phe-binh-nghien-cuu/150-nam-minh-tri-duy-tan]

[7] Giới thiệu sách 'Khuyến học'
https://www.khaitam.com/giao-duc/khuyen-hoc

[8] Một sự nghiệp lớn và cấp thiết 
http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=8973&rb=0306

[9][10][12] Như [2]

[11] Như [1]