You are here

10 năm tội ác tại Tam Tòa, bài học còn mới – Phần 1

Ảnh của nguyenhuuvinh

Những ngày này 10 năm về trước, không chỉ cộng đồng nửa triệu giáo dân công giáo 3 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình đang rực lửa hiệp thông và kìm nén sự căm phẫn trước nhà cầm quyền Cộng sản Quảng Bình đối với cộng đồng giáo dân tại Tam Tòa, mà cả đất nước, cả thế giới đang chăm chú hướng về mảnh đất Miền Trung đất Việt.

Ở đó, máu người giáo dân đã đổ, hàng loạt giáo dân, linh mục bị đánh trọng thương ngay trên nền đất ngôi Thánh đường Giáo xứ Tam Tòa.

Trước đó, giáo dân Giáo xứ Tam Tòa một thời gian dài không nơi thờ tự, mọi lễ nghi tôn giáo được thực hành ở một ngôi nhà mượn của một giáo dân hảo tâm. Hàng trăm con người chen chúc trong một căn nhà của giáo dân đã không hề được bảo đảm về sự an toàn, sự nghiêm túc của Thánh lễ và những nghi thức tôn giáo khác. Nhiều Thánh lễ giáo dân Tam Tòa đã phải tổ chức ngoài trời giữa cái nắng chang chang và những cơn mưa bất chợt đổ xuống của đất Quảng Bình. Mấy hôm trước, giáo dân Tam Tòa đã cùng nhau dự một mái che tạm tại ngôi Thánh đường của họ.

Nhà thờ thành Bia Căm Thù – Giáo xứ Tam Tòa bị xóa sổ

Trong lịch sử hơn 120 năm trước đó, ngôi Thánh đường của Giáo xứ Tam Tòa đã uy nghi bên bờ sông Nhật Lệ, cùng với Thánh đường là các công trình xung quanh, nhà xứ, nhà thương, nhà dòng… thành một quần thể tôn giáo được xây dựng bằng mồ hôi nước mắt của những giáo dân nơi đây.

Lịch sử hơn 120 năm của Giáo xứ Tam Tòa chứng tỏ đây là một giáo xứ lâu đời. Tại đây, có những kỷ niệm của các vị chủ chăn trong Giáo hội Công giáo Việt Nam. Đức Hồng Y Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận đã từng làm Cha Phó giáo xứ Tam Tòa này. Léopold Michel Cadière (1869-1955) là một linh mục thuộc Hội Thừa sai Paris (MEP), Pháp. Tuy nhiên, ông được biết nhiều hơn với tư cách một nhà sử học, ngôn ngữ học, văn hóa học, nhân loại học và dân tộc học. Tháng 10 năm 1895, ông được chuyển làm Chánh xứ Tam Tòa. Tại đây, ông đã thực hiện một đề tài nghiên cứu mà sau đó được Viện Khoa học Pháp tặng thưởng vào năm 1903. Ngôi Thánh đường này, cũng là nơi đã từng rửa tội cho Thi sĩ Hàn Mặc Tử.

Đó cũng là nơi đã nhuộm đỏ máu đào tử đạo của 7 vị Thánh đã được Giáo hội Công giáo phong Thánh. Trong đó có Đức Giám mục Hội Thừa Sai Paris Pierre Dumoulin- Borie Cao sinh năm 1808, tại Beynat, Tulle, Pháp. Tử đạo tại đây ngày 24/11/1838. Thầy giảng Phê rô Nguyễn Khắc Tự, các linh mục Vinh Sơn Nguyễn Thế Điểm, Phêrô Vũ Đăng Khoa, Gioan Đoàn Trinh Hoan, Mátthêu Nguyễn Văn Đắc (Phượng) Trùm họ, Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh, Y sĩ .

Những Thánh tử đạo này là minh chứng cho một Giáo xứ đã tồn tại lâu đời và có chiều dày lịch sử sâu sắc trong Lịch sử chung của Giáo hội Công giáo Việt Nam nói chung.

Năm 1954, khi làn sóng Cộng sản đã bắt đầu đổ bộ lên phía Bắc đất nước, cùng với hàng triệu người dân Việt Nam khác, một bộ phận giáo dân Tam Tòa đã cùng tham gia “Cuộc bỏ phiếu bằng chân” với Chủ nghĩa Cộng sản bằng cách vượt vỹ tuyến tạm thời để vào phần bên kia giới tuyến. Những giáo dân còn lại bị ngập chìm trong bom đạn, bão lửa của vùng chiến tranh khốc liệt, sơ tán, tản mát khỏi vùng đất nóng này một thời gian.

Và chiến tranh, cuộc chiến khốc liệt đã không trừ bất cứ một công trình, một nhân mạng hay một vùng đất nào tại Quảng Bình cũng như miền Trung Việt Nam. Ngôi nhà thờ Tam Tòa bên bờ sông Nhật Lệ, nơi những đoàn quân Cộng sản tập trung vượt sông vào Nam, đã trở thành một trọng điểm ác liệt.

Và ngôi nhà thờ bị bom làm sập đổ xuống.

Trước tình hình giáo dân tản mát thiếu người coi sóc và đặc biệt là tinh thần người cộng sản thời kỳ sắt máu nhất chẳng ai dám mở miệng kêu ca bất cứ điều gì, nhà cầm quyền CS Quảng Bình đã cho phá ngôi nhà thờ, tu viện cũng như nhà xứ ở đó để lấy vật liệu lấp đường, làm cầu cho xe cộ và binh lính qua lại.

Ngôi nhà thờ chỉ còn trơ trọi lại ngôi tháp giữa một nền đất hoang tàn.

Thế rồi, khi chiến tranh bom đạn qua đi, người dân lại tiếp tục trở về nơi cũ sinh sống, thì nhà cầm quyền Quảng Bình rắp tâm ngăn chặn việc thờ phượng của giáo dân bằng cách ngang nhiên chiếm ngay khu đất bằng cách dựng tại đó một tấm “Bia căm thù tội ác đế quốc Mỹ”.

Hài hước thay, nơi Thành đường thờ tự của người Công giáo, một tôn giáo lấy Tình yêu thương làm đầu lại bị cộng sản biến thành nơi ghi nhớ hận thù.

Và từ đó, giáo dân Tam Tòa bằng mọi cách cầu cứu xin xỏ vẫn không thể lay chuyển được ý đồ xóa bỏ Giáo xứ Tam Tòa tại đây của nhà cầm quyền CSVN.

Giáo xứ Tam Tòa trước đó thuộc TGP Huế, thế nhưng, bao nhiều năm đã qua, nhà cầm quyền kiên quyết ngăn chặn không cho các linh mục của GP Huế đến đó để làm mục vụ cho giáo dân. Rất nhiều năm trời, tiếng kêu của giáo dân nơi đây không hề lay chuyển ý chí và sự nham hiểm của nhà cầm quyền Cộng sản nơi này.

Đồng thời với sự “nhũn nhặn”, thiếu kiên quyết và sự can trường nhiều khi đến mức thiếu trách nhiệm của TGP Huế, giáo dân tại phía Nam Quảng Bình đành chấp nhận một thời kỳ dài không được hưởng quyền tôn giáo của mình. Những việc mục vụ nếu có, chỉ là nhờ các linh mục thuộc GP Vinh kiên trì, bền bỉ và cương quyết phục vụ cho họ một cách không chính thức mà thôi.

Trước tình hình đó, Tòa Thánh đã giao phần địa danh phía Nam Quảng Bình lại cho Giáo phận Vinh.

Và thế là Tam Tòa trở thành một giáo xứ thuộc Giáo phận Vinh mà chúng tôi thường nói đùa rằng “Tam Tòa là con đẻ của Giáo phận Huế đã trở thành con nuôi của GP Vinh”.

Tòa Giám mục Xã Đoài của GP Vinh đã nhiều lần yêu cầu, đề nghị với chính quyền Quảng Bình trả lại nơi thờ tự của giáo dân, để giáo dân được thực hiện quyền tự do tín ngưỡng của mình. Thế nhưng, bằng nhiều xảo thuật và sự kênh kiệu, cậy quyền thế và súng đạn, nhà cầm quyền CS Quảng Bình đã tìm mọi cách ngăn chặn việc yêu cầu của Tòa Giám mục GP Vinh và giáo dân Tam Tòa tiếp tục không nơi thờ tự, phải mượn nhà dân.

Mặt khác, vùng đất của nhà thờ, nhà xứ Tam Tòa đã lập tức được xẻ thịt, chia lô cho quan chức bán và làm nhà ở hầu hết. Cả khu vực nhà xứ, nhà thờ rộng lớn đã bị biến thành “Phố Đông quan” của Quảng Bình chỉ còn trơ trọi mỗi nền nhà thờ với ngọn tháp lở lói chỉ lên trời xanh như kêu lên tiếng kêu đau thương và ai oán cho một Giáo xứ có chiều dày lịch sử đã bị bức tử dưới bàn tay Cộng sản.

Thế rồi, chuyện gì đến đã phải đến.

Cuộc trấn áp bằng bạo lực, máu và sắt thép với giáo dân tay không

Sự việc bắt đầu vào sáng ngày 20/7/2009, khi giáo dân đang tập trung tại Thánh đường Tam Tòa, thì nhà cầm quyền CS Quảng Bình đã huy động hàng loạt côn đồ, công an đến đánh đập, phá tan công trình xây dựng mái che của giáo dân. Những đòn đánh dã man của đám công an và côn đồ, đập phá công trình, cướp Thánh giá, ảnh tượng và bắt giam, đánh đập các giáo dân tại đây.

Sự việc càng trở nên nghiêm trọng hơn, khi một số giáo dân và linh mục từ Kỳ Anh, Hà Tĩnh và các nơi khác khi nghe tin dữ đến thăm giáo dân và linh mục nơi đây, đã bị nhà cầm quyền CS Quảng Bình trong cơn say máu tổ chức đánh đập tàn nhẫn và bị trọng thương nhiều người.

Cơn nổi máu côn đồ của nhà cầm quyền Cộng sản Quảng Binh được dịp thi thố bạo lực không giới hạn, hòng dập tắt ngay lập tức ý chí và lòng tin của giáo dân nơi đây cũng như tất cả những người có ý định quay lại với giáo xứ Tam Tòa.

Hàng loạt giáo dân bị đe dọa tính mạng, Thánh giá bị cướp, giáo dân bị bắt, nhốt, bị đánh đập, các linh mục bị ngăn chặn, bị đánh hội đồng và bất chấp mọi luật lệ, đạo đức xã hội với người tu hành.

Và cơn bão uất hận

Những hành động hung đồ của nhà cầm quyền Cộng sản Quảng Bình với giáo dân, đã ngay lập tức được mạng thông tin đưa ra khắp thế giới. Từ miền Trung, tiếng thét đau thương của Giáo dân Tam Tòa đã vang lên mọi ngõ ngách, động chạm đến lương tri mọi người dân lương cũng như giáo khắp nơi.

Và những phản hồi đã lập tức vang dậy từ khắp nơi.

Những tiếng nói từ mọi nơi trên thế giới đã lập tức đáp lại tiếng kêu thét của giáo dân Tam Tòa. Hàng loạt các bài viết, hình ảnh, hành động của người dân khắp nơi đã lập tức loan tải thông tin này.

Ngay khi nhận được tin dữ từ Tam Tòa, tôi viết bài viết đầu tiên “Tam Tòa – tiếng thét đau thương từ miền Trung đất Việt, máu tử đạo lại đổ” . Bài viết ngay lập tức được chia sẻ, đăng lại trên hàng loạt các trang mạng công giáo và không công giáo khắp trên thế giới. Những loạt truy cập tăng lên chóng mặt chứng tỏ sự quan tâm của cả thế giới đến biến cố này.

Đặc biệt, cả giáo phận Vinh nổi sóng hướng về Tam Tòa.

Hơn nửa triệu giáo dân Gp Vinh cùng với Đức Giám mục, hàng linh mục, tu sĩ đã nhất loạt nói lên tiếng nói bất bình và căm phẫn của mình trước hành động bất chấp nhân tâm, đạo lý của nhà cầm quyền Cộng sản Quảng Bình với giáo dân Tam Tòa.

Hàng loạt cuộc biểu tình, thắp nến khắp nơi từ Nam đến Bắc đã được tổ chức, hàng loạt các bài viết nhanh chóng loan truyền trên mạng về những hành động hiệp thông với Giáo xứ Tam Tòa đã làm rung chuyển mạng internet lúc bấy giờ.

Tại hầu hết các Giáo xứ thuộc Giáo phận Vinh, nhiều Thánh lễ được tổ chức cầu nguyện cho Tam Tòa, bắt đầu từ các Giáo xứ, rồi quy mô Giáo Hạt và sức nóng của vụ Tam Tòa đã ngày càng lan rộng khắp nơi.

 Những phản ứng dữ dội của nhiều thành phần xã hội từ vụ Tam Tòa đã buộc cả hệ thống chính trị Cộng sản Việt Nam hệ thống truyền thông dù đã cố tình giấu nhẹm vụ việc nghiêm trọng này cũng không thể im lặng mà phải bước vào cuộc chiến truyền thông xuyên tạc và dối trá.

(Còn nữa)

Ngày 25/7/2019

J.B Nguyễn Hữu Vinh