You are here

Đỉnh điểm sự tàn ác (tiếp theo và hết)

Ảnh của nguyenvubinh

     …

     Về câu hỏi thứ ba, cuối cùng “Tại sao không có sự kết hợp rộng khắp với các giáo xứ Công giáo quanh khu vực lân cận nhà tù để có thể yểm trợ giúp đỡ đoàn và có lực lượng cân bằng hoặc nhiều hơn lũ khủng bố?”. Việc tham gia vào các đoàn đồng hành cùng gia đình Tù nhân Lương tâm là việc làm có nhiều ý nghĩa. Ngoài thân nhân các Tù nhân Lương tâm phải là những người là cựu Tù nhân Lương tâm, những người hoạt động hoặc chí ít cũng là những người ủng hộ hoạt động phản biện, đấu tranh dân chủ. Việc này thể hiện tinh thần liên đới giữa những người hoạt động trong phong trào dân chủ. Và đây không phải là việc đơn giản, có nghĩa là tham gia đồng hành cũng cần có quyết tâm và sự can đảm nhất định. Chính vì vậy mà việc mời gọi cũng không hề đơn giản. Nếu không phải là những người (thành phần) nêu trên, việc liên lạc để mời gọi tham gia vào những công việc này không thể thực hiện được một mặt vì sự bảo mật, mặt khác nhiều người không sẵn sàng tham gia. Các giáo xứ Công giáo xung quanh nhà tù không phải giáo xứ nào cũng như Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà, hoặc giáo xứ Song Ngọc, Kẻ Đọng… Trong phạm vi nhất định, đoàn đồng hành cũng đã liên hệ với những người hoạt động ở Nghệ An, và họ cũng đã tham gia (2 xe ô tô con) vào chuyến đi. Nếu đặt thêm câu hỏi, có thể nhờ huy động người trong những giáo xứ có mối liên hệ với phong trào dân chủ ở Nghệ An, như giáo xứ của các linh mục Nguyễn Đình Thục, Đặng Hữu Nam hay không? Câu trả lời về lý thuyết là có, nhưng trong thực tế rất phức tạp. Bởi vì, khi huy động như vậy, ngoài tinh thần tương trợ của các vị chủ chăn và giáo dân, còn cần kinh phí cho đoàn người, phương tiện và cũng phải tính tới việc, nếu như công an, côn đồ không thực hiện việc đánh người theo kế hoạch, họ sẽ tính tới việc đập phá phương tiện, trả thù giáo xứ sau đó. Tóm lại, đó là những việc vượt quá khả năng của những người tổ chức chuyến đi trong điều kiện chưa có tổ chức và kinh phí hạn hẹp như hiện nay.

     Chúng ta cũng cần hiểu thêm rằng, bên phía nhà cầm quyền, họ có những người ăn lương để chủ trương thực hiện việc này, đó là những an ninh cấp cao, những công an cấp tỉnh, huyện, trại giam và cơ sở. Họ có đầy đủ lực lượng, phương tiện và cả pháp lý khi cần để bảo vệ người của họ, và họ có cả sự chủ động trong việc đàn áp, khủng bố. Trong khi bên phía những người hoạt động, ngoài tấm lòng chia sẻ, thể hiện tinh thần liên đới giữa những người hoạt động, họ không có tổ chức, và kinh phí cũng không phải muốn thực hiện việc gì cũng được. Hơn nữa, họ hoàn toàn bị động trong các tình huống. So sánh tương quan lực lượng để thấy được đây là vấn đề rất khó khăn.

      Tuy nhiên, vẫn còn một câu hỏi có thể đặt ra, với tương quan chênh lệch như vậy, có thể có những cách thức nào để giảm thiểu những tổn thất có thể xảy ra trong những hoàn cảnh tương tự. Tôi nghĩ là có, những cũng rất khó thực hiện. Đó là việc nhanh nhạy trong dự đoán và xử lý tình huống, đồng thời cần quán triệt tinh thần đối với các thành viên của các chuyến đi. Có thể có vài vấn đề cần tham khảo.

     Thứ nhất, nếu như quan sát thấy, phía công an, côn đồ có số lượng đông đảo vượt trội, gấp đôi hoặc gấp ba đoàn người, cần nghĩ ngay tới tình huống họ sẽ thực hiện việc đánh đập, khủng bố. Bởi vì nếu không có mục đích đánh đập, họ sẽ không huy động lực lượng lớn như vậy. Có thể lúc đầu phía nhà cầm quyền chưa huy động ngay toàn bộ lực lượng, nhưng theo thời gian, họ sẽ đưa người tới với mức độ áp đảo phía bên những người hoạt động. Khi thấy số lượng công an côn đồ tăng lên, cũng cần xác định họ sẽ thực hiện việc đánh đập, khủng bố. Khi đã xác định được mục đích của nhà cầm quyền, cần nhanh chóng rút lui. Điều này phải được bàn bạc trước, và chỉ cần một người có trách nhiệm ra hiệu kín đáo, mọi người nhanh chóng để rút lui.

     Thứ hai, trong trường hợp không xác định được mục đích của đối phương, hoặc xác định được nhưng khi rút lui không kịp, đoàn người cần nhanh chóng tập trung thành một khối để bảo vệ lẫn nhau. Tuyệt đối không để công an tách người, cô lập người và thực hiện việc đánh đập. Khi một người bị đánh đập, cần tất cả mọi người lao vào can ngăn (can ngăn chứ không đánh lại) và ngay sau đó lập thành một khối không rời nhau. Sau khi hợp thành một khối, có thể gọi người ứng cứu, và có thể tiến hành livestream để đánh động dư luận và tự bảo vệ đoàn.

     Trên đây là cách xử lý tình huống để giảm thiểu tổn thất, hi vọng có thể thực hiện được trong những hoàn cảnh tương tự. Và dù không thực hiện được, dù chúng ta có bị đánh đập, chúng ta cũng đã thắng tà quyền cộng sản về chính nghĩa, về sự chia sẻ, tương thân tương ái giữa những người đấu tranh, cũng như tố cáo tội ác của nhà cầm quyền./.

Hà Nội, ngày 22/7/2019

N.V.B