You are here

Đỉnh điểm sự tàn ác (tiếp theo)

Ảnh của nguyenvubinh

     …

     2/ Những câu hỏi đặt ra?

     Ngay khi sự việc xảy ra, thông tin về vụ hành hung, khủng bố của công an và côn đồ ở trại 6 đã được cập nhật trên mạng xã hội dưới nhiều góc độ và khía cạnh. Đã có ngay một số video clip hình ảnh về vụ khủng bố lan truyền trên mạng. Sự phẫn nộ của dư luận lên tới đỉnh điểm. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến thắc mắc xung quanh vụ việc. Phần nhiều những ý kiến này là của những người quan sát, chưa có thực tế đấu tranh và va chạm với công an, hoặc công an mặc thượng phục giả dạng côn đồ. Tuy nhiên, có nhiều vấn đề, nếu chưa qua trải nghiệm, mà không được giải thích cặn kẽ, nhiều người vẫn không thể hình dung ra. Vậy nên cũng cần nêu ra các câu hỏi và giải đáp thỏa đáng.

     Các câu hỏi được nêu ra có nhiều, xong có thể tập hợp thành một số câu hỏi quan trọng sau:

     -  “Tại sao chúng nó đàn áp khủng bố mà chúng ta không chống trả?” 
     - “Tại sao nhiều lần gia đình TNLT bị đánh đập đàn áp ngay cả lúc đi đón thân nhân như vụ của gia đình chị Cấn Thị Thêu mà mọi người không tính đến tình huống này để có biện pháp giảm thiểu hậu quả ?” 
     - “Tại sao không có sự kết hợp rộng khắp với các giáo xứ Công giáo quanh khu vực lân cận nhà tù để có thể yểm trợ giúp đỡ đoàn và có lực lượng cân bằng hoặc nhiều hơn lũ khủng bố?”

     Về câu hỏi đầu tiên, “Tại sao chúng nó đàn áp khủng bố mà chúng ta không chống trả?”, cá nhân người viết bài này sau một vài lần thấy nhóm người đấu tranh bị đánh, bị hành hung cũng cảm thấy thắc mắc. Tuy nhiên, chỉ sau thời gian ngắn, khi tôi tham gia vào chuyến viếng thăm Tù nhân Lương tâm Trần Anh Kim ở Thái Bình khi ông mãn hạn tù lần đầu (đầu năm 2016) đã có câu trả lời từ thực tế. Ngay tại chỗ của vụ khủng bố, chúng ta không thể chống trả. Bởi vì số lượng công an, côn đồ quá đông, áp đảo so với người hoạt động (thông thường là đông gấp đôi, lại toàn thanh niên lực lưỡng trong khi những người hoạt động có nhiều người già, phụ nữ). Cách thức đánh người cũng rất khó để người bị đánh chống trả. Đó là, chúng tách riêng người chúng nhắm đánh, quây vào 4-5 tên trực tiếp đánh, ngoài ra vòng ngoài chúng có 5-7 tên sẵn sàng đánh hoặc hất người vào can. Cá nhân tôi hôm đó vào can ngăn bảo vệ đồng đội đã bị ba tên chắn ngang và hất ra. Còn tại sao lại để chúng tách người ra đánh, thì việc đánh người của công an đã được tính toán và chuẩn bị. Mặt khác, những người hoạt động là những người bị động, hơn nữa không phải khi gặp mặt là chúng đã đánh ngay, còn chọc ghẹo, đôi co, chửi bới nhau trước. Đó còn chưa tính tới trường hợp công an bẫy người đấu tranh, nếu họ chống cự sẽ bắt giam và quy vào tội chống người thi hành công vụ, điều đã từng xảy ra với chính nhà giáo, cựu Tù nhân Lương tâm Vũ Hùng gần đây. Toàn bộ quá trình này khiến cho người hoạt động không thể biết chúng có đánh ngay hay không, và chúng nhằm vào ai? Tóm lại, với lực lượng áp đảo, và hành động có chuẩn bị, có tính toán từ trước của công an, chúng ta, những người đấu tranh lực lượng ít hơn hẳn, bị động và hầu như không chuẩn bị, không thể đánh trả lại được trong những thời điểm đó.

     Câu hỏi thứ hai, “Tại sao nhiều lần gia đình TNLT bị đánh đập đàn áp ngay cả lúc đi đón thân nhân như vụ của gia đình chị Cấn Thị Thêu mà mọi người không tính đến tình huống này để có biện pháp giảm thiểu hậu quả ?”. Trả lời câu hỏi này, tuy không tham gia vào đoàn người bị khủng bố hôm đó, nhưng tôi cũng xin được trả lời thay, bởi tôi cũng đã tham gia nhiều đoàn nên biết được cách thức tổ chức và sự hạn chế chung (khách quan) về mọi mặt của những người đấu tranh. Chúng ta không (và chưa) có tổ chức, và chúng ta thậm chí cũng không có kinh phí cho những cuộc viếng thăm này (lúc có lúc không, có cũng rất hạn chế). Tất cả đều ở tấm lòng của những người tổ chức chuyến đi. Vì không có tổ chức, nên việc liên lạc, mời (rủ) người tham gia đi cũng rất khó khăn trong việc bảo mật và sự tham gia. Người tham gia, có người có kinh nghiệm, có người đi lần đầu trong khi không ai biết chắc chắn sẽ có khủng bố xảy ra. Chính vì vậy, những người tổ chức và người tham gia, mặc dù đã cố gắng giữ bí mật chuyến đi, nhưng nếu đông người quá cũng không chắc giữ được sự bảo mật. Vậy nên, họ chỉ cố làm hết khả năng trong việc giữ bảo mật và với phương châm tùy cơ ứng biến. Nếu như chúng ta có tổ chức, có nguồn lực (tiền) thì chúng ta sẽ phân công phân nhiệm đàng hoàng, có các bộ phận để lo từng vấn đề, khía cạnh. Có tổ chức chúng ta cũng sẽ lo được vấn đề tăng cường lực lượng khi cần…  Việc không có tổ chức và nguồn lực hạn chế bó chân bó tay tất cả những người tổ chức các chuyến đi. Chúng ta chỉ có thể tính toán để xử lý các tình huống cụ thể, với một sự cảnh giác không đồng đều giữa những người tham gia chuyến đi vì có người có kinh nghiệm, có người không có kinh nghiệm mới tham gia lần đầu…

     (còn nữa)

Hà Nội, ngày 21/7/2019

N.V.B