You are here

Triết lý của con ếch

Ảnh của canhco

Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng vừa chứng tỏ khả năng của một người từng đứng đầu Viettel, Tập đoàn viễn thông quân đội rất thành công trong việc dành thị phần trong nước lẫn chinh phục nhiều thị trường ở các nước thứ ba, qua ý kiến của ông nhằm khuyến khích doanh nghiệp bắt tay vào xây dựng phần mềm mạng xã hội như Facebook cũng như tiến xa hơn vào lĩnh vực Internet bằng cách tạo một công cụ tìm kiếm như Google mang dấu ấn “made in Vietnam”.

Trong phòng họp các doanh nghiệp CNTT Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng có bài nói chuyện được VTV 24 giờ quay lại và phổ biến cho thấy có rất nhiều điều cần bàn khi ông hướng doanh nghiệp vào ý tưởng này, một ý tưởng không mới vì trước đây nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng ký duyệt 200 triệu đô la cho việc xây dựng một mạng xã hội dành riêng cho thanh niên Việt Nam nhưng sau nhiều năm vẫn không đạt được chút kết quả gì.

Khác với lần trước lần này Bộ Chính trị dùng ông Hùng như một hình ảnh đang được giới trẻ chú ý rất thành công trong công nghệ thông tin qua sự điều hành của ông đối với Viettel. Từ dấu ấn này ông Hùng có thể mạnh dạn đăng đàn nói về giấc mơ Google, Youtube, Facebook của Việt Nam. Giấc mơ ấy ông giao lại cho doanh nghiệp nghiên cứu và thực hiện với gợi ý của ông “Vì triết học của Facebook bây giờ nó thay đổi rồi không phù hợp với thế giời nữa”.

Nhiều người sợ mình dốt vội vã đi tra cứu “triết học facebook” là gì nhưng không tìm ra bởi làm gì có thứ triết lý ấy trong một tập đoàn như Facebook chỉ cốt ý kiếm tiền chứ không kiếm điều gì khác. Ông Nguyễn Mạnh Hùng trong vai trò một Bộ trưởng tương đối có background về công nghệ thông tin nhưng ông tỏ ra chưa hiểu sâu về sự vận hành của Facebook nên mới có lời lẽ lòe doanh nghiệp hơn là đào sâu về mục tiêu mà ông đặt ra nhằm quyến rũ họ. Cái mà ông gọi là triết lý ấy nó không tồn tại trong mục đích chinh phục người sử dụng trên toàn thế giới của Facebook. Có lẽ ông lẫn lộn giữa chiến lược phát triển của doanh nghiệp khi Facebook muốn vào một nước nào đó như Việt Nam chẳng hạn nó sẽ có chiến thuật đối phó với chính phủ đề tồn tại và chiến thuật ấy có thể thay đổi tùy theo “khẩu vị” mà chính phủ ấy mong muốn.

Tuy nhiên, Facebook cũng như Google có thể vì lợi nhuận thỏa mãn một phần nào yêu cầu của nhà nước sở tại nhưng chúng vẫn bị chế tài từ chính quốc với luật pháp mà những tập đoàn này phải tôn trọng nếu không muốn những khoản tiền phạt khổng lồ vì đã vi phạm luật pháp, ở đây là Mỹ, một đất nước dân chủ hàng đầu thế giới.

Đây có lẽ là lý do mà những nước muốn một mình thống trị hệ thống thông tin luôn suy nghĩ tới việc tìm cách thay Facebook bằng một công cụ mà nhà nước kiểm soát nhằm bịt miệng, che mắt, không cho nghe những tiếng nói khác với nhà nước nhằm “ổn định chính trị” như Việt Nam đang thực hiện. Đó là lý do duy nhất ông Bộ trưởng Bộ TTTT nhắm tới.

Còn có được hay không lại là việc khác.

Ông Hùng từng rất thành công khi nắm tập đoàn Viettel. Trong hàm thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt Nam, dĩ nhiên ông được Bộ Quốc phòng hết lòng ủng hộ. Một doanh nghiệp muốn thành công ở Việt Nam cần phải có ưu thế từ chính phủ, nguồn vốn dồi dào và quyền lực đủ để tạo điều kiện thành công trong thương trường.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng có đủ cả ba yếu tố ấy nên không thể không thành công. Ưu thế từ chính phủ không ai mạnh hơn Bộ Quốc phòng, nguồn vốn sẽ được Ngân hàng Nhà nước bảo kê và quyền lực đã chứng minh trong việc dành thị phần tại Việt Nam rất nhanh chóng và hiệu quả vì có công ty nào dám chống lại một doanh nghiệp có sẵn hệ thống tình báo trong tay sẵn sàng thanh toán đối thủ trong vòng một note nhạc?

Nhiều người ngộ nhận về khả năng của ông Hùng nên lạc quan tin rằng ông sẽ là người kiến tạo ngành công nghệ thông tin của đất nước, nhưng sau khi ông tuyên bố rằng “Chúng ta trước đây cứ nghĩ Google là vĩ đại. Nhưng khi một người bình thường có một câu hỏi, Google cho ra hàng triệu câu trả lời rất khác nhau và cũng không biết đâu là đúng, đâu là sai. Google dựa vào tiền trả cho họ để đưa kết quả lên trước” thì niềm tin ấy sụp đổ một cách thê thảm. Ông Hùng đã để lộ ra sự thiếu hiểu biết về cách mà Google vận hành nên có kết luận rất “âm tính”.

Rồi ông lại theo chân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, người nổi tiếng là lạc quan tếu khi liên tục đưa ra những đề xuất không thể thực hiện. Ông Nguyễn Mạnh Hùng đã rất tự tin khi nói rằng "Nước ta so với nước Mỹ thì khoảng cách tương đối lớn, nhưng giới tinh hoa Việt Nam so với Mỹ thì khoảng cách không lớn. TP.HCM là tinh hoa của Việt Nam thì bắt buộc phải đặt mục tiêu tương đương với thành phố của các nước đã phát triển” Ông cũng tuyên bố TP.HCM cần tương đương New York về hạ tầng viễn thông

Việt Nam có câu chuyện con ếch muốn to bằng con bò, thật thú vị nếu con bò ấy biết nói tiếng Mỹ.

Tinh hoa theo suy nghĩ của ông Hùng rất đáng nghi ngờ khi đất nước sở hữu những Giáo sư/Tiến sĩ cho rằng “Lon” rất mất thuần phong mỹ tục còn “Lu” thì nên áp dụng vào khoa học kỹ thuật cho xứng tầm văn hóa bản địa.

Dân tộc bị ăn bánh vẽ nhiều đến bội thực từ bao năm nay bởi những tinh hoa như ông Hùng ca ngợi, trong đó hẳn không thiếu ông, người tỏ ra rất “lãnh tụ” trước các doanh nghiệp IT bằng những lời lẽ, biểu cảm rất đáng được truy tặng “huân chương gây nổ hạng nhất”.