You are here

VÀ CON TIM ĐÃ VUI TRỞ LẠI

Ảnh của nguyenlanthang

"Tìm một con đường 

tìm một lối đi 

ngày qua ngày 

đời nhiều vấn nghi 

lạc loài niềm tin 

sống không ngày mai 

sống quen không ai cần ai 

cứ vui cho trọn hôm nay..."

Ấy là lời một bài hát của Đức Huy mà thế hệ 7x chúng tôi cách đây 30 năm rất ưa thích. Những bỡ ngỡ, bối rối của tuổi trẻ trong cuộc sống được Đức Huy lột tả một cách đầy tinh tế chỉ bằng mấy chữ đơn sơ. Chính vì thế dù có nhiều dòng nhạc khác ồ ạt đổ vào Việt Nam trong thời mở cửa, nhưng bài hát "Và con tim đã vui trở lại" của Đức Huy vẫn có một ảnh hưởng không hề nhỏ đến thanh niên trong giai đoạn cuối thế kỷ trước. 

Tất nhiên là với trải nghiệm và suy nghĩ còn non nớt thì hồi đó tôi chỉ cảm nhận bài hát này thuần tuý theo khía cạnh về tình yêu đôi lứa. Nhưng sau này mỗi khi nghe lại, tôi thấy ngày càng ngộ ra ẩn ý của lời ca rất mộc mạc đó. Đức Huy viết: "chờ tình yêu đến trong ánh nắng mai/xóa tan màn đêm u tối/cho tôi biến đổi tâm hồn thành một người mới". Màn đêm u tối là màn đêm nào? Tình yêu ấy là tình yêu gì? Đang là con người của một đất nước xã hội chủ nghĩa nhỏ bé, nhưng đầy vinh quang vì đánh thắng hai đế quốc to... mà biến đổi thành con người khác thì nguy quá. Đức Huy định vẽ con đường nào cho thanh niên đi tìm đây? 

Ha ha, tôi đùa đấy! Không chắc là Đức Huy có ý lồng ghép ẩn ý như vậy không, nhưng nếu hồi đó ban Tuyên giáo trung ương mà có mảy may nghi ngờ gì về điều này thì còn lâu tên tuổi của Đức Huy mới được phép có mặt và cuốn hút hàng triệu thanh niên đến thế. Nhưng nếu quả thật Đức Huy có ý đồ như vậy, thì tôi cho rằng ông ấy đã quá thành công trong việc qua mặt ban Tuyên giáo, để thổi tình yêu và lòng khát khao đi tìm những con đường mới cho tuổi trẻ Việt Nam. Hôm nay, họ khao khát tình yêu, họ lao đi tìm một tình yêu cho mình. Nhưng ngày mai, nếu thanh niên khao khát những giá trị tự do, dân chủ, nhân quyền... chẳng hạn, họ cũng sẽ lao đi tìm con  đường để giành lấy nó, mà chẳng hề sợ "vực sâu tối" như trong lời bài hát của ông.

Trong tình yêu đôi lứa hay trong cuộc sống đời thường, tôi chắc các bạn đang đọc bài viết của tôi đây đều nhất trí một điều rằng, nếu ta mất đi mục đích sống, lý tưởng sống thì tất cả những điều ta đang làm đều trở nên vô nghĩa. Có một điều đáng buồn là một số người trong chúng ta không nhận ra điều đó. Họ sống một cuộc đời vật vờ, nhàn nhạt, không mục đích, không lý tưởng. Họ làm mọi việc chỉ như là nghĩa vụ để tồn tại, chứ không phải là với sự dâng hiến như trong tình yêu. Thậm chí có người còn không tìm được một ai trên đời này để tin tưởng, để yêu thương. Lại có những người thì sau khi đã đạt những mục tiêu như sự nghiệp, gia đình, con cái... họ dường như mất hết động lực chiến đấu, và rồi lại rơi vào cơn trầm cảm khác còn kinh khủng hơn khi chưa có gì. Vì thế chúng ta có thể thấy một số người rất thành đạt lại đi tự tử, bi kịch chẳng kém gì những người vốn thất bại trong cuộc đời.

Chính vì thế, mục đích sống, lý tưởng sống là những thứ còn cao hơn rất nhiều những giá trị hiển lộ như sự thành đạt, tiền bạc, hay một mỹ nhân nào đó. Viktor Emil Frankl (26 tháng 3 năm 1905 - ngày 2 tháng 9 năm 1997) là một nhà thần kinh học người Áo sống sót sau khi bị nhốt mấy năm trong trại tập trung của Đức Quốc Xã. Sau này khi ra trại, ông đã kể lại những trải nghiệm và bài học của đời mình trong cuốn sách "Đi tìm lẽ sống". Ông ấy có những gợi mở mà tôi cho là rất hay, xin được trích dẫn lại vài lời như sau:

Câu nói của Nietzsche: "Người nào có lý do để sống thì có thể tồn tại trong mọi nghịch cảnh".

"Con người không đơn giản tồn tại" mà họ còn luôn quyết định mục đích tồn tại của mình và quyết định cả về con người mà họ muốn trở thành.

Linh hồn của con người chỉ có thể tìm thấy sự cứu rỗi thông qua tình yêu và trong tình yêu. Tôi hiểu được làm sao mà một người không còn gì trên thế gian này vẫn biết thế nào là hạnh phúc dù chỉ thông qua, đắm chìm trong suy nghĩ về người mình yêu thương. Trong lúc cảm thấy cô độc, khi không thể làm gì tích cực, khi điều duy nhất một người có thể làm là nhẫn nại chịu đựng thì nỗi nhớ về những người yêu thương là niềm hạnh phúc duy nhất của các tù nhân. Lần đầu tiên trong đời, tôi có thể hiểu được ý nghĩa của câu nói: “Các thiên thần chìm đắm trong suy tư bất tận về một chiến thắng xa xôi”

Nếu cảm thấy có những bế tắc nào đó trong cuộc đời thì tôi xin được khuyên bạn hãy tìm đọc cuốn sách này. Và rồi khi bạn tìm được cho mình một lẽ sống, một đam mê, tôi chắc con tim bạn sẽ vui trở lại như lời bài hát của Đức Huy.

Yêu thương tất cả ♥️