You are here

Và cuối cùng tới phiên Việt Nam

Ảnh của canhco

Nhiều người nghi ngờ tác động hàng hóa sản xuất từ Trung Quốc chạy sang núp dưới cái bóng Việt Nam để xuất sang Hoa Kỳ sẽ làm cho kinh tế Việt Nam khó khăn thêm nếu Trump chú ý tới những mánh khóe gian dối mà Trung Quốc sẽ làm như thường thấy xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam. Điều đó đã tới và Trump cũng đã công khai lên tiếng chỉ trích thái độ mà ông gọi Việt Nam là “kẻ lạm dụng”.

Hà Nội sống quá lâu trong sự coi thường đế quốc Mỹ, một con hổ giấy, một kẻ thù dấu mặt, thậm chí một đất nước rất dễ lợi dụng nên tâm lý phớt lờ cuộc chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn xuất hiện trong tư duy của báo chí lẫn cán bộ làm kinh tế. Mỹ đánh Tàu thì chỉ có lợi cho Việt Nam mà thôi, và từ đó sinh ra những kế hoạch “hậu trường” nhằm lợi dụng cuộc chiến này để thủ lợi.

Cách thủ lợi nhanh chóng và gọn gàng nhất là âm thầm mời các công ty Trung Quốc vốn đang bị Mỹ bao vây mang nhà máy vào Việt Nam rồi tái xuất sang Mỹ với cái nhãn Made in Vietnam.

Nhưng mang vật tư xây dựng một nhà máy tiêu tốn rất nhiều thời gian mà chưa chắc gì cuộc chiến sẽ kéo dài nên khi nghe đối tác đề nghị mang hàng đã xuất kho từ Trung Quốc, ém quân một thời gian, dán lại nhãn giao cho Việt Nam xuất sang Mỹ…con đường nhẹ tênh nhưng lại có lợi nhiều hơn so với suy nghĩ một chiến lược dài hơi nhân cơ hội này chiếm lĩnh thị trường nước Mỹ thay thế một phần nhỏ của hàng hóa Trung Quốc trước đây.

Tâm lý 'ăn xổi, ở thì' vẫn ngự trị trong bất cứ chính sách nào mà Hà Nội đưa ra, nhất là cái lợi khó cưỡng trước mắt. Thế nhưng Tổng thống Trump không phải là Obama hay Clinton, ông Trump có cặp mắt cú vọ nhanh chóng phát hiện những con chuột tuy lén lút nhưng lì lợm, gian dối khi làm kinh tế dù là Trung Quốc hay Việt Nam. Chính sách của chính phủ mà ông đứng đầu không bỏ sót một quốc gia nào dù đồng minh hay đối nghịch. Việt Nam tuy là nước lập lờ giữa hai khái niệm ấy nhưng do vị trí đặc thù của địa chính trị nên được sự chú ý của ông Tổng tư lệnh của cuộc chiến tranh thương mại chống Trung Quốc. Việt Nam tỏ ra non tay và quá xem thường nước Mỹ dưới thời của Trump nên sáng hôm nay lãnh hậu quả mà không người dân nào muốn thấy.

“Rất nhiều công ty đang dời sang Việt Nam, nhưng Việt Nam lợi dụng chúng ta còn tệ hơn cả Trung Quốc,” là câu phát biểu của Tổng thống Trump với chương trình Fox Business vào sáng Thứ Tư ngày 26 tháng 6, và tệ hơn nữa khi ông thêm rằng “Việt Nam gần như là kẻ lạm dụng tồi tệ nhất trong số tất cả các nước”.

Sự khó chịu lên tới mức giận dữ của Trump có khiến Hà Nội lo ngại hay không là một việc nhưng chắc chắn rằng người lo ngại hơn cả là Chủ tịch nước/Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vì ông đang thu dọn hành trang để lên đường sang Mỹ. Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa đối với ông khi lần đầu tiên ông sang Mỹ với danh phận của một nguyên thủ quốc gia chứ không phải là chủ tịch của một đảng phái, cho dù là Đảng Cộng sản chăng nữa.

Ông Trọng thật khó ăn nói khi gặp ông Trump mà bị nhìn dưới đôi mắt là người đang thủ lợi một cách bất minh trong cuộc chiến tay đôi giữa Mỹ và Trung Quốc. Mặc dù ông Trump chưa bao giờ lên tiếng chỉ trích về vấn đề nhân quyền của Việt Nam nhưng gót chân Achilles về thâm thủng mậu dịch của Mỹ vẫn là trọng tâm mà ông Trump nhắm tới sẽ không làm ông phớt lờ những kết quả gần đây đang đặt trên bàn của ông trong phòng bầu dục.

Có lẽ Việt Nam ngủ quên trước lời khen ngợi của ông Trump vào vài tuần trước khi nói với một kênh truyền hình ở Anh rằng “Việt Nam là đối tác thương mại thứ dữ và họ đàm phán, kinh doanh rất tốt”. Việt Nam quên bẵng rằng chính sách “cây gậy và củ cà rốt” vốn chưa bao giờ rời khỏi bàn tay của bất cứ tống thống nào của nước Mỹ. Khen để Việt Nam tự thay đổi cho phù hợp với xu thế mới chứ không phải khen để rồi tưởng rằng cá đã cắn câu.

Con cá Mỹ tuy có cắn câu chăng nữa chỉ sợ chiếc cần của Việt Nam quá nhỏ bé để làm chủ con cá ấy.

Chính sách mở cửa cho hàng hóa Trung Quốc từ hàng chục năm nay đã tỏ ra có hại cho kinh tế Việt Nam hơn lúc nào hết. Người Việt đã quen thuộc với hàng Trung Quốc đóng nhãn Made in Vietnam nên vấn đề này đối với nhiều người không quan trọng nhưng trong cuộc chiến tranh thương mại đang xảy ra, việc thay đổi nơi xuất xứ của hàng hóa là hành vi được xem là tiếp tay cho kẻ thù của Mỹ. Có cần thiết đóng vai kẻ thù cho vừa lòng đàn anh phương Bắc hay không là câu hỏi người dân đang chờ lời giải đáp từ chính quyền của mình.

Vời ông Trump, bất cứ giải thích nào cũng vô giá trị vì con số mà các cơ quan theo dõi xuất xứ hàng hóa của Mỹ đưa ra mới là kết quả đáng tin.

Thâm hụt mậu dịch hàng hóa của Mỹ với Việt Nam gia tăng kể từ khi ông Trump lên nắm quyền vào năm 2017, lên tới mức 39,5 tỉ đôla trong năm 2018 không phải là con số không đáng để ý. Nhưng đáng để ý hơn nữa khi con số ấy đem về nguồn lợi cho dân chúng Việt Nam là bao nhiêu mới đáng nói. Có bao nhiêu phần trăm hàng hóa của Trung Quốc dán nhãn Việt Nam nằm trong gần 40 tỉ thâm hụt mậu dịch mới là điều mà Tổng thống Trump cần làm rõ.

Việt Nam sẽ phản hồi mạnh mẽ để khỏa lấp những cáo buộc mà Mỹ đưa ra nhưng cái người ta chờ đợi là lời giải thích có chứng minh bằng các chứng cứ cụ thể chứ không phải là những “quan ngại” như thường thấy.

Chỉ lo rằng sau khi ra về từ hội nghị nhóm G20 tại Nhật ông Trump sẽ đánh thuế lên nhiều mặt hàng Made in Vietnam thì lúc ấy những con chuột hữu nghị sẽ trốn vào đâu trong sự giận dữ của người dân cả nước?

 

https://www.voatiengviet.com/a/trump-chi-trich-viet-nam-la-ke-lam-dung-thuong-mai/4974670.html