You are here

Venezuela và Việt Nam: Những nét tương đồng và khác biệt (tiếp theo và hết)

Ảnh của nguyenvubinh

     …   

     Khi các chế độ cộng sản ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, cũng là lúc nền kinh tế Việt Nam vận hành theo cơ chế kế hoạch hóa dẫn tới sự cạn kiệt nguồn lực và đứng trước nguy cơ sụp đổ. Đảng cộng sản đã bắt trước công cuộc cải tổ của Liên Xô bằng Đổi mới kinh tế ở Việt Nam. Tuy nhiên, khi nhìn thấy con đường cải tổ của Liên Xô đã dẫn tới việc sụp đổ chế độ thì đảng cộng sản Việt Nam đã thay đổi cách thức cải tổ, đổi mới của mình. Về kinh tế, thay vì phát triển một nền kinh tế thị trường đầy đủ như văn kiện đại hội đảng VI nêu ra, họ đã lấy kinh tế nhà nước làm chủ đạo, cùng với một loạt các quyết định kiểm soát giá cả các mặt hàng  thiết yếu như xăng, dầu, điện, nước, vàng, đô la… về chính trị xã hội, đảng cộng sản giữ nguyên các cấu trúc cũ và thắt chặt kiểm soát trên các lĩnh vực tư tưởng, văn hóa và chính trị. Về cơ bản, đảng cộng sản đã sử dụng chiêu bài đổi mới để chuyển mục tiêu thống trị nhân dân sang mục tiêu duy trì sự độc tài lãnh đạo của mình.

     4/ Hai con đường cùng một kết cục

     Diễn biến của Venezuela và Việt Nam đưa tới những ý nghĩa thú vị về các quốc gia đi theo con đường cộng sản, xã hội chủ nghĩa. Việt Nam là quốc gia có lựa chọn mô hình cộng sản, được xây dựng bài bản từ đầu tới cuối thể chế độc tài toàn trị cộng sản. Nhưng được một thời gian đã phải chuyển đổi mô hình, áp dụng kinh tế thị trường để cứu vãn nền kinh tế và cả chế độ. Trong khi đó, Venezuela là một quốc gia dân chủ, chỉ áp dụng một số chính sách, khía cạnh của kinh tế kế hoạch hóa, chính sách của các nước XHCN, nhưng cả hai nước đều đang trong tình trạng phá sản về kinh tế, chỉ khác nhau về hình thức phá sản. Đối với Venezuela, sự phá sản nền kinh tế dẫn tới hậu quả khủng khiếp về xã hội đã nhìn thấy rõ ràng. Đối với Việt Nam, việc áp dụng các nguyên lý, cấu trúc và cơ chế kinh tế thị trường một cách nửa vời và trục lợi đến nay đã đưa tới những hậu quả nặng nề, tuy nhiên rất khó nhìn ra nếu không có kiến thức nhất định về kinh tế. Tại sao nói nền kinh tế và chế độ cộng sản Việt Nam có thể sụp đổ, dẫn tới cùng một kết cục như Venezuela, đó là vì những lý do sau.

     - Động cơ lợi nhuận bị triệt tiêu. Trong nền kinh tế thị trường, động cơ lợi nhuận là một yếu tố cơ bản thúc đẩy các nhà kinh doanh, những người tham gia vào nền kinh tế. Nó cũng là yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế, với lý do đơn giản: có lợi nhuận thì sẽ có đầu tư, có đầu tư sẽ thúc đẩy sản xuất và giao thương kinh tế phát triển. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, để tạo ra lợi nhuận là điều vô cùng khó khăn, nếu không muốn nói là bất khả thi. Đối với khu vực kinh tế nhà nước, đại diện là các tập đoàn kinh tế tất cả đều đã biết sự thiếu hiệu quả và những khoản lỗ khủng khiếp mà các tập đoàn này tạo ra. Đối với kinh tế tư nhân, với tất cả các chính sách hiện hành như: đất đai là sở hữu toàn dân khiến giá nhà đất không được thị trường quyết định, dẫn tới việc trục lợi từ đất đai đã bóp méo giá cả mặt bằng kinh doanh, văn phòng; việc phân biệt, ưu tiên doanh nghiệp nhà nước và phân biệt với tư nhân trong huy động vốn; sự can thiệp của chính trị vào các công trình đầu tư, xây dựng hạ tầng dẫn tới giá cả của dịch vụ hạ tầng ở mức cao khủng khiếp; các chính sách kinh tế trục lợi dẫn tới các cơn co giật đối với các ngành nghề kinh doanh; và cuối cùng là môi trường tham nhũng trở thành quốc nạn… toàn bộ những yếu tố này dẫn tới một kết cục, việc kinh doanh không hiệu quả, lợi nhuận bị triệt tiêu… điều này là thảm họa đối với nền kinh tế.

     - Số nợ lớn và không có khả năng thanh toán. Đến thời điểm này, tổng số nợ của Việt Nam, bao gồm cả nợ của các tập đoàn kinh tế, và của các địa phương đã hơn gấp ba lần GDP, tức trên 600 tỷ đô la. Điều đáng quan tâm nhất, đó là việc trả các khoản lãi vay hiện nay cũng không có, và đang phải đi vay để thanh toán các khoản nợ đến hạn và lãi vay. Nếu so sánh với Venezuela, số nợ của Việt nam còn lớn hơn số nợ của Venezuela về tỷ trọng. Venezuela hiện nay, tổng số nợ của quốc gia chỉ là xấp xỉ 150% GDP, tức là xấp xỉ gấp rưỡi trong khi Việt Nam tổng số nợ hơn gấp 3 GDP. Cạn kiệt nguồn lực, hết tiền là nguyên nhân quan trọng nhất dẫn tới sụp đổ nền kinh tế và chế độ.

     - Các yếu tố xã hội, chính trị và môi trường quốc tế. Sự dồn nén cùng cực về mặt xã hội đã được nhiều người phân tích và đồng thuận. Mâu thuẫn trong nội bộ tranh giành ảnh hưởng và nhóm lợi ích cũng vô cùng khốc liệt. Sự sát phạt ngày càng tăng do miếng bánh lợi ích co lại cùng với sự xuống dốc của nền kinh tế. Nhưng quan trọng hơn, trong vòng một năm trở lại đây, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã bùng phát khiến cho Việt Nam không thể đu dây và hưởng lợi từ việc du dây giữa hai cường quốc. Không những vậy, việc phải đối mặt lựa chọn phải theo về một bên trong cuộc chiến một mất một còn giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ định đoạt số phận cho chế độ độc tài toàn trị cộng sản Việt Nam.

     Chúng ta có cần lo ngại về tương lai của Việt Nam khi nhìn vào các cuộc biểu tình có hàng triệu người của Venezuela mà vẫn chưa kết thúc được chế độ độc tài Maduro hay không? Câu trả lời là không, vì Việt Nam và Venezuela quá khác nhau về cấu trúc chế độ, về sự dồn nén của người dân và về sự mất mát của tầng lớp quan chức, lãnh đạo khi có biến cố xảy ra.

     Đối với Venezuela, xét các tiêu chuẩn về định chế, thì đó vẫn là quốc gia dân chủ. Họ vẫn có hầu như đầy đủ các định chế của một nền dân chủ. Khác chăng chỉ là việc chiếm đoạt của đảng cầm quyền một số lĩnh vực ưu thế có thể duy trì chế độ trong một thời gian. Họ vẫn có các quyền con người cơ bản, vẫn có các đảng phái chính trị tồn tại, và vẫn có các cuộc biểu tình từ trước tới nay. Chính vì vậy mà chế độ của Maduro vẫn đối phó được với các cuộc biểu tình có quy mô lớn như vậy. Maduro và đảng cầm quyền chỉ cần giữ được các công ty khai thác dầu mỏ, các giếng dầu, giữ được quân đội và sự ủng hộ của một bộ phận dân chúng và một số quốc gia là vẫn níu giữ được chế độ thêm một thời gian, và đứng vững trước nhiều cuộc biểu tình quy mô lớn. Nhưng với Việt Nam thì khác hẳn, nếu như Việt Nam có các cuộc biểu tình chỉ với quy mô bằng 1/10 của Venezuela, chế độ có thể sụp đổ. Lý do là, nhân dân Việt Nam chưa hề có tự do, chưa hề có các cuộc biểu tình lớn nào, trong khi mang trong mình sự dồn nén cùng cực chưa có dịp bùng phát. Đồng thời, chế độ cộng sản Việt Nam cũng chưa từng có kinh nghiệm đối phó với các cuộc biểu tình quy mô lớn, liên tục trong khi tầng lớp lãnh đạo có rất nhiều thứ để mất khi xảy ra bạo loạn và hỗn loạn có thể dẫn tới sụp đổ chế độ.

     Venezuela và Việt Nam, hai con đường cùng dính líu tới cộng sản, xã hội chủ nghĩa đang ở thời kỳ hoàng hôn của chế độ. Một kết cục tất yếu cho cả hai nếu như những lãnh đạo hai quốc gia không kịp thời thức tỉnh và thay đổi. Chúng ta hãy chờ xem./.

Hà Nội, ngày 25/6/2019

N.V.B