You are here

Venezuela và Việt Nam: Những nét tương đồng và khác biệt (tiếp theo)

Ảnh của nguyenvubinh

     …

     3/ Con đường của Việt Nam

     Việt Nam là một nước đi theo chế độ cộng sản từ khi thành lập chế độ, và cướp được chính quyền cũng do đảng cộng sản. Một quá trình xây dựng chế độ cộng sản đúng bài bản và người dân sống trong chế độ cộng sản trong một thời gian rất dài. Một thể chế độc tài toàn trị đã được xây dựng hoàn chỉnh, và đó là một thể chế được xây dựng để thống trị nhân dân. Muốn thống trị được người dân, các chế độ cộng sản và chế độ cộng sản ở Việt Nam đã thực hiện ba chính sách lớn, với cách thức âm thầm và quỷ quyệt, từng bước đưa người dân vào vòng nô lệ, mất hoàn toàn tinh thần và khả năng phản kháng. Đó là:

     - Gieo rắc sự sợ hãi. Đây là chính sách đầu tiên, được đảng cộng sản và các chế độ cộng sản thực hiện triệt để. Ngay từ khi chưa cướp được chính quyền, đảng cộng sản đã thực hiện chính sách khủng bố. Đầu tiên là họ khủng bố những đảng phái khác, không phải đảng cộng sản; những cá nhân không đi theo con đường cộng sản cũng bị giết và thủ tiêu. Để thiết lập kỷ luật sắt trong đảng, các đảng cộng sản còn cho phép khủng bố ngay trong nội bộ đảng. Chúng ta thấy nội bộ Quốc tế Cộng sản, nội bộ các đảng cộng sản các nước đều cho phép và duy trì sự khủng bố ngay trong nội bộ. Như vậy, các đảng cộng sản đã sử dụng cơ chế chọn lọc tự nhiên để tìm ra những hạt nhân lãnh đạo. Từ sự cho phép và khuyến khích khủng bố trong nội bộ, tức là những đồng chí với nhau như vậy, khi ra thực hiện các nhiệm vụ bên ngoài, như thực hiện khủng bố đối với người dân và kẻ thù (hoặc đảng đối lập), những lãnh đạo cộng sản không hề run tay và chớp mắt. Như thế mới bảo đảm yêu cầu của quan cách mạng. Chính sự khủng bố từ trong nội bộ ra tới bên ngoài như vậy, người dân nhìn thấy hoặc nghe nói tới cộng sản, đã không còn hột máu nào, nói gì tới phản kháng.

     - Tạo lập sự lệ thuộc. Gieo rắc sự sợ hãi chưa đủ, cần phải để người dân lệ thuộc về kinh tế, về miếng ăn mới có thể triệt tiêu được tinh thần phản kháng của người dân. Muốn tạo lập sự lệ thuộc, đảng cộng sản đã thực hiện việc bần cùng hóa  nhân dân bằng hai công cuộc cải cách lớn: cải cách ruộng đất và cải tạo cộng thương nghiệp. Cải cách ruộng đất với chiêu bài chia ruộng đất cho dân nghèo bằng cách lấy ruộng đất của người giàu, địa chủ, trung nông. Trong quá trình thực hiện cải cách ruộng đất, thì việc giết nhiều địa chủ, nhiều cán bộ thời kỳ đầu cũng là một cách thức gieo rắc sự sợ hãi kết hợp với việc bần cùng hóa nhân dân. Tất cả người dân ở nông thôn đều trở thành bần nông và bần cố nông. Ngay sau đó, chế độ cộng sản đã thực hiện việc hợp tác hóa nông nghiệp, người dân lại hiến ruộng vào hợp tác xã. Như vậy, người dân không hề được chia ruộng đất theo mục tiêu mà cải cách ruộng đất nêu ra. Khi đã vào hợp tác xã, người nông dân đã chịu sự phân chia lương thực của hợp tác xã, cũng tức là của nhà nước. Như vậy, sự lệ thuộc đã được thiết lập.

     Tương tự như vậy là chính sách cải tạo công thương nghiệp miền Bắc (1958-1960) và cải tạo tư sản miền Nam (1977-1979) cũng là quá trình bần cùng hóa người dân để xây dựng các nhà máy xí nghiệp, công ty hợp doanh để người công nhân, người dân thành thị lệ thuộc vào nhà máy, xí nghiệp, tức là lệ thuộc vào nhà nước theo một nền kinh tế có kế hoạch.

     - Kiểm soát tư tưởng. Mặc dù đã gieo rắc được sự sợ hãi và tạo lập được sự lệ thuộc, nhưng muốn duy trì sự sợ hãi và triệt để ngăn chặn những mầm mống phản kháng trong suy nghĩ của người dân, các chế độ cộng sản còn đưa ra chính sách kiểm soát tư tưởng. Họ thực hiện bằng cách xây dựng các tổ chức ngoại vi của đảng, tất cả các hội đoàn để kiểm soát người dân. Từ đứa trẻ mới đi học mẫu giáo, cho đến người già sắp lìa xa cõi đời đều có hội, đoàn để sinh hoạt. Trong quá trình sinh hoạt, bất kể ai có những tư tưởng, suy nghĩ khác, tức là có ý thức phản đối, phản kháng lại chế độ, phản kháng lại các nhân viên công quyền của chế độ phát biểu, chia sẻ với người khác trong hội đoàn đều bị tố giác và bị trừng trị ngay tức khắc. Đây là việc làm rất thâm độc của cộng sản vì nó sử dụng ngay chính người dân để kiểm soát tư tưởng của nhân dân.

     Các chính sách này được thực hiện và vận hành một thời gian,toàn bộ xã hội đã không còn ai dám có suy nghĩ để phản đối, phản kháng lại chế độ, và đảng cộng sản đã thiết lập được sự thống trị của nó lên nhân dân. Và sau đó đảng đã thực hiện tất cả những gì mà họ cho là cần thiếtmà không gặp phải một cản trở, một phản đối nào từ người dân.

     Tuy nhiên, các chế độ cộng sản thành công bao nhiêu trong việc thiết lập sự thống trị, và cai trị nhân dân thì lại thất bại bấy nhiêu đối với việc xây dựng nền kinh tế có thể tạo ra của cải vật chất. Một mặt, để thực hiện và vận hành một cơ chế duy trì sự lệ thuộc của nhân dân, kiểm soát nhân dân, các chế độ cộng sản đã phải sử dụng một bộ máy cai trị khổng lồ, với hai hệ thống đảng và nhà nước song trùng, cùng với những hội đoàn trên tất cả các lĩnh vực, khía cạnh của đời sống xã hội. Mặt khác, một nền kinh tế kế hoạch đi ngược lại sự phát triển tự nhiên của thị trường, tức là đi ngược với các quy luật kinh tế nên đã không thể tạo ra được của cải vật chất. Kết quả là, các chế độ cộng sản đều cạn kiệt nguồn lực trong khi phá hủy hoàn toàn các nguồn tài nguyên quốc gia. Quy luật tất yếu là các chế độ cộng sản đều phải sụp đổ dưới sức nặng của chính nó…

     (còn nữa)

Hà Nội, ngày 24/6/2019

N.V.B