You are here

Khi Tuyên giáo dùng bút nhãn hiệu Parker

Ảnh của canhco

Ông Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung Ương, Ủy viên Bộ Chính trị có bài viết ngày 17/6 “Truyền thông xã hội đối với ổn định chính trị, xã hội ở Việt Nam” đã gây được sự chú ý của nhiều người cả hai lề dân và lề đảng. (*)

Trước tiên phải công nhận đây là bài viết có đầu tư nhiều vào sự hiểu biết của mạng xã hội, với 13 links dẫn tới các nguồn mà tác giả trích dẫn cho thấy người viết có nghiên cứu kỹ lưỡng và cố gắng thuyết phục người đọc về các lập luận của mình. Tuy nhiên, khi đọc kỹ lại người ta phát hiện nhiều điều chưa chuẩn xác trong cách so sánh, trong trích dẫn vì vậy khiếm khuyết lộ rõ và người đọc có khuynh hướng cho rằng tác giả đã đánh tráo khái niệm một cách tinh vi, dễ thuyết phục những người không chú tâm và nhất là thiếu kiến thức về Internet, mạng xã hội cũng như những diễn tiến thực sự của các phong trào cách mạng màu hồi gần đây tại các nước Đông Âu, Trung Đông, Bắc Phi, Mỹ Latinh hay phong trào “áo gilet vàng” tại Pháp.

Không bàn tới những điều mà tác giả cổ vũ phải kiểm soát mạng xã hội để “ổn định chính trị” vì không phải bây giờ người dân Việt Nam mới biết lập luận cũ rích này. Cũng như không cần thiết phải tranh luận với tác giả tại sao các nước đang phát triển mới sợ mạng xã hội mặc dù Trung Quốc là cường quốc thứ hai sau Mỹ nhưng vẫn sợ Facebook như sợ hủi, vì sự thật ai cũng biết chính các nước độc tài cộng sản mới sợ hãi tiếng nói của người dân thông qua phương tiện facebook cũng như các mạng xã hội khác.

Tác giả cố đưa ra những bằng chứng cho rằng các nước Tây phương cũng bị mạng xã hội thao túng khi trích dẫn lại các thông tin từ Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam: “Truyền thông xã hội, tin giả đã trở thành từ khóa làm nhiều người liên tưởng tới những cuộc xuống đường bạo động khiến cả châu Âu và thế giới đứng ngồi không yên suốt thời gian qua. Ngay tại Mỹ, sau những cuộc biểu tình chiếm phố Wall (năm 2011), giới chính trị gia đã chỉ trích đích danh Facebook, Twitter là “công cụ của bạo loạn.

Báo chí phương Tây cũng đúc rút phương thức dùng truyền thông xã hội tạo nên những “đám đông” kích động, đó là: châm ngòi xuống đường; triệt để lợi dụng các sự cố, tai nạn, những cái chết để tạo cớ bạo loạn; sử dụng điện thoại di động, mạng xã hội để kích động và liên kết trong, ngoài”.

Vì là tiếng nói của Cục Tuyên Huấn nên mọi lập luận đều mang tính một chiều, quy chụp và bẻ cong sự thật. Liệu ai sẽ bị thuyết phục nếu để ý tới nguồn mà ông Thưởng sử dụng tới?

Nói về sự nguy hiểm của Facebook tác giả trích dẫn nguồn từ Yuval Noah Harari, một tác giả người Israel trong quyển sách 21 Lesson for the 21st Century: “Vụ bê bối dữ liệu do Cambridge Analytica, công ty phân tích dữ liệu chính trị tiếp cận trái phép và “đầu độc thông tin chính trị” tới 87 triệu người dùng là bài học đắt giá làm cho câu hỏi: “Làm thế nào để quản lý được quyền sở hữu thông tin?” trở thành “câu hỏi mang tính chính trị quan trọng nhất trong kỷ nguyên của chúng ta”.

Ông Võ Văn Thưởng quên một điều chính sự bê bối này đã cho thấy sức mạnh của dân chủ là gì khi công ty Cambridge Analytica bị chính phủ Anh phạt nặng nề và ông chủ Facebook là Mark Zuckerberg phải điều trần toát mồ hôi trước Ủy ban Hạ viện Hoa Kỳ về sai sót này và hứa sẽ “Bảo vệ thông tin của khách hàng”.

Việt Nam nếu có một vụ tương tự xảy ra lấy ai là người giúp công dân của họ chống lại sự tiếp cận trái phép đó? (chẳng có “đầu độc thông tin chính trị” nào như Yuval Noah Harari vu cáo ở đây).

Đây là nguồn độc lập duy nhất không phải từ sách báo trong nước trong 13 links trích dẫn của ông Võ Văn Thưởng, tuy nhiên ông Thưởng trích cho “oai” thực ra tác giả Yuval Noah Harari không lên án, mổ xẻ hệ thống mạng xã hội như ông Thưởng nói mà nó phân tích nhiều vấn đề xã hội. Cuốn sách được John Thornhill trên Financial Times cho rằng: “mặc dù 21 Lesson for the 21st Century được thắp lên bởi những tia sáng của cuộc phiêu lưu trí tuệ và sự hưng phấn văn học, nó có lẽ là thứ ít được chiếu sáng nhất trong ba cuốn sách do Harari viết, và nhiều quan sát trong đó cảm thấy tái chế từ hai người khác”

Sau Thornhill là Helen Lewis trong The Guardian, Gavin Jacobson ở New Statesman, và trong Thời báo, Gerard DeGroot. . . đều phủ nhận hầu hết những gì mà Yuval Noah Harari đưa ra trong cuốn sách của ông.

Ông Võ Văn Thưởng mang Yuval Noah Harari vào bài viết nhằm làm “lung linh” hơn những gì ông cố thuyết phục người đọc. Nhưng nhìn một cách tỉnh táo, e rằng nỗ lực của ông Thưởng giống như hoa cắm không nhằm chỗ, tác động vì vậy phản lại ông một cách âm thầm. Âm thầm bởi nhiều người biết tình trạng này nhưng do khinh bỉ họ không chịu nói ra.

“Thông tin giả” là cụm từ ông Thưởng hăng hái đưa vào bài viết của ông nhiều nhất để chống lại người dùng trên mạng xã hội, nhưng hình như ông Thưởng không nhìn lại chính mình, hay nói cách khác là người đồng chí lớn nhất trong sự nghiệp của Đảng là chính quyền Trung Quốc hiện nay để thấy rằng người bạn vàng này mới là bậc thấy về Fake news. Khi hai triệu người Hongkong biểu tình rầm rộ tại Hương Cảng thì tờ China Daily, viết bằng tiếng Anh, loan tin trên Twitter rằng các bậc phụ huynh ở Hongkong “đã kéo xuống đường hôm Chủ Nhật để kêu gọi các chính trị gia Mỹ đừng can dự vào luật dẫn độ nơi này”

Đó mới là tin giả, chứ còn các tin mà mạng xã hội Việt Nam đưa lên toàn căn cứ vào báo chí lề đảng thì làm sao giả được?

Lấy cái thật xảy ra ở nơi khác, bóp méo một chút, tô vẽ một chút, lên gân một chút rồi xem đó là mẫu mực đáng làm theo là một cách đánh tráo khái niệm rất thịnh hành trong chế độ hiện nay và bài viết này chẳng qua công phu hơn, kỹ xảo hơn và nhất là trích dẫn nhiều hơn nhằm gây ấn tượng cho người thiếu quan tâm khi đọc một văn bản của Tuyên giáo.

Gì thì gì, ông Võ Văn Thưởng cũng chỉ là một cây viết của Đảng. Dư luận viên sài viết chì, nhà báo có đảng tịch sài bút bi còn ông Thưởng sài cây viết hiệu Parker danh giá. Nhưng dùng bút loại nào thì người dân cũng biết đấy là viết cho Đảng mà thôi.

 

(*) http://soha.vn/truyen-thong-xa-hoi-doi-voi-on-dinh-chinh-tri-xa-hoi-o-vi...