You are here

Xung quanh việc Văn phòng Công lý - Hòa bình tạm đóng cửa

NGUYỄN TƯỜNG THỤY

 

Văn phòng Công lý - Hòa bình Dòng Chúa cứu thế Sài Gòn từ lâu đã trở thành địa chỉ thân thương quen thuộc đối với tôi và chắc rằng còn đối với những anh chị em Hà Nội và các tỉnh thành khác nữa.

Văn phòng có vai trò như là một đầu mối  giao lưu gặp gỡ anh chị em đấu tranh ở mọi miền của đất nước. Tại đây, tôi đã quen biết rồi trở thành thân thiết với nhiều anh chị em Sài Gòn và các tỉnh phía Nam.

Một công việc hữu ích nhất, có ý nghĩa nhất mà Văn phòng làm được là Chương trình Tri ân Thương phế binh Việt Nam Cộng hòa được tổ chức hàng năm. Trong đó có những hoạt động với chủ đề Bên nhau đi nốt cuộc đời. Đây là một chương trình qui mô và dài hơi. Tôi có may mắn tham gia được một số buổi và được các cha tạo điều kiện giao lưu với các TPBVNCH.

Ngoài ra, Văn phòng còn hỗ trợ pháp lý và truyền thông cho dân oan bị cướp đất và hỗ trợ giúp đỡ khó khăn cho anh chị em tù nhân lương tâm.

Với những hoạt động ấy, Văn phòng không bị để ý, theo dõi và tìm cách cản trở hoạt động mới là chuyện lạ. Nó như một cái gai trong mắt của nhà chức trách.

Mỗi lần vào Sài Gòn, tôi đều tìm nơi ở xung quanh 38 Kỳ Đồng như Rạch Bùng Binh, Nguyễn Thông, Bà Huyện Thanh Quan. Ngoài 38 Kỳ Đồng thì khu Vườn rau Lộc Hưng cũng là một địa điểm rất thân thiện, tôi gọi là cơ sở vệ tinh. Khu này đã bị nhà cầm quyền đập phá hoàn toàn vào đầu năm nay.

*

Nhưng những gì mà Văn phòng làm được có nguy cơ chỉ còn là kỷ niệm.

Ngày 15/5/2019, trước cửa Văn phòng CL - HB dán một thông báo với nội dung: “Kể từ hôm nay 15/5/2019 Phòng Công Lý Hòa Bình tạm ngưng làm việc đến khi có thông báo mới”.

Linh mục Phaolo Lê Xuân Lộc, người đóng cánh cửa Văn phòng CL - HB cho biết Văn phòng Phát triển con người toàn diện (tên mới) vẫn lo cho thương phế binh theo cách thức và nhân sự mới.

Không biết với nhân sự mới và cách thức mới như thế nào, chỉ biết rằng Chương trình Tri ân TPBVNCH đang hoạt động rất hiệu quả và ý nghĩa, với một đội ngũ tình nguyện viên đông đảo, tâm huyết. Từ vài trăm TPB cách đây 7 năm, đến nay Chương trình đã chăm sóc, hỗ trợ cho hơn 7 nghìn anh chị em TPB VNCH. Bằng nỗ lực của các linh mục và anh chị em tình nguyện viên, Chương trình đã làm được một khối lượng công việc thật đáng khâm phục.

Fbker Nguyễn Ngọc Sơn đánh giá: Không có một cha Vinh Sơn Phạm Trung Thành thì khó có ai quy tụ được một số đông TNV nhiệt tình, năng nổ, quên mình phục vụ trong chương trình Tri Ân TPB VNCH. Không có một cha Giuse Lê Quang Uy thì khó có ai làm được chương trình "Bữa cơm Niềm vui" tại 38 Kỳ Đồng.

Fbker này băn khoăn: “Vậy thì "nhân sự mới" liệu có đủ năng lực và uy tín như các cha đã làm được và làm thành công hai chương trình trên?”

Mặc dù có sự trấn an rằng Văn phòng vẫn lo cho TPP, nhưng mọi người tỏ ra hoài nghi, nếu có thì nội dung hoạt động sẽ như thế nào, có được như trước không hay theo khuôn khổ nhà cầm quyền đặt ra?

*

Mấy ngày vừa qua, nhiều cộng tác viên tâm huyết tập trung về Văn phòng cho đến khi Lm Phaolô Lê Xuân Lộc đóng cửa tạm ngừng hoạt động. Họ đều thể hiện sự buồn thương, tiếc nuối khi không còn được đóng góp sức lực và tâm huyết của mình cho những hoạt động vì TPP. Khi cánh cửa Văn phòng đóng, có cả những TPB lặng rẽ rời đi trong buồn tủi.

Song song với việc tạm đóng cửa Văn phòng, một số linh mục đang chăm lo rất tốt cho chương trình Tri ân TPBVNCH đã bị điều chuyển đi: Lê Ngọc Thanh, Đinh Hữu Thoại, Trương Hoàng Vũ, Lê Quang Uy.

Chị Dương Thị Tân kể một khoảnh khắc về cha Uy thật cảm động, ngậm ngùi: Hôm qua (15/5) được gặp Cha Giuse Lê Quang Uy khi Cha chống cây gậy 4 chân ghé qua phòng CL & HB, như để chào mọi người trước khi Cha đến chỗ ở mới. Tôi lắng nghe và biết được nơi Cha đến là ngôi nhà của cộng đoàn DCCT ở Vũng Tàu, phải leo nhiều bậc thang mới lên tới được... cái nơi mà người khoẻ mạnh leo lên còn nhọc? Trong khi Cha Quang Uy giờ phải chống gậy mà đi còn không vững”

Chị Nguyễn Thúy Hạnh thốt lên trước tờ thông báo Văn phòng tạm ngưng làm việc: “Bàn tay ma quỷ đã thò được vào cả nơi này rồi ư? Than ôi!”

Nhà báo Sương Quỳnh đặt câu hỏi: “Thưa cha Ngọc Bích, ông đang phụng sự ai vậy???! Nếu đã sợ một thế lực nào và cung phụng nó thì đừng làm linh mục”.

Fbker Nguyễn Lai than: “Tan đàn xẻ nghé rồi chắc Ngài vui? Ngài đã hất đổ chén cơm của người nghèo, đã cướp đi niềm vui nhỏ nhoi của những chú TPB gần đất xa trời. Ngài sẽ được gì sau thỏa hiệp với quỉ dữ?”

Nhà báo Minh Tâm viết trên Sài Gòn Báo: “Không quá lời khi nói rằng, ngay chính nơi này, một lần nữa, Công lý đã bị bức tử”. Tác giả cảnh báo: ‘Ngày 15-05-2019 sẽ được ghi nhớ, không chỉ là cáo chung của “Công lý và Hòa bình", mà còn là nhắc nhở dường như cái sự ác thì luôn vô cùng!’

Cựu Tù nhân lương tâm Nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình một tình nguyện viên của Văn phòng không nén được bức xúc, viết status ngỏ gửi Giám tỉnh dòng Chúa Cứu thế Nguyễn Ngọc Bích: “Ông nhìn kỹ đi!... chúng tôi làm những việc này là muốn phần phúc mai sau nơi toà phán xét của Chúa. Còn ông đã & đang làm gì tổn hại đến chính hình ảnh của Chúa qua những người khốn cùng này ... ông phải trả cái giá rất đắt cho việc làm cộng tác với quỷ dữ”

Chị Dương Thị Tân nhận xét: “Có thể nói sang nhiệm kỳ thứ hai này, cha Ngọc Bích đã hoàn thành nhiệm cụ được giao là phân tán, cô lập các cha đang thực thi rất tốt sứ vụ mà Thiên Chúa trao ban. Hiện cha Bích chỉ còn giữ bên mình những cha luôn tuân phục cha, cũng như tuân phục nhà cầm quyền...”.

 

Nhìn hình ảnh u buồn của các tình nguyện viên, Phạm Thanh Nghiên than: “Ôi! Giây phút cuối cùng của Văn phòng Công lý Hoà bình DCCT đây ư!”

Những tình nguyện viên, của những anh chị em bấy nay gắn bó với Văn phòng CL - HB đều bày tỏ sự thất vọng và bức xúc và hoài nghi. Chưa thấy lời nào giải thích hay bênh vực cho những thay đổi lạ của DCCT Sài Gòn. Tuy nhiên, khi mọi chỉ trích đều nhằm vào Lm Nguyễn Ngọc Bích thì cũng có ý kiến cho rằng, trách nhiệm còn ở cả những người đã bầu cho ông.

Những lời bàn tán không chỉ xuất phát từ việc tạm đóng cửa Văn phòng CL - HB mà còn từ những việc làm khó hiểu của Lm Nguyễn Ngọc Bích kể từ khi ông nhậm chức Giám tỉnh đến nay.

Trả lời nhà báo JB Nguyễn Hữu Vinh khi vừa được bầu làm Giám tỉnh DCCT Việt Nam hồi tháng 4/2015, Lm Nguyễn Ngọc Bích cho biết: “Những sự thay đổi, nếu có những gì tốt thì không có lý do gì để thay đổi cả”. Điều này có nghĩa là, nếu có sự thay đổi thì đã có những điều không tốt.

Việc tạm đóng cửa Văn phòng để bàn giao và việc giúp đỡ TPP theo cách thức mới với những nhân sự mới là một sự thay đổi. Như vậy, phải chăng Văn phòng CL - HB với những công việc đang thực hiện, trong đó có Chương trình Tri ân TPPVNCH đã có điều gì không tốt? Và không tốt đối với ai?

*

Như vậy, Văn phòng CL - HB đổi tên thành Văn phòng Phát triển con người toàn diện. Theo Fbker Nguyễn Lai thì trong “gói” bàn giao có yêu cầu cả “Danh sách các vị Thương phế binh VNCH đã tham gia chương trình” cùng với “Danh sách các vị ân nhân trong và ngoài nước đã đóng góp ủng hộ chương trình” và lo những danh sách này có thể lọt vào tay an ninh. Sau khi dẫn ra các qui định pháp luật, fbker này khẳng định: “Những thông tin cá nhân của các vị TPB VNCH và thông tin của các vị ân nhân trong và ngoài nước mà VP Công lý - Hòa bình có được là những bí mật riêng tư, bất khả xâm phạm và không thể chuyển giao cho bất kỳ bên thứ ba nào khác, nếu không có sự đồng ý của họ”.

Tuy nhiên, theo thông báo của Lm Phaolô Lê Xuân Lộc về việc thay đổi hoạt động của Văn phòng CL - HB thì ông cam kết sẽ bảo mật thông tin cá nhân của TPBVNCH và các dân oan, tù nhân lương tâm…

Thông báo của Lm Lê Xuân Lộc cũng nói rõ việc ông đã bàn giao lại văn phòng Công lý và Hòa Bình ngày 15/5/2019, không còn tiếp tục chương trình Tri ân TPBVNCH nữa

Dù Văn phòng đổi tên thì tôi vẫn thích cái tên cũ đã trở nên thân thuộc cũng như thích cái tên Sài Gòn khi thành phố này bị đổi tên. Không biết với tên mới, hoạt động của Văn phòng sẽ thay đổi theo hướng nào. Chỉ mong Văn phòng không biến thành nơi giao thoa một cách khiên cưỡng, gán ghép giữa lý tưởng của Chúa với lý tưởng cộng sản.

 

16/5/2019