You are here

Bảo kê kinh doanh, hiểm họa khôn lường cho doanh nhân Việt Nam

Ảnh của nguyenvandai

Chế độ cộng sản luôn tạo ra một hệ thống pháp luật mơ hồ, không minh bạch cộng với cơ chế kiểm tra, giám sát lỏng lẻo. Bởi vậy nó tạo khe hở cho người dân, doanh nghiệp và quan chức cộng sản như thuế, quản lý thị trường, cảnh sát lợi dụng để kinh doanh hàng giả, hàng nhái, trốn thuế, tham nhũng,....


Bất kỳ một doanh nghiệp hay người dân nào khi bắt đầu khởi sự kinh doanh đều bị công an từ cấp phường trở lên hỏi thăm, gạ gẫm chuyện biếu xén hàng tháng để có thể được thuận lợi trong kinh doanh bắt đầu từ nơi đỗ, để xe của nhân viên và khách hàng. Và tùy từng loại hình kinh doanh có thể được nhận bảo kê hàng tháng, ngay cả các đại lý xổ số kiêm ghi lô đề,..., nếu muốn được làm ăn yên ổn thì các cá nhân kinh doanh hay doanh nghiệp phải chấp nhận chuyện đó. Tiếp theo là các cơ quan thuế, quản lý thị trường, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, y tế,... Và chuyện bảo kê cũng tiếp tục được diễn ra với các cơ quan này.

Có những cá nhân hay doanh nghiệp có người nhà làm trong các cơ quan công quyền thì chuyện bảo kê được tiến hành ngay từ ban đầu, và đây là một lợi thế cạnh tranh với các đối thủ kinh doanh khác.

Có những loại hình kinh doanh mà các quan chức gạ gẫm để cho người nhà của họ góp vốn vào để được bảo kê, đặc biệt là các loại hình kinh doanh vận tải, các loại hình kinh doanh giải trí,...

Điều này làm lợi cho bọn quan chức cộng sản tha hóa, biến chất thuộc các ngành, các cấp khác nhau được nuôi béo hàng tháng. Tất nhiên là cũng đem lại lợi ích trước mắt cho những người dân và doanh nghiệp kinh doanh.

Nhưng người dân và doanh nghiệp không hiểu một điều là trong quá trình kinh doanh đó, quan chức cộng sản thuộc các ngành khác nhau đã nắm khá rõ những sai phạm, vi phạm pháp luật của những người kinh doanh.

Mỗi nhóm quan chức bảo kê cho một nhóm doanh nghiệp, cá nhân khác nhau. Khi đám quan chức cũ nghỉ hưu hay chuyển vị trí công tác thì đám quan chức mới lên sẽ tiếp tục bảo kê nếu hai bên tìm đến nhau. Hoặc đám quan chức mới sẽ tìm cách dành thị trường cho những doanh nghiệp do  mình bảo kê, nên sẽ triệt hạ những doanh nghiệp không do mình bảo kê, do vậy trên thực tế xảy ra việc rất nhiều doanh nghiệp đang kinh doanh bị khám xét, bắt giữ và cuối cùng là phá sản và vào tù.

Trong môi trường cạnh tranh khốc liệt, để bảo đảm các chi phí kinh doanh đắt đỏ và có lợi nhuận, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đều có những vi phạm pháp luật như trốn thuế, kinh doanh hàng lậu, giả, kém chất lượng,.... Và tất nhiên khi một doanh nghiệp nào đó mà có sự bảo kê của các quan chức cao hơn, đồng thời muốn triệt hạ đối thủ thì rất dễ dàng. Họ có thể cài cắm nhân viên của mình vào doanh nghiệp của đối thủ và sẽ biết khi nào đối thủ của mình nhập những lô hàng lậu, kém chất lượng, hàng giả,.... và khi đó sẽ báo công an, quản lý thị trường, thuế hạ sát đối thủ không thương tiếc,....

Mới nhất, ngày 9 tháng 5 năm 2019, Công ty Thương mại và Dịch vụ Nhật Cường(Nhật Cường Mobile), chuyên kinh doanh điện thoại di động. Bộ công an đã đồng loạt ra quân khám xét toàn bộ 9 của hàng của Nhật Cường trên khắp thành phố Hà Nội.

Nhật Cường kinh doanh điện thoại từ năm 2001, và là một doanh nằm trong top 50 doanh nghiệp công nghệ thông tin hàng đầu Việt Nam. Nhật Cường Mobile từng là Trung tâm bảo hành uỷ quyền của Apple.

Khi tôi còn ở Việt Nam, tôi và bạn bè nhiều lần mua laptop, máy tính bảng và smartphone của Nhật Cường. Có nhiều loại để lựa chọn từ hàng được phân phối chính hãng tới hàng sách tay(lậu hay trốn thuế). Và 100% các doanh nghiệp đều kinh doanh kiểu này.

Bởi vậy việc Công ty Nhật Cường bị khám xét không phải là chuyện lạ, mà chỉ là vấn đề thời gian nó xảy lúc nào mà thôi. Trước đó đã có hàng ngàn doanh nghiệp kinh doanh các loại hình khác nhau bị trường hợp như vậy.

Chuyện xảy ra đối với Công ty Nhật Cường có thể do một trong những nguyên nhân sau đây:

“Nuôi béo đã tới lúc làm thịt” theo cách nói rất nghiệp vụ của ngành công an; Việc ăn chia với các quan chức bảo kê không sòng phẳng, nên bị trả đũa; Cạnh tranh giữa các nhóm quan chức đang bảo kê với nhau; Cạnh tranh giữa Công ty Nhật Cường với những đối thủ có quan chức bảo kê có thế lực hơn; Quan chức công an mới nhậm chức muốn lập công để củng cố vị trí, và dành thị trường cho doanh nghiệp mà mình bảo kê.

Trong lúc này, cuộc chiến tranh giành quyền lực trong nội đảng cộng sản đang diễn ra quyết liệt thì cũng là lúc các doanh nghiệp, doanh nhân có những chuyện làm ăn khuất tất sẽ rơi vào vòng nguy hiểm. Những kẻ hay phe phái chiến thắng trong cuộc tranh giành quyền lực đó sẽ tiến hành thiết lập lại các mối quan hệ làm ăn của mình, và đương nhiên những doanh nghiệp, doanh nhân đã từng ủng hộ hay chống lưng cho đối thủ chính trị trong đảng của họ sẽ chịu chung số phận với những quan chức thua cuộc.

Như vậy, chúng ta đã thấy doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã phải bỏ tiền vốn ra kinh doanh nhưng còn phải chịu biết bao sự chèn ép, bất công. Muốn làm ăn đàng hoàng cũng không xong.

Không kinh doanh trốn thuế, gian lận thì không có tiền đút lót, hối lộ cũng sẽ bị quan chức cộng sản các ngành gây khó khăn cho việc kinh doanh,....

Còn chấp nhận sự bảo kê để kinh doanh trốn thuế, gian lận thì không biết “Vật đổi sao dời” khi nào. Hôm nay đang bình thường, ngày mai công an ập đến khám xét, tịch thu tài sản, bị tạm giam, bị điều tra,..., cuối cùng vào tù và phá sản.