You are here

Ông Nguyễn Phú Trọng coi thường Nhân dân VN quá!

Ảnh của nguyenvandai


Các quan chức cộng sản như Ngô Văn Tuấn, Tất Thành Cang đều bị kỷ luật cách hết các chức vụ trong đảng và chính quyền. Người dân nghĩ rằng với những hành vi vi phạm đã được cơ quan kiểm tra trung ương đảng cộng sản Việt Nam kết luật thì Ngô Văn Tuấn, Tất Thành Cang còn bị đưa vào lò đang cháy của Nguyễn Phú Trọng.


Nhưng sau một thời gian dư luận lắng xuống, thì cả hai cựu quan chức này lại được bổ nhiệm trở lại với những chức vụ tuy thấp hơn, nhưng còn rất béo bở.

Ngày 30 tháng 3 năm 2019, chỉ mới tròn 3 tháng sau khi bị kỷ luật, Tất Thành Cang được Ban chấp hành đảng bộ TP HCM giới thiệu vào chức vụ Phó ban thường trực 'Ban chỉ đạo công trình lịch sử TP.HCM'.

Tất Thành Cang nguyên là Ủy viên trung ương đảng CSVN, và tất nhiên thuộc diện quản lý của Ban bí thư, việc bổ nhiệm chức vụ mới thì đảng bộ TP HCM phải thông báo cho Ban bí thư biết, và đương nhiên ông Nguyễn Phú Trọng cũng phải biết.

Cách đây 3 tháng, vào chiều 26/12/2018 phát biểu bế mạc hội nghị TƯ 9, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết Ban chấp hành Trung ương đã xem xét thi hành kỷ luật ông Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM bằng hình thức cách chức Ủy viên Trung ương Đảng khoá XII; Phó bí thư thường trực Thành ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM nhiệm kỳ 2015-2020, vì đã có những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng.

Trước đó, ngày 15/11/2018, UBKT đã kết luận ông đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để lĩnh vực được phân công phụ trách có nhiều vi phạm pháp luật, gây thiệt hại lớn cho ngân sách đảng bộ TP.HCM.

Ngoài ra, trong thời gian là Ủy viên UBND TP, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, ông Cang đã vi phạm quy định pháp luật về đất đai và quản lý đầu tư xây dựng trong việc ký quyết định phê duyệt dự án và ký tắt hợp đồng dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Kết luận còn cho rằng ông Cang vi phạm các quy định pháp luật trong việc quyết định chủ trương hợp tác kinh doanh, chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các doanh nghiệp thuộc Thành ủy, chấp thuận chủ trương để người đại diện phần vốn của Thành ủy biểu quyết phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược tại doanh nghiệp.

Các sai phạm nghiêm trọng như trên đều nằm trong phạm vi xử lý của một số điều trong Bộ luật hình sự. Nhưng Tất Thành Cang chỉ bị cách hết mọi chức vụ. Không hề bị điều tra về trách nhiệm hình sự. Và 3 tháng sau, lại được giới thiệu vào chức vụ mới.

Việc tái bổ nhiệm này chứng minh một số điều sau:

Thứ nhất, bản chất của chiến dịch “đốt lò” chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng là cuộc đấu tranh giữa các phe phái. Những người thuộc phe của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ trừng phạt nghiêm khắc như Đinh La Thăng và các quan chức khác của Tập đoàn Dầu khí,.... Còn những người thuộc phe của Nguyễn Phú Trọng và đồng minh thì chỉ bị kỷ luật, cho hạ cánh an toàn như Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, và thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa,... Những người còn trong độ tuổi làm việc thì sau một thời gian ngắn sẽ được tái bổ nhiệm với chức thấp hơn một chút như Tất Thành Cang và Ngô Văn Tuấn,...

Thứ hai, việc làm của phe nhóm ông Nguyễn Phú Trọng thể hiện sự coi thường Nhân dân. Trong một nền chính trị do Nhân dân làm chủ, chỉ cần một sai phạm của một quan chức cao cấp của đảng cầm quyền thì Nhân dân sẽ tẩy chay đảng đó, và họ sẽ khó có cơ hội được trở lại nắm quyền.

Trong trong nền chính trị tại Việt Nam do đảng cộng sản VN làm chủ thì Nhân dân không có quyền, không có vai trò gì trong việc lựa chọn và quyết định các cấp lãnh đạo của quốc gia. Mọi việc do đảng cộng sản thao túng và sắp xếp.

Ngay sau khi các cơ quan báo chí của đảng cộng sản đưa tin về việc tái bổ nhiệm hai cựu quan chức đã bị kỷ luật nêu trên, cộng đồng mạng lại dậy sóng.

Báo Vietnamnet đưa tin: hàng trăm độc giả phản hồi “Không thể tin nổi; Bó tay; Hết người tài rồi hay sao?;

Nhưng nếu chúng ta cứ chỉ phản ứng bất bình sau mỗi sai phạm, việc làm coi thường Nhân dân của các cấp lãnh đạo của đảng cộng sản, thì câu chuyện này sẽ tiếp tục lặp đi lặp lại từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Bởi vậy việc thay đổi từ chế độ độc đảng sang chế độ dân chủ đa đảng ở Việt Nam là cần thiết và cấp bách. Có như vậy Nhân dân mới thực sự làm chủ đất nước của mình, mới có quyền trực tiếp để lựa chọn và quyết định những người lãnh đạo đất nước.