Ngày 24/3/2019, 5 năm sau đảo chính và với sự cầm quyền của chính quyền quân sự Thái Lan, khoảng 51.200.000 cử tri Thái Lan đã được tham gia bỏ phiếu bầu cử một chính quyền dân sự cho mình, trong đó có các đảng phái thân quân đội cũng tham gia tranh cử. Tuy nhiên, cuộc bầu cử tiến hành dưới một bản Hiến pháp do chính quyền quân sự thiết lập dù được trung cầu dân ý, nhưng cuộc bầu cử lần này ở Thái Lan vẫn được đánh giá cho rằng chưa thực sự bình đẳng và dân chủ.
Cuộc bầu cử năm 2019 ở Thái Lan, thực sự là sự đối đầu giữa 2 thế lực chính trị. Đó là thế lực độc tài (thật) của quân đội và thế lực Dân chủ (giả) - "Đảng Thaksin" gồm hàng loạt chính đảng vệ tinh của cựu thủ tướng Thakcshin Shinnawatra. Duy có đảng Dân Chủ của cựu thủ tướng Abhisit Vejjajiva, không ủng hộ cựu thủ tướng Prajuth ChanOcha và hệ thống Dân chủ (giả) của cựu thủ tướng Thaksin Shinnawatra.
Cuộc bầu cử này đã có 81 đảng phái chính trị và khoảng 10. 300 ứng cử viên thuộc các đảng chính trị khác nhau, tham gia tranh cử giành 500 ghế dân biểu tại Hạ viện. Còn tại Thượng viện, đã có 250 Thượng nghị sĩ do chính quyền quân đội chỉ định. Đặc biệt, 250 thành viên của Thượng viện nói trên sẽ tham gia bỏ phiếu bầu Thủ tướng cùng với 500 dân biểu Hạ viện.
Sau gần 5 năm hệ thống chính trị dân chủ vắng bóng trên chính trường, nền kinh tế Thái Lan suy giảm nghiêm trọng, đặc biệt là trong vấn đề xuất khẩu và đời sống của người dân có khó khăn hơn. Do đó với ý thức chính trị khá cao, cử tri Thái Lan hiểu rằng bằng lá phiếu của họ sẽ quyết định tương lai của họ thông qua việc lựa chọn một chính quyền của họ, do họ và vì bản thân họ.
Chính vì thế cuộc bầu cử tại Thái Lan năm 2019, có ý nghĩa chính trị hết sức quan trọng. Là điều được đông đảo người dân quan tâm và điều đó đã khiến gần 70% cử tri tham gia bỏ phiếu.
Đó chính là lý do kết quả bầu cử có những thay đổi bất ngờ, trái hoàn toàn với các thăm dò dư luận (poll) của các tổ chức có uy tín hàng đầu trước đó chỉ vài tiếng đồng hồ. Và kết quả là, đảng Dân Chủ - một đảng chính trị lâu đời và có tiếng tăm mà chỉ cách đây hơn 5 năm là một những chính đảng trụ cột trong chính trường Thái Lan đã thất bại đau đớn. Với số ghế dân biểu giành được chỉ là 53 ghế so với khoảng 125 -130 ghế theo dự tính. Điều đó đã khiến cựu thủ tướng Abhisit Vejjajiva, lập tức tuyên bố từ chức chỉ sau 4 giờ đồng hồ khi đóng hòm phiếu.
Và đảng Peau Thai, một đảng chủ lực của cựu thủ tướng Thaksin Shinnawatra đang sống lưu vong ở nước ngoài cũng có một kết quả thê thảm không kém. Đảng Peau Thai mà tiền thân của nó là đảng Thai Rack Thai là một đảng duy nhất đã từng chiếm 375/500 ghế tại Hạ viện, nay cũng chỉ đạt được 135 ghế dân biểu các địa phương. Trớ trêu nhất là ban lãnh đạo cao cấp nhất của đảng này, kể cả 3 ứng viên cho chức vụ thủ tướng cũng như chủ tịch; tổng thư ký của đảng cũng không giành được ghế dân biểu để vào quốc hội.
Ngược lại, những đảng rất trẻ về thời gian thành lập và tuổi đời của các thành viên những đã tạo nên những bất ngờ vô cùng lớn và đã trở thành một hiện tượng lạ trong lịch sử chính trị của Thái Lan. Đặc biệt những đảng chính trị này tranh cử với cương lĩnh đánh trúng vào đòi hỏi cũng như nguyện vọng của giới trẻ, đặc biệt là tầng lớp học sinh, sinh viên. Như đảng Tương Lai Mới, thành lập năm 2018 của ông Thanathorn Jungrungruangkit, người 41 tuổi đã giành được trên 70 ghế dân biểu. Đây là một hiện tượng cho thấy, trong thời đại 4.0 cách thức và tư duy làm chính trị của các chính trị gia cần phải được thay đổi một cách nhanh chóng. Nếu không họ sẽ tụt hậu và lãnh hậu quả như các đảng Dân Chủ hay Peau Thai trong những ngày vừa qua.
Ông Thanathorn Jungrungruangkit thủ lĩnh của đảng Tương lai Mới đạt được 70 ghế Dân biểu Hạ Viện |
Ông Thanathorn Jungrungruangkit, thủ lĩnh của đảng Tương Lai Mới sinh ngày 25 tháng 11 năm 1978, xuất thân trong một gia đình doanh nhân người Thái gốc Hoa. Năm 2018, ông Thanathorn quyết định tham gia chính trị với tư cách đồng sáng lập Đảng Tương lai Mới, cùng với PGS.TS Piyabut Saengkanokkul, cựu giảng viên Khoa Luật Đại học Thammasat. Sau đó ông đã được đảng Tương lai Mới bầu giữ chức Chủ tịch của Đảng vào ngày 27 tháng 5 năm 2018.
Các phương tiện truyền thông nước ngoài thường so sánh ông Thanathorn Jungrungruangkit với Thủ tướng Canada Justin Trudo, vì cả hai ông đều có nền tảng là một doanh nhân, thuộc thế hệ mới và có quan điểm chính trị thiên tả tương đồng.
Thanathorn có một bề dày học vấn đáng kinh ngạc. Từng tốt nghiệp Khoa Cơ khí 2 bằng Cử nhân Kỹ thuật tại Đại học Thammasat và Đại học Nottingham(Anh) . Vào năm 2000, ông được bầu làm Phó Tổng thư ký Liên đoàn sinh viên Thái Lan, với tư tưởng thiên tả. Thời sinh viên, ông Thanathorn là một nhà hoạt động nhân quyền, tham gia vận động các yêu sách bảo vệ quyền con người và sự công bằng. Động lực khiến chàng trai Thanathorn đến với chính trị là do, vào năm 2000, trong khi cùng những người nghèo biểu tình đòi hỏi các quyền cho người nghèo, Thanathorn bất bình sau khi có va chạm với cảnh sát trước mặt cựu Thủ tướng Chuan Leekpai và bị thương nhẹ.
Khi quan tâm đến chính trị, Thanathorn quyết định tiếp tục học Kinh tế chính trị Tại Đại học Chulalongkorn. Ngoài ra, ông tiếp tục học ở bậc thạc sĩ cấp 2, ngành tài chính quốc tế tại trường kinh doanh Stern Đại học New York, Hoa Kỳ và tiếp tục học thạc sĩ Luật kinh doanh quốc tế Tại Đại học St. Thụy Sĩ.
Khi du học ở Anh, ông Thanathorn bắt đầu nghiên cứu lý thuyết của Marx và Lenin và ông gia nhập Hội sinh viên công nhân xã hội chủ nghĩa, một tổ chức sinh viên được thành lập ở Anh. Mặc dù muốn làm việc với các tổ chức xã hội dân sự nhằm thúc đẩy cho xã hội công bằng và quyền con người nhiều hơn, song năm 2002, khi Thanathorn, 24 tuổi khi người cha qua đời vì bạo bệnh, ông phải trở về để tiếp quản quản trị kinh doanh từ cha mình.
Thanathorn là cháu trai của Suriya Rungruangkit, nguyên phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Công nghiệp trong Chính phủ của Thaksin. Tuy nhiên, quan điểm chính trị của Thanathorn không phù hợp với người chú của mình. Nhất là kể từ khi ông Suriya Rungruangkit đầu quân cho đảng Sức mạnh Dân tộc của thủ tướng Prajuth ChanOcha, thì mối rạn nứt này càng trầm trọng.
Khi còn trẻ, ông Thanathorn không bao giờ suy nghĩ và quan tâm đến việc trở thành một doanh nhân. Tuy nhiên do hoàn cảnh bắt buộc, Thanathorn đã trở thành Phó chủ tịch của Tập đoàn Summit Thailand, khi chỉ mới 23 tuổi và lập tức, ông biến doanh nghiệp của gia đình trở thành một tập đoàn toàn cầu với các cơ sở sản xuất tại 7 quốc gia lớn trên thế giới. Với tổng số nhân viên lên tới khoảng 16.000 người. Ngoài ra, ông Thanathorn cũng từng là chủ tịch của Hội đồng Công nghiệp tỉnh Nakhon Nayok và cũng là người trẻ nhất được bầu làm Tổng thư ký Hiệp hội các nhà sản xuất phụ tùng ô tô Thái Lan giai đoạn 2007 - 2011.
Chủ trương hoạt động chính trị của ông Thanatorn Jungrungruangkit và đảng Tương Lai Mới là, đưa Thái Lan ra khỏi cuộc xung đột giữa hai khái niệm khác nhau về quyền tự do, dân chủ. Xóa bỏ chế độ đảo chính quân sự để đưa chính trị Thái Lan trở lại chế độ dân chủ nghị trường để xây dựng nền dân chủ và nhân quyền đúng nghĩ và thực chất, nhằm để ổn định xã hội và phát triển kinh tế Thái Lan. Chú trọng việc phân quyền từ chính quyền nhà nước xuống các các địa phương. Sẽ soạn thảo dự thảo mới của hiến pháp mới thay thế cho hiến pháp của chính quyền quân sự, đưa quân đội trở về với chức năng giữ gìn sự vẹn tòn lãnh thổ và bảo vệ hiến pháp theo đúng nghĩa của họ.
Ông Thanathorn khẳng định, từ bây giờ sẽ tham gia hoạt động chính trị đầy đủ và đúng nghĩa, trong tương lai ông Thanathorn sẽ cố gắng để không trở lại làm doanh nhân.
Cuộc đời và sự nghiệp chính trị của Thanathorn Jungrungruangkit thủ lĩnh của đảng Tương lai Mới Thái Lan chắc chắn sẽ là một bài học cho những ai quan tâm đến hoạt động chính trị. Điều muốn nói là sự chuẩn bị kiến thức cần thiết khi tham gia hoạt động chính trị là điều không thể thiếu. Đặc biệt là những chính trị gia trẻ, đang có nhu cầu dấn thân.
Trong khoảng một thập kỷ trở lại đây, nền chính trị Thái lan đầy bất ổn. Khi có dân chủ từ các cuộc bầu cử đúng nghĩa, thì các phe nhóm chính trị thay nhau không tuân thủ luật chơi, tìm mọi cách để hạ bệ đối thủ thông qua việc biểu tình dài ngày, gây bất ổn xã hội trên nhiều mặt. Điều đó buộc quân đội Thái lan phải vào cuộc để vãn hồi trật tự. Vòng luẩn quẩn đó triền miên và không có hồi chấm dứt.
Hiện tượng Thanathorn Jungrungruangkit và đảng Tương lai Mới đã đi đến cốt lõi của vấn đề bất ổn của chính trị Thái Lan và có những giải pháp cụ thể, được sự đồng tình của đông đảo cử trị, đặc biệt là giới trẻ đã tạo ra một hy vọng mới về bước ngoặt trong sự thay đổi của chính trị Thái Lan trong một tương lai không xa.
Ngày 26 tháng 3 năm 2019
© Kami
* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA
Bài bình luận gần đây