You are here

Đụng độ truyền thông và quyền lực xã hội nhân chuyện chùa Ba Vàng

Chỉ một ngày sau khi báo Lao Động đăng phóng sự điều tra tố cáo chùa Ba Vàng, Quảng Ninh trục lợi trên sự mê muội của tín đồ, trụ trì Thích Trúc Thái Minh đã tổ chức buổi họp báo phản bác với cả ngàn Phật tử dự khán. Livestream buổi họp báo này trên Facebook đã thu hút được hơn 23,000 người xem trực tiếp cũng như tiếp cận cả triệu người khác sau đó. 

 

Trong buổi họp báo, sau khi các Phật tử được mời lên vạch rõ những điểm mà họ cho là sai sự thật trong phóng sự của báo Lao Động cũng như làm chứng rằng việc họ thực hành các phương pháp tâm linh tại chùa là hoàn toàn tự nguyện với những lợi ích lớn lao cho bản thân và gia đình, trụ trì chùa Ba Vàng đã không ngần ngại phê phán các phóng viên, báo chí liên quan cả về nghiệp vụ lẫn đạo đức làm nghề - một điều mà ở Việt Nam chỉ có Ban Tuyên giáo và Bộ Thông tin Truyền thông là dám làm công khai.

 

Tuy nhiên, đặt sang một bên những tranh cãi dự kiến còn kéo dài giữa chùa Ba Vàng và báo Lao Động, cũng như những tranh luận khó có hồi kết về diễn giải giáo lý và phương thức thực hành tâm linh, cuộc đụng độ truyền thông giữa một bên là cơ sở tôn giáo có tiếng tăm với bên kia là đơn vị báo chí hàng lớn nhất nước gợi mở một điều đáng chú ý trong đời sống xã hội Việt Nam đương đại. 

 

Đó là, nhờ mạng xã hội phi tập trung và chưa bị kiểm soát nên không một cá nhân hoặc tổ chức nào ở Việt Nam, dù quyền uy đến đâu, có thể tự tin rằng mình thao túng được toàn bộ dư luận xã hội. Một lời nói đi sẽ phải đối mặt với một hoặc nhiều lời nói lại, trước một công chúng đang ngày càng tỉnh táo nhờ đã quen với thông tin nhiều chiều. 

 

Đối thoại thế chỗ độc thoại, quyền lực truyền thông thay vì tập trung đang dần bị phân tán, dẫn đến quyền lực chính trị trong xã hội cũng phân tán theo. Bởi vậy, sự kiện kể trên - màn họp báo vô tiền khoáng hậu của nhà chùa để đối đáp với báo chí - cần được coi là một ví dụ cho thấy ngôn luận mở mang đang giúp cho nhiều người có tiếng nói trong không gian công hơn, thúc đẩy sự tham gia dân sự sâu rộng hơn, thách thức các quyền uy truyền thống và soạn sửa cho một xã hội đa nguyên hơn. 

 

Dân chủ và tiến bộ đứng chân trên một xã hội đa nguyên như thế dĩ nhiên cũng sẽ vững chắc hơn.