You are here

“Chuyến tàu vét” trong công tác cán bộ của đảng CSVN

Ảnh của nguyenvandai


Trong công tác tổ chức cán bộ của đảng CSVN thì “Chuyến tàu vét” được hiểu đúng bản chất là việc “mua quan, bán chức” diễn ra ở mọi cấp, mọi ngành từ trung ương đến địa phương. Việc mua “quan bán chức” trong nội bộ đảng cộng sản VN là việc làm thường xuyên, liên tục từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đó là bản chất của chế độ cộng sản và đảng CSVN.


Nhưng tại sao còn gọi là “Chuyến tàu vét”?

Bởi vì việc “mua quan, bán chức” này diễn ra vào thời điểm trước khi diễn ra đại hội đảng CSVN các cấp, và trước khi các quan lại cộng sản nghỉ hưu hoặc trước khi có sự thay đổi các qui định của pháp luật,...

“Chuyến tàu vét cuối cùng” còn có rất nhiều biểu hiện khác, như tranh thủ vơ vét nhiều tài sản công, đất công, nhà công, rồi ký các dự án lớn để được hưởng phần trăm hay bổ nhiệm hàng loạt cán bộ khi chuẩn bị nghỉ hưu”.

Mới đây nhất, Ngày 20/3, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức buổi giao lưu trực tuyến “Giải pháp nào để quy định trách nhiệm nêu gương đi vào cuộc sống”. Trong buổi giao lưu này, ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng vụ cơ sở đảng, Ban tổ chức TƯ đảng CSVN cho biết đã có những “chuyến tàu vét” xảy  lúc “gà lên chuồng”. Cụ thể như vụ AVG, diễn ra trước Đại hội 12 của Đảng chỉ có 5 ngày. Vì sau Đại hội 12 là lúc nhiều nhân sự, bộ trưởng mới sẽ bị thay thế. "May mà “chuyến tàu vét” đó cuối cùng đã bị phát hiện, xử lý và không đến được sân ga”. Đây là việc các quan lại cộng sản đua nhau chạy vào Ủy viên trung ương và Ủy viên Bộ chính trị đảng CSVN như Ủy viên BCT Đinh La Thăng, Bộ trưởng Trần Minh Tuấn,...

“Chuyến tàu vét” điển hình trước khi nghỉ hưu thuộc về nguyên Tổng thanh tra chính phủ Trần Văn Truyền, đã ký tuyển dụng hàng chục công chức, bổ nhiệm và luân chuyển hàng cán bộ cấp vụ, cấp phòng để kiếm bộn tiền khi hạ cánh.

Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã có cuộc trò chuyện với PV Tiền Phong. Ông nói về “chuyến tàu vét” của Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đình Duy:

“Đó là việc không thể chấp nhận được. Đã từ một lãnh đạo doanh nghiệp làm ăn thua lỗ hàng nghìn tỷ như ông Trịnh Xuân Thanh, ông Vũ Đình Duy, lẽ ra phải kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, xem làm ăn thua lỗ do đâu? Do trình độ năng lực yếu kém, hay do thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng? Hay trong đó có tham ô, tham nhũng?” 

Ông Lê Như Tiến kết luận về công tác cán bộ của đảng CSVN:

“Đầu vào thì nát như tương. Đầu ra chất lượng tương đương đầu vào”

Các quan lại cộng sản ngoài việc tham lam quyền lực, tham nhũng, hủ bại nhưng họ cũng rất háo danh trong việc chạy học hàm, học vị. Trước khi những tiêu chuẩn mới khắt khe hơn trong việc phong hàm giáo sư, phó giáo sư có hiệu lực. Một cuộc chạy đua “chuyến tàu vét” qui mô lớn đã diễn ra trong năm 2017.

Theo đó, năm 2017 có 1.226 ứng viên đạt tiêu chuẩn được phong hàm giáo sư, phó giáo sư. So với 703 người năm 2016, số lượng đạt chuẩn giáo sư, phó giáo sư năm 2017 cao hơn năm trước 534 người, gấp 1,74 lần. So với năm 2015, số người đạt chuẩn giáo sư, phó giáo sư năm 2017 cao gấp 2,35 lần.

So với năm 2014, số lượng ứng viên giáo sư, phó giáo sư năm 2017 cao gấp 1.9 lần. Tính riêng số lượng phó giáo sư thì năm 2017 cao gấp hơn 2 lần so với năm 2014.

Trong “chuyến tàu vét” này cố Bộ trưởng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Bộ trưởng công an Tô Lâm, Thứ trưởng Bộ quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh cũng được phong hàm giáo sư.

Ngay như những người cầm đầu đảng CSVN trước đây là cựu Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, và hiện tại là Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng rơi vào “chuyến tàu vét”. Tại sao như vậy?

Trong “Chuyến tàu vét” này không phải là Nông Đức Mạnh hay Nguyễn Phú Trọng trực tiếp dùng tiền để mua quan bán chức. Mà trong các kỳ chuẩn bị đại hội của đảng CSVN thì các phe phái, các nhóm lợi ích tiến cử người của mình để tranh giành vị trí cầm đầu đảng nhằm củng cố thực lực cũng như bảo kê cho đám đàn em bên dưới.

Trong trường hợp của Nông Đức Mạnh, các phe phái, nhóm lợi ích đấu nhau bất thành trong việc đưa người của mình vào vị trí cầm đầu đảng thì họ chọn một người trung gian, ba phải, trình độ năng lực hạn chế đó là Nông Đức Mạnh. Và Nông Đức Mạnh cũng cầm đầu đảng CSVN được 2 nhiệm kỳ để giữ trung hòa giữa các phe phái, nhóm lợi ích.

Nguyễn Phú Trọng cũng gần tương tự như vậy, ông ta được tiếng là khá trong sạch trong vấn nạn tham nhũng của chế độ CSVN. Trong lúc Nhân dân cả nước ngày càng bất mãn với nạn tham nhũng, hủ bại của đảng CSVN và mất niềm tin vào chế độ CS. Các phe phái, các nhóm lợi ích phải thương lượng, thỏa thuận với nhau đưa Nguyễn Phú Trọng lên cầm đầu đảng CS nhằm làm bình phong che đậy cho một chế độ tham nhũng và hủ bại.

Tóm lại “Chuyến tàu vét” với thực chất là việc“mua quan, bán chức” trong công tác cán bộ của đảng CSVN và chế độ CSVN không bao giờ có thể chấm dứt. Nó diễn ra lúc công khai, lúc thầm lặng, dưới hình thức này hay hình thức khác. Bởi đó là bản chất của đảng CS và chế độ CSVN.