Theo Tiêu chuẩn Việt Nam cũng như CODE CODEX nước uống đóng chai chỉ có hai loại: một là Nước Khoáng Thiên Nhiên quy định khắt khe về tiêu chuẩn nguồn, cách xử lý, thành phần khoáng, hóa, sinh… loại thứ hai là Nước Uống Đóng Chai nói chung với các tiêu chuẩn đơn giản, gọi tên thương mại là nước tinh lọc, tinh khiết,…. Nước tinh khiết TH cung cấp cho các nhà báo quốc tế chỉ là nước loại phổ thông này.
“Nước uống cho phóng viên đưa tin thượng đỉnh Mỹ - Triều lấy dưới lòng núi lửa đã tắt” {1} là tựa đề hoành tráng trên mục Thời Sự báo Tuổi trẻ online ngày 28-2 như một phát hiện mới mẻ, một sự kiện đặc biệt, thu hút người đọc nhất là trong bối cảnh hội nghi bế tắc, kết thúc bất ngờ không đạt thỏa thuận nào.
Nước dưới lòng núi lửa là nước quý?
Ngay đầu bài báo đã nhấn mạnh về sự đặc biệt là “Loại nước uống tinh khiết chính thức mang tên TH true WATER được Tập đoàn TH cung cấp cho Trung tâm báo chí quốc tế Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 lấy từ mạch nước ngầm dưới lòng núi lửa đã tắt 2,6 triệu năm.”
Toàn bộ bài viết đã dành những lời có cánh cho loại nước dưới lòng núi lửa này từ chất lượng nước đến thái độ của người sử dụng: “Nhiều phóng viên quốc tế khá bất ngờ khi biết chai nước mình uống được sản xuất từ mạch nước ngầm nằm sâu trong các tầng đá bazan olinvin dưới lòng núi lửa đã tắt 2,6 triệu năm tại Núi Tiên, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An.
Các nhà địa chất học đã tìm thấy từ tầng nước sâu của lòng núi lửa Núi Tiên loại đá Bazan Olivin có màu xám, xám xanh, cấu tạo dạng bọt - được coi là bộ lọc tự nhiên tốt nhất.
Do đó, nguồn nước ngầm nơi đây được lưu trữ và bảo vệ sâu trong các lớp đá Bazan, tránh xa các yếu tố bên ngoài, bảo vệ khỏi các tác nhân gây ô nhiễm, không chịu ảnh hưởng và tác động của con người, cho chất lượng nước tốt, sạch, tinh khiết đến mức có thể sử dụng trực tiếp.”
Cách nhấn nhá long trọng của bài báo làm người đọc cảm nhận nước dưới chân núi lửa là loại nước quý hiếm có một không hai trên đời đến nổi nhiều phóng viên quốc tế phải bất ngờ.
Cùng một nội dung trên nhưng trên trang web của nhà sản xuất TH câu chữ vẫn có vẻ ngay tình và khiêm tốn hơn: “Trên một ngọn núi lửa lâu đời vùng trung du miền núi Nghệ An, hình thành 2,6 triệu năm trước với tên gọi Núi Tiên, những đám mây trong lành mang cơn mưa nhiệt đới tưới mát thảm thực vật nguyên sơ, ngấm sâu qua tầng tầng lớp lớp đá núi lửa bazan olivin, lọc đi những bụi bẩn và tạp chất, hình thành nguồn nước ngầm tự nhiên, mát lành. Qua hàng ngàn năm, dòng nước ngầm được các lớp đá bazan bao bọc, cách li với môi trường bên ngoài nên rất sạch tinh khiết ngọt lành, có thể uống trực tiếp[2]
Chỉ có hai loại: nước Khoáng Thiên Niên và nước Đóng Chai
Về mặt khoa học, “Nước dưới chân núi lửa” có giá đặc biệt nào không so với các loại nước uống khác? Xin thưa rằng không ai biết được! Các nhà khoa học và quản lý kỹ thuật nước uống không hề quan tâm đến điều này. Tiêu chuẩn chất lượng nước uống Việt Nam, CODE CODEX (CODEX- Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế là một tổ chức liên chính phủ của Liên hiệp quốc do FAO và WHO đồng sáng lập) hay các khuyến cáo của WHO về nước uống đóng chai không hề ghi nhận về loại nước này.
Hơn thế nữa, các quy định về tiêu chuẩn nước uống đóng chai cũng không hề phân biệt về cấu tạo địa chất của nguồn nước khai thác mà xem xét ở các yếu tố khác. Cách đây hơn 20 năm, có Giáo sư Tiến Sĩ T nhà địa đất hàng đầu của Miền Nam cũng từng hào hứng có nhiều bài báo khen nước nhãn hiệu D là nước khoáng tốt nhất vì được khai thác trong địa tầng mầm đá. Một nhà quản lý trẻ đã viết thư góp ý cho giáo sư, cung cấp thông tin khoa học về nước uống đóng chai và ông đã nghiêm túc tiếp thu, không nêu quan điểm này. Đến nay ông qua đời và nhản hiệu nước D cũng không còn tồn tại.
Khoa học và quy định về chất lượng nước uống đóng chai đã có hàng trăm năm ở châu Âu và Việt Nam đã có từ thòi Pháp thuộc với nước khoáng Vichy, Vĩnh Hảo. Từ khi mở cửa hội nhập Việt Nam cũng đã ban hành nhiều quy định về tiêu chuẩn chất lượng nước uống đóng chai tương thích với các hệ tiêu chuẩn của thế giới mà cụ thể là CODE CODEX.
Quy định hiện hành là TIÊU CHUẨN VIỆT NAM TCVN 6213: 2004 NƯỚC KHOÁNG THIÊN NHIÊN ĐÓNG CHAI Bottled/packaged natural mineral waters Hà Nội – 2004 {3} dành cho nước khoáng thiên nhiên đóng chai và Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 6096:2010 - CODEX STAN 227-2001 là TIÊU CHUẨN CHUNG VỀ NƯỚC UỐNG ĐÓNG CHAI (KHÔNG PHẢI NƯỚC KHOÁNG THIÊN NHIÊN ĐÓNG CHAI) {4)
TH chỉ là nước đóng chai
Không đi sâu vào chi tiết nhưng theo hai bộ tiêu chuẩn nói trên có thể khai quát rằng tiêu chuẩn nước Khoáng Thiên Nhiên khắt khe hơn nước đóng chai về các yếu tố cơ bản sau đây:
Về nguồn nước: phải được khai thác từ một nguồn nhất định, nguồn nước phải được khảo sát đánh giá và qua một hội đồng khoa học quốc gia phê duyệt bảo đảm ổn định về thành phần khoáng chất, không bị thay đổi bới bất ký tác động nào ở môi trường bên ngoài.
Việc khai thác, xử lý và đóng chai nước khoáng thiên nhiên phải theo quy trình khép kín ngay tại nguồn.
Quy trình xử lý nước khoáng thiên nhiên chỉ được áp dụng các biện pháp cơ học lắng, lọc, mà không được dùng hóa lý như sục khí ozon hoặc dùng tia cực tím …
Về các thành phần lý, hóa, sinh của nước phải đạt theo các tiêu chuẩn quy định.
Với nước uống đóng chai nói chung, có thể khai thác từ một nguồn nước bất kỳ là nước ngầm hay nước mặt, không phải sản xuất khép kín, vô chai tại nguồn. Có thể dùng các biện pháp hóa lý để xử lý nước thậm chí có thể bỏ thêm chất khoáng bên ngoài vào…. Đương nhiên theo quy chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm thì nước uống đóng chai cũng phải tuân thủ theo những tiêu chuẩn lý, hóa, sinh nhất định….Muốn đạt tiêu chuẩn nước Nước Khoáng Thiên Nhiên thì phải đáp ứng tất cả các yêu cầu đã nêu. Nếu chỉ thiếu dù chỉ một yếu tố nhỏ thì dù rằng nước trên đỉnh Hy Mã Lạp Sơn hay Bắc Cực, dưới chân núi lửa .... đều không được gọi là Nước Khoáng Thiên Nhiên mà chỉ là Nước Đóng Chai tương đương với nước ao hồ sông rạch.
Với sự khác biệt về tiêu chuẩn trên, nước khoáng thiên nhiên và nước uống đóng chai có sự khác biệt rất lớn về chi phí đầu tư, chi phí sản xuất và đương nhiên có sự khác biệt về chất lượng. Vì vậy, theo quy định chỉ những đơn vị đủ điều kiện theo tiêu chuẩn TCVN 6213: 2004 mới được gọi tên là NƯỚC KHOÁNG THIÊN NHIÊN. Các loại nước uống đóng chai khác được nhà sản xuất đặt tên thương phẩm theo nhiêu dạng khác nhau như: Tinh lọc, Tinh khiết, nước Suối…. nhưng thực chất là cùng một loại nước uống đóng chai.
Theo bài báo cũng như trên website của TH, nước cung cấp cho các nhà báo trong hội nghị thượng đỉnh lần này chỉ là loại nước đóng chai. Dù cho được lấy dưới chân núi lửa hàng triệu năm nhưng vì lý do nào đó chưa hội đủ điều kiện để được gọi là nước Khoáng Thiên Nhiên thì về tiêu chẩn chất lượng nó cũng là loại nước bình thường như nước ao hồ đóng chai.
Rất tiếc, với cái lý nước dưới chân núi lửa đã tắt trên 2,6 triệu năm, trở thành bài báo trên mục Thời Sự trong một chuỗi sự kiện quốc tế lại liên quan trực tiếp đến các nhà báo quốc tế, nước TH có vẻ trở thành ‘báu vật” và tạo ra sự ngộ nhận đáng tiếc cho người tiêu dùng về chất lượng của nước uống này.
Trump thua, Kim chẳng được gì, chỉ… TH thắng to
Hơn nữa, không chỉ trong phần nguồn nước dưới chân núi lửa, phần còn lại bài viết cũng chỉ là quảng bá về thiết bị, công nghệ của nước TH với những lời khen có cánh. Bài báo này nếu đặt ở trang quảng cáo hay ở dạng bán trang cho nhà sản xuất thì hoàn toàn không có vấn đề, ngược lại có thể xem là bài quảng cáo hay, PR khéo. Nhưng hào hứng đưa bài viết vào mục Thời Sự nó lại thành thông tin trớ trêu.
Nếu trong hơn 3000 nhà báo nước ngoài có người sành điệu hiểu về nước uống và đọc bài báo này thì họ nghĩ gì về báo chí Việt Nam?
Vốn là một đồng nghiệp quý trọng, yêu mến báo Tuổi Trẻ, cùng đau đớn với các bạn khi bị tai nạn nghề nghiệp, từng kỳ vọng các bạn sẽ trở lại với sự trong sáng, nhiệt huyết xưa nay. Viết những dòng này chúng tôi vẫn nhủ với mình rằng đây là sơ sót vô tình. Tuổi Trẻ sẽ khách quan nhìn ra sự thật và công bằng với bạn đọc, có thông tin khắc phục kịp thời. Nếu không thì e rằng, trong hội nghị thượng đỉnh này, Trump thua, Kim chẳng được gì, chỉ có nhà sản xuất TH thắng to với nước uống dưới chân núi lửa triệu năm.
Bài bình luận gần đây