You are here

Nỗi buồn Hoàng Sa nay đã lên bờ

Ảnh của canhco

Ngày 19 tháng 1 năm nay là dịp kỷ niệm đúng 45 năm ngày Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa lúc ấy do VNCH quản lý. 45 năm một chặng đường dài, báo chí năm nay làm cho nhân dân ngạc nhiên vì cả ba tờ báo lớn đều đi những loạt bài mạnh mẽ lên án người bạn phương Bắc đã có dã tâm khi cướp mất Hoàng Sa của Việt Nam.

Tờ Thanh Niên có bài viết dài, công phu: 45 năm Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa của Việt Nam: Mưu đồ độc chiếm Biển Đông. Tờ VNXpress có bài viết nhẹ nhàng hơn nhưng không kém thuyết phục: 45 năm một nỗi buồn Hoàng Sa. Riêng tờ Tuổi trẻ với bài “Hoàng Sa luôn là máu thịt của đất mẹ Việt Nam” nói lên sự thật mà nhân dân Việt Nam muôn đời ghi khắc.

Những bài báo ấy vuốt ve lòng thương nhớ một vùng đất của quê mẹ nay không còn nữa, dù sao thì nỗ lực này của báo chí trong suốt ngần ấy năm bị bịt miệng cũng nói lên được phần nào phản ứng của nhà nước trước những bức bách mà Trung Quốc tạo ra trên Biển Đông, cộng với thái độ cương quyết của chính phủ Hoa kỳ đã tạo niềm tin mà bấy lâu nay Hà Nội vẫn lúng túng trước ngã ba đường: cứng hay không cứng với Trung Quốc khi Biển Đông dần dà bị nước này cố tình nuốt trọn?

Phản ứng COC của Việt Nam đối với thái độ của Trung Quốc là phản ứng quyết liệt nhất được ghi nhận trên trường quốc tế. Bài phát biểu của Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh được báo South China Morning Post ghi nhận cho thấy dù yếu ớt nhưng Việt Nam củng đã ra mặt chống đối hành vi leo thang của Trung Quốc khi nước này cảm thấy bị đe dọa từ sức mạnh quân sự ở miền Nam Trung Quốc

https://beta.scmp.com/news/china/diplomacy/article/2182392/vietnam-frustrated-slow-pace-talks-south-china-sea-code-conduct?fbclid=IwAR2qbR_68MQ1IxY6103tWQNXGlKZYt07Q4MlzczzgPmgUOpMapyew0sfm18

Những động thái liên tiếp xảy ra cho thấy có một diễn tiến không bình thường phía sau tấm màn bí mật của Bộ chính trị đối với Trung Quốc, mặc dù trên bình diện ngoại giao Việt Nam cố giữ tiếng nói “quan ngại” như từ trước tới nay.

Và có lẽ sự “quan ngại” ấy được chứng minh bằng những vụ canh giữ người yêu nước khi họ muốn tập trung tại các điểm hẹn lịch sử: Sài Gòn có tượng Trần Hưng Đạo, Hà Nội có tượng đài Lý Thái Tổ hai nơi thường xuyên tổ chức những cuộc biểu tình chống Trung Quốc hay chỉ đơn giản là tưởng niệm Hoàng Sa-Gạc Ma hàng năm.

Năm nay hình ảnh của những người quen thuộc không còn thấy xuất hiện, phần lớn họ bị canh giữ tại nhà, một số khác đã tỏ ra chán nản vì sự dấn thân của họ không được người dân tiếp tay và quan trọng hơn hết, niềm tin của họ vào sự lên tiếng có thể thay đổi cuộc diện nay đã không còn.

Những khuôn mặt quen thuộc ở miền Bắc như Nguyễn Quang A, Chu Hảo, Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Đăng Quang, Hoàng Hưng, Mạc Văn Trang tình cờ cùng nhau tưởng niệm Hoàng Sa tại Bến Bình Than một địa danh lịch sử của nhà Trần đã diễn ra Hội nghị quân sự do vua Trần Nhân Tông triệu tập vào năm 1282. Ngay tại tưởng đài Lý Thái Tổ vỏn vẹn chỉ có 10 người tập trung đứng chụp hình chung với nỗi buồn không che dấu. Riêng tại miền Nam, Câu Lạc Bộ Lê Hiếu Đằng năm nay chỉ vỏn vẹn 4 người ra được nơi mà hàng năm vẫn có nhiều người tham dự tưởng niệm Hoàng Sa. Những con số dưới mức khiêm nhượng này làm người theo dõi xốn xang cho một sự thật bẽ bàng: Dân chúng không còn tha thiết gì tới công cuộc đòi hỏi Hoàng Sa là của Việt Nam nữa.

Người dân đã dần dà hưởng ứng ý đồ của nhà nước: Đòi hỏi Hoàng Sa tùy theo từng thời kỳ, nhất là theo trào lưu lên xuống của Trung Quốc đối với tình hình thế giới. Một thái độ hết sức lạc hậu và chỉ có một chính phủ bị trói tay, nhu nhược mới chấp nhận.

Báo chí dù có viết hay ho mạnh mẽ tới đâu đối với thế giới cũng không bằng một cuộc biểu tình chỉ vài trăm người dân vì biểu tình là hình ảnh sống động nói lên nguyện vọng một nước. Biểu tình là hơi thở cuộc sống còn những bài báo sinh động cũng chỉ là chữ nghĩa không đánh động được sự chú ý của thế giới bên ngoài trong những vụ việc cụ thể như vấn đề Biển Đông hay Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.

Nhà nước lo ngại những cuộc biểu tình chống Trung Quốc của dân chúng sẽ kéo theo hệ lụy chính trị do những bức xúc xã hội ảnh hưởng, tuy nhiên giải pháp dùng Đoàn viên Thanh niên Cộng sản không được họ áp dụng cho những cuộc biểu tình “quốc doanh” mặc dù đối với thế giới số đông là tất cả. Sự lo ngại cho sự tồn vong của chế độ đã khiến chính phủ, Đảng Cộng sản Việt Nam đặt sự tồn vong của đất nước xuống hàng thứ yếu, và do đó sự chống đối Trung Quốc trên trường quốc tế đã mất đi tính chính danh của một chính phủ hợp pháp là Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Sau ngày 19 tháng 1 năm nay Hoàng Sa đã thật sự mất trong lòng dân chúng. Nó cứ phai nhạt dần bằng sự thiếu thốn các bài học lịch sử trong sách giáo khoa. Nó phai nhạt bởi thái độ lệch lạc của nhà cầm quyền và nó đang phai nhạt vì sự mất phương hướng của những người có lòng tin vững chắc nhất vào cụm từ “đòi lại Hoàng Sa cho Việt Nam”.