You are here

Hỏi và Đáp về Phong trào Dân chủ (bài 13)

Ảnh của nguyenvubinh

     Câu hỏi: Xin hỏi về kinh nghiệm làm việc với công an, an ninh. Trước hết xin cho biết nguyên tắc chung làm việc với công an, an ninh?

     Trả lời: Thông thường, có ba trường hợp làm việc với công an, an ninh. Trường hợp thứ nhất, vô tình trong một sự kiện nào đó bị bắt vào đồn như biểu tình, đi thăm nhà người đấu tranh... trường hợp này không có gì nhiều để nói. Chủ yếu cần nắm vững luật pháp về quyền cá nhân trong cuộc sống để không thực hiện những yêu cầu vô lý của công an. Trường hợp thứ hai, công an, an ninh triệu tập làm việc chủ yếu về các việc cá nhân tham gia đấu tranh. Đây là trường hợp quan trọng nhất cần có kinh nghiệm. Trường hợp cuối cùng, làm việc với an ninh khi đã bị khởi tố, phần lớn đã bị bắt giam. Trường hợp này mức độ quan trọng không bằng trường hợp thứ hai.

     Nguyên tắc chung cho tất cả các trường hợp là cần nắm vững luật về các quyền cá nhân, đồng thời cần bình tĩnh, và chuẩn bị tinh thần chấp nhận các tình huống có thể xảy ra. Khi đã có tinh thần chấp nhận các tình huống có thể xảy ra, sẽ tạo ra sự bình tĩnh trong ứng xử với công an, an ninh.

     Câu hỏi: Khi an ninh triệu tập làm việc liên quan tới những việc đấu tranh của cá nhân, thì cần có sự chuẩn bị và ứng xử như thế nào?

     Trả lời: Khi an ninh triệu tập làm việc liên quan đến việc đấu tranh của bản thân, chúng ta cần hiểu mục đích của an ninh trong các buổi làm việc này. Mục đích của an ninh là tìm hiểu đối tượng thông qua làm việc trực tiếp. Họ tìm hiểu về bản lĩnh (có lo sợ, hốt hoảng không...), mức độ dấn thân, họ tìm hiểu về tính cách, tìm hiểu về điểm mạnh, điểm yếu... để từ đó đưa ra đánh giá về đối tượng, sau khi đánh giá sẽ có đối sách, ngăn chặn, mua chuộc...

     Một vấn đề cần lưu ý, khi người đấu tranh công khai tham gia vào phong trào dân chủ, ngay lập tức hệ thống thu thập thông tin về người đấu tranh được kích hoạt. Và thông tin về người đấu tranh có đầy đủ toàn bộ các khía cạnh, các mối quan hệ về cá nhân, gia đình của người đấu tranh đã có hết trong hồ sơ của an ninh. Đồng thời hệ thống theo dõi từ xa, bao gồm đặc tình ở tổ dân phố, cơ quan công tác, nơi làm việc cũng bắt đầu được kích hoạt. Vì vậy, ở các buổi làm việc (thậm chí ngay buổi đầu tiên) an ninh đã biết khá rõ về người đấu tranh trên tất cả các phương diện. Việc đánh giá người đấu tranh trên cơ sở các thông tin thu thập được kết hợp với ứng xử trong các buổi làm việc. Tất nhiên, các buổi làm việc đều có các kịch bản đi theo nội dung tìm hiểu đối tượng được thiết kế sẵn. Mục đích cuối cùng của an ninh trong các buổi làm việc là tìm ra được điểm yếu của đối tượng, ví dụ thích tiền, thích phụ nữ, sợ tù đày, háo danh.... để xây dựng phương án đối phó bằng cách mua chuộc (để làm đặc tình cho an ninh), cài bẫy, khống chế, đe dọa...

     Thông thường, cá nhân nào cũng có điểm yếu. Tuy nhiên, an ninh khó đối phó nhất với người không có ham muốn gì lớn, mạnh bằng quyết tâm đấu tranh và sẵn sàng chấp nhận những gì có thể xảy ra đối với bản thân mình, tức là người có lý tưởng. Đối với những người này, họ chỉ còn cách cảnh báo và căn cứ vào việc làm của người đấu tranh để đưa ra các hình phạt tù đầy.

     Câu hỏi: Nên có thái độ như thế nào trong khi làm việc với an ninh? Nên nhận hay không nên nhận những việc mình đã làm mà an ninh nêu ra?

     Trả lời: Nên có thái độ lịch sự và cương quyết. Hai yếu tố này đã thể hiện đầy đủ tinh thần và quyết tâm của người đấu tranh.

     Đối với những việc bản thân đã làm mà an ninh nêu ra, có hai cách ứng xử. Một là lựa chọn quyền im lặng, tức là không nói gì trong suốt quá trình làm việc, hỏi cung khi có những câu hỏi liên quan tới việc đấu tranh. Hai là, việc mình đã làm thì mình nhận, tuy nhiên luôn khẳng định, đó là việc làm đúng đắn, chính nghĩa. Đó hoàn toàn không phải là tội, thậm chí cũng không phải vi phạm pháp luật. Còn tất cả việc xử lý, kết án là tùy vào nhà cầm quyền, bản thân không quan tâm đến những việc xử lý, tù đày.

     Một số người, trong những tình huống cụ thể, phủ nhận những việc làm của mình mặc dù an ninh đưa ra bằng chứng (hình ảnh, âm thanh, bài viết...) có thể cảm thông được. Nhưng nên hạn chế việc này và tuyệt đối không nên tự hào về điều đó./.

Hà Nội, ngày 18/01/2019

N.V.B