You are here

Sau 1975, kỳ thị Nam-Bắc chẳng những không hết mà còn tăng lên trong ngấm ngầm

Ảnh của Tre

Tre

Cách đây ít ngày tôi đọc được một bài báo đăng trên trang báo của cộng đồng người Việt ở Mỹ . Bài báo đăng cũng đã lâu. Tác giả kể ra bằng những câu chuyện cụ thể, chứng minh trên đất Mỹ khi một người đi xin việc mà nói giọng Nam thì được tiếp đãi bình thường, ân cần, còn nói giọng Bắc sẽ bị từ chối (việc làm, dịch vụ, giao tiếp), thậm chí bị đối xử bất công. Ông giải thích nguyên nhân do hầu hết những người chạy sang Mỹ sau 1975 đều bị cộng sản tước đoạt cuộc sống, tài sản, tự do… thời còn ở trong nước, mà cộng sản thì hầu hết nói giọng Bắc, cho nên thù hận không nguôi đi được và cứ gặp người Bắc thì nó được xả ra.

Ông cũng kết luận “ở trong nước, người dân đã không còn phân biệt, thế mà ở cộng đồng nhỏ xa quê hương lẽ ra phải đoàn kết hơn thì lại có sự chia rẽ như vậy”.

Đọc thì bùi ngùi thiệt. Cũng thấy bất công và thương cho những “nạn nhân”. Tôi dám chắc trong số những người nói giọng Bắc bị tẩy chay tập thể đó vẫn có những người tử tế, thậm chí tử tế hơn một số người nói giọng Nam cụ thể. Là vì tính cách con người phụ thuộc phần lớn vào sự tự cảnh tỉnh bản thân, vào môi trường sống và môi trường giáo dục, chứ không phải là những cục đất thó cứ cho vào lò là xuất xưởng hàng loạt viên gạch y chang như nhau.

Nhưng tiếc thay, sự phân biệt đó vẫn là sự thật, còn hơn cả tác giả viết nữa. Theo quan sát của tôi nhiều năm qua, bây giờ trong nước, sự phân biệt Nam-Bắc còn mạnh mẽ hơn trước 1975 rất nhiều. Nó còn sâu sắc hơn ở chỗ rẽ ra nhiều nhánh. Ngoài nội dung muôn thuở là người Nam ghét Bắc thì sự chung sống lâu năm giữa Bắc với Nam trong môi trường miền Nam đã sinh ra những phân kỳ rất độc đáo, ngay cả giữa người Bắc với nhau. Phổ biến nhất là Bắc cũ (đã vào Nam sinh sống lâu, hoặc gốc Bắc nhưng sinh ra trong Nam) ghét Bắc mới. Nhỏ hơn trong từng nhóm là Bắc trí thức có học ghét Bắc quan chức; Bắc có tư tưởng tự do ghét Bắc cổ hủ lạc hậu…

Đọc văn học trước 1954, rồi trước 1975 của cả hai miền Bắc Nam, rất hay có câu chuyện người Bắc dạt vào Nam được dân Nam che chở vì thương họ phải chạy nạn, phải lìa quê cha đất tổ. Bộ đội Bắc vào Nam được các bà má Nam Bộ thương hơn thương con.

Nhưng sau 1975, giống như một cặp tình nhân yêu xa bắt đầu bước vào chung sống, mọi nhược điểm, thậm chí thói xấu của nhiều người Bắc bắt đầu lộ diện. Chẳng bao lâu sau khi hòa bình, lẽ ra nhà nhà vui sướng sum họp thì thực tế đã bật ngay ra một chân lý (với số đông). Đó là “người Nam nhận họ, người Bắc nhận hàng”. Cái thiếu thốn đến đói khát ở miền Bắc khiến cho nhiều người khi tiếp xúc với miền Nam lúc bấy giờ đang thừa mứa vật chất thì không chỉ cháy lên ngọn lửa ham muốn mà còn trở thành tham lam hết lẽ.

 
Rồi với tâm lý người chiến thắng hăm hở tiến vào một mảnh đất màu mỡ như thiên đường, sự tham lam ban đầu biến thành chiếm đoạt. Những chính sách ngay sau 1975 như quốc hữu hóa tài sản, đánh tư sản, sung công bất động sản cá nhân và thể nhân của những người, tổ chức, đảng phái làm việc cho chính quyền cũ hoặc chỉ đơn giản là “bị quần chúng căm ghét, có yêu cầu xử lý) (nhà diện 2/IV, thường đọc “hai trên bốn”, tức là các trường hợp trong khoản 2, điều IV quyết định số 111/CP về việc ban hành chính sách quản lý và cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nhà, đất cho thuê ở các đô thị các tỉnh phía Nam, có hiệu lực từ ngày 14 tháng 4 năm 1977 và hết hiệu lực vào ngày 19 tháng 12 năm 1980), chế độ lý lịch trong tuyển dụng thi cử… dành mọi ưu đãi cho những người cộng tác với chính quyền mới, nhưng tước đoạt hết tự do, tài sản, cơ hội, nghĩa là tước đoạt tất cả tương lai của những người “cũ”.  Nhiều ông quan mới ăn hối lộ, cướp bóc không chùn tay. Sau cơn choáng váng, người dân Nam tỉnh ra, bắt đầu biết sợ. Bồi từ sợ chuyển sang thù. Từ công khai yêu mến, sang ngấm ngầm tẩy chay.

Sau ít năm sống chung, dân Nam bắt đầu thủ thế và co cụm. Mặc dù bên ngoài việc phải làm ăn, cộng tác, đi làm trong bộ máy nhà nước, giao tiếp… buộc họ phải giữ thái độ xã giao, nhưng với rất nhiều người, chỉ dừng lại xã giao không hơn không kém. Nhiều gia đình Nam căn dặn con cháu không được chơi với dân Bắc, không được yêu và cưới dân Bắc. Trong nơi làm việc, những người Nam tự nhiên tụ với nhau thành nhóm và quy ước không nạp người Bắc vào. Trong những doanh nghiệp người Nam làm chủ, công nhân Bắc không được chào đón. Thậm chí thể hiện rõ rệt như cách đây mấy năm, có doanh nghiệp ở Bình Dương công khai treo băng rôn Tuyển công nhân, trừ những người xuất thân từ Nghệ An-Hà Tĩnh.

Là vì công nhân xuất thân ở hai tỉnh này vốn có truyền thống “đoàn kết”, một người nghỉ là cả làng nghỉ, bất chấp quy định của doanh nghiệp. Họ lại hung hăng, hay kết bè nhóm bênh vực nhau bất chấp đúng sai, đánh nhau và ưa kiện cáo.

Trên bàn họp, trong những cuộc gặp xã giao hay trà dư tửu hậu, nếu có người giọng Bắc, câu chuyện thường rất dè dặt, lịch sự. Ai cũng ăn nói rón rén cẩn trọng, xong việc là về. Nhưng nếu bất ngờ người nói giọng Bắc đó lại là người gốc Nam, thì hầu như tất cả thở phào. Dường như ngay lập tức tấm màn phân biệt mỏng manh nhưng cực rõ ràng ấy rơi xuống cái xoẹt. Người ta không tự giác mà buông lỏng bản thân, sửa tư thế ngồi thoải mái hơn, nói năng tự do hơn, từ ngữ và thái độ xã giao cũng giảm đi hoặc biến mất. Sau khi làm việc, đã có thể suồng sã thân mật rủ nhau đi nhậu hay hẹn nhau cà phê sau đó. Công việc thuận lợi hơn, thậm chí tình thân cũng có thể tùy thời nảy sinh.

Nếu dân văn phòng, trí thức hay kinh doanh dân Nam khéo léo giấu sự kỳ thị thì ở tầng lớp bình dân, người ta ghét bỏ rõ rệt và thô tháp hơn. Từng có nhiều thời gian dân Nam dùng từ “Bắc Kỳ” “thằng cha Bắc”, “con mẹ Bắc”… thay cho tất cả tên riêng của những ai nói giọng Bắc. Để cho chắc ăn, cứ niệm thần chú “Bắc là … xài không vô, bất kể ai”! Ai kín đáo hơn, hay người Bắc nào đỡ đáng ghét thì được gọi “Ba ke”, cũng kỳ thị nhưng giảm đi một chút. Đến tận bây giờ, ở những đô thị lớn như Sài Gòn, do chung đụng quá nhiều nên sự kỳ thị tuy đã giảm đi so với chừng khoảng mười năm về trước, nhưng khi trót dính phải một dân Bắc khó ưa thì dân Nam vẫn không ngần ngại lôi tông ti họ ra chửi “đồ thứ Bắc kỳ”.

Dân Bắc sống chết bám chặt nhà nước. Đi làm lương 3 triệu nhưng ráng chạy vạy 300 triệu để có biên chế.

Một phần do phía Bắc dày đặc cơ quan nhà nước, tư nhân muốn sống tốt cũng phải là sân sau của các sếp nhà nước hoặc phải còng lưng o bế. Không được các sếp chống lưng thì tư sở làm ăn khó khăn muôn phần, thua lỗ, đóng cửa lúc nào chẳng hay. Vì vậy số lượng sở tư thực sự rất ít, mà chạy được vô nhà nước làm công chức là cầm chắc bát cơm bằng nhựa, tuy bèo bèo nhưng bền.

Khía cạnh khác, hệ thống chính quyền dày đặc, nhất là đầu não các bộ ngành… đều đặt ở Hà Nội. Đặc quyền với công sản cho họ hét ra lửa, một con dấu, một chữ ký đủ nuôi sống người khác cả đời. Phí bôi trơn nhiều như nước sông Đà. Lương ít nhưng lộc vô biên. Làm loong toong ở đây, lừ mắt cũng quát thằng em miền Nam ngơ ngác đang đi tìm chỗ hối lộ để được làm ăn yên ổn phải xì tiền ra. Thế là một người làm quan cả họ được nhờ. Vậy nên mới có câu reo lên đầy nhục nhã của ông Hữu Thỉnh, chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam vào ngày 9/1/2019 rằng các hội vẫn tiếp tục được nhà nước hỗ trợ, “Nhà nước vẫn nuôi anh em chúng ta”

Những ai có tham vọng thì cần cù tạo dựng quan hệ, nhắm kỹ phe phái, lại còn có thể leo các nấc thang cao hơn như vụ trưởng, thứ trưởng, bộ trưởng, và hơn nữa. Công danh vô hạn. Trong hệ thống nhà nước, những chức vụ như vậy khiến họ được liệt vào giới thượng lưu, đi có người hô, ngồi có người hầu, bạc tiền vô hạn.

(Nhìn coi, sau khi được tăng lương cơ bản, năm 2019 này mức lương của Chủ tịch nước từ ngày 1/7/2019 là 19.370.000 đồng. Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ đều là 18.625.000 đồng( tăng 1, 25 triệu đồng) (theo báo Dân trí ngày 12/12/2018). Số tiền này một gia đình tiêu pha tằn tiện mới đủ. Vậy tiền đâu để cho con học nước ngoài và bồi bổ trí não để “tận tụy phục vụ nhân dân”, nếu không là bổng lộc thiên hạ?)

Cho nên để tồn tại được trong bộ máy nhà nước, người ta = người Bắc, phải học cách thơn thớt, lấy lòng, nói dối, nịnh bợ cho đẹp lòng cấp trên và thủ dao đánh dẹp phe đối địch. “Bề ngoài thơn thớt nói cười, mà trong nham hiểm giết người không dao”.

Ngược lại, trong công sở, người miền Nam không ưa cộng sản, ghét hình thức, ghét bó buộc nên không muốn vào Đảng. Nhưng không phải Đảng viên thì không được quy hoạch thành cán bộ lãnh đạo. Vì vậy, phần đông chỉ chuyên tâm làm chuyên môn; nếu làm quản lý thì chỉ giữ chức vụ nhỏ, hoặc bỏ hẳn nhà nước làm riêng, làm tư, làm cho nước ngoài. Mảnh đất màu mỡ của miền Nam cho họ thỏa sức làm điều đó.

Tư tưởng khác nhau như vậy nên người Bắc chê Nam không có chí tiến thủ, an phận, chỉ ham ăn ngủ nhậu nhẹt. Nam chê Bắc thượng đội hạ đạp, thủ đoạn, gian manh, bất nghĩa... Chưa kể sự chân chất, nghĩ sao nói vậy, thật lòng thật dạ của người Nam bị dân Bắc chế giễu là thô thiển, không khéo léo.

Nói cho cùng, những người Bắc kể trên chiếm bao nhiêu phần trăm trong số người nói giọng Bắc? Tại sao cùng là người Bắc, nhưng cũng rất nhiều người Bắc hoàn toàn đồng tình với những nhận định kể trên?

(còn tiếp)