You are here

Việt Nam đứng thứ 139/167 về chỉ số dân chủ 2018

Ảnh của NguyenTrangNhung

Democracy Index (DI), chỉ số dân chủ, là một thước đo về mức độ dân chủ của các quốc gia trên thế giới, được khảo sát và tổng hợp bởi Economist Intelligence Unit (EIU), một bộ phận của The Economist Group của Anh.

EUI lần đầu đo đạc DI vào năm 2006, thông qua các khảo sát tại 165 quốc gia và 2 vùng lãnh thổ. Các lần tiếp theo là vào các năm 2008 và liên tục từ 2010 đến nay (không có các năm 2007 và 2009).

DI được tính theo 5 chỉ số thành phần:

I1: Quy trình bầu cử và sự đa nguyên (Electoral process and pluralism)

I2: Hoạt động của chính quyền (Functioning of government)

I3: Sự tham gia chính trị (Political participation)

I4: Văn hóa chính trị (Political culture)

I5: Các quyền tự do dân sự (Civil liberties)

Các quốc gia trong xếp hạng của EUI được phân thành bốn loại dựa trên DI:

1. Dân chủ đầy đủ (Full democracy): (DI ≥ 8)[1]

2. Dân chủ khiếm khuyết (Flawed democracy): (6 ≤ DI < 8)[2]

3. Chế độ hỗn hợp (Hybrid regime): (4 ≤ DI < 6)[3]

4. Chế độ chuyên chế (Authoritarian regime): (DI < 4)[4]

Theo bảng xếp hạng chỉ số dân chủ 2018 của EIU,[5] trong số 167 quốc gia và vùng lãnh thổ, Việt Nam đứng thứ 139 với DI = 3.08, thuộc loại chuyên chế (độc tài), còn trong số 10 quốc gia Đông Nam Á được khảo sát (không có Brunei), Việt Nam chỉ đứng trên Lào. Nếu từ năm 2014 trở về trước, Việt Nam đứng trên cả Myanamar, thì từ 2015 đến nay, DI của Việt Nam có xu hướng giảm và tụt lại phía sau Myanmar. So với năm 2017, chỉ số của Việt Nam không thay đổi, song thứ hạng toàn cầu của Việt Nam tăng lên 1 từ 140.[6]

(Nguồn: Báo cáo chỉ số dân chủ 2018 của EIU)

(Nguồn: Báo cáo chỉ số dân chủ 2018 của EIU)

Ba quốc gia đứng đầu bảng xếp hạng theo thứ tự là Na Uy (DI = 9.87), Iceland (DI = 9.58) và Thụy Sỹ (DI = 9.39). Trong 10 vị trí đầu tiên không có các cường quốc Mỹ, Anh, Pháp, Đức. Bốn quốc gia này lần lượt đứng thứ 25, 14, 29, 13. Ở cuối bảng xếp hạng là Bắc Hàn, quốc gia cộng sản đích thực còn sót lại, với DI = 1.08.

Các nền dân chủ tiêu biểu ở Châu Á có vị trí cao, đó là Hàn Quốc 21, Nhật Bản 22, và Đài Loan 32.

Một số quốc gia có chung ý thức hệ với Việt Nam, chỉ trong quá khứ hoặc trong cả hiện tại, có thứ hạng khá gần Việt Nam, bao gồm Trung Quốc 130, Cuba 142, và Nga 144.

Chú thích:

[1] Dân chủ đầy đủ: Các quốc gia mà ở đó các quyền tự do chính trị và tự do dân sự cơ bản không chỉ được tôn trọng, mà còn có xu hướng được củng cố bởi một nền văn hóa chính trị có lợi cho sự phát triển của dân chủ. Hoạt động của chính quyền là thỏa đáng. Truyền thông độc lập và đa dạng. Có một hệ thống kiểm soát và cân bằng hiệu quả. Tư pháp độc lập và các quyết định tư pháp được thi hành. Các nền dân chủ này chỉ có các vấn đề hạn chế. (Theo [5])

[2] Dân chủ khiếm khuyết: Các quốc gia này cũng có các cuộc bầu cử tự do và công bằng và, ngay cả khi có vấn đề (như xâm phạm tự do truyền thông), các quyền tự do dân sự cơ bản vẫn được tôn trọng. Tuy nhiên, có các điểm yếu đáng kể trong các khía cạnh khác của nền dân chủ, bao gồm các vấn đề về quản trị, văn hóa chính trị kém phát triển và mức độ tham gia chính trị thấp. (Theo [5])

[3] Chế độ hỗn hợp: Các cuộc bầu cử có các vấn đề đáng kể thường khiến chúng không tự do và công bằng. Áp lực của chính quyền đối với các đảng và ứng viên đối lập có thể phổ biến. Các điểm yếu nghiêm trọng nhiều hơn so với các nền dân chủ khiếm khuyết, trong văn hóa chính trị, hoạt động của chính quyền và sự tham gia chính trị. Tham nhũng có xu hướng lan rộng và pháp trị yếu. Xã hội dân sự yếu. Thông thường, có sự sách nhiễu và áp lực đối với các nhà báo, và tư pháp không độc lập. (Theo [5])

[4] Chế độ chuyên chế: Ở các quốc gia này, đa nguyên chính trị vắng mặt hoặc bị hạn chế nặng nề. Nhiều quốc gia loại này là chế độ độc tài hoàn toàn. Một số thể chế chính thức của nền dân chủ có thể tồn tại, nhưng chúng ít thực chất. Bầu cử, nếu có, không tự do và công bằng. Sự lạm dụng và xâm phạm quyền tự do dân sự bị xem nhẹ. Phương tiện truyền thông thuộc sở hữu nhà nước hoặc bị kiểm soát bởi các nhóm liên kết với chế độ cầm quyền. Có sự đàn áp đối với chỉ trích nhằm vào chính quyền và kiểm duyệt tràn lan. Tư pháp không độc lập. (Theo [5])

[5] Báo cáo chỉ số dân chủ 2018 của EIU
https://www.eiu.com/public/topical_report.aspx?campaignid=Democracy2018

[6] Báo cáo chỉ số dân chủ 2017 của EIU
http://pages.eiu.com/rs/753-RIQ-438/images/Democracy_Index_2017.pdf