You are here

Thấy gì từ chuyện đá banh?

Một thanh niên “nhầm lịch thi đấu” đã đội mưa ra sân Mỹ Đình ngồi một mình, choàng lá cờ đỏ sao vàng cho đến khi bảo vệ sân đuổi về (!).

Vài chục mạng người đổ xuống vĩnh viễn chỉ vì nguyên nhân và lý do duy nhất là “đam mê bóng đá” hóa cuồng và bị tai nạn trong lúc đi bão sau trận đấu.

Một bà cụ ngót nghét 80 tuổi mang cờ, trống ra hè phố Hà Nội ngồi đánh inh ỏi để cổ động bóng đá.

Nhà nước tuyên bố đội tuyển Việt Nam chỉ cần giữ hòa hoặc đá thắng Malaysia thì sẽ tổ chức cho cảnh sát dẫn đường các đoàn đi bão.

Nhiều cô gái ra đường lột áo quần, khỏa thân chạy giữa đám đông rồi cười toe toét vì phấn khích trước kết quả trận Việt Nam thắng.

Hàng ngàn người, thậm chí vài chục ngàn người chen chúc rồi “vỡ òa” theo trái bóng, nhiều công xưởng đóng của để theo dõi đá bóng.

Nhiều gia đình tan nát theo trái bóng vì cá độ…

Hàng trăm thương binh lao vào trụ sở VFF đập phá, la hét và mua thức ăn về ngồi ăn giữa trụ sở, sau đó xả rác khắp nơi.

Còn rất nhiều vấn đề cười ra nước mắt khi nói về độ mê bóng đá của người Việt. Và các hãng truyền thông trong nước đều cho rằng do “yêu bóng đá” hoặc “yêu bóng đá quá khích” mà ra.

Thực tế, những gì đang diễn ra có phải là biểu hiện của yêu bóng đá? Và sau mỗi trận cầu, nó cho thấy điều gì?

Ở một khia cạnh khác, thực sự, tình yêu dành cho bóng đá, người Việt rất đậm đà trong chuyện này. Và mức độ yêu như thế nào nó hoàn toàn phụ thuộc vào tầm văn hóa hay thói quen cố hữu.

Thật đáng tiếc khi nói rằng người Việt đã quen với văn hóa hình thức và thói quen diễn sâu trong mọi tình huống. Bản chất của đại đa số vẫn còn rất nhạt về cái gọi là văn hóa.

Thử nhìn lại hình ảnh các cổ động viên Việt Nam nhặt rác trên sân Bukit Jalil, Malaysia sau trận đấu giữa Việt Nam và Malaysia. Đây là hình ảnh văn hóa, văn minh, lịch sự đấy chứ! (Không phủ nhận việc một số bạn trẻ cùng nhau dọn rác ở một khu vực nhỏ (họ có thể làm xuể) sau khi cổ vũ hoặc tụ tập ở một số thành phố lớn trong nước nhưng cũng chỉ dừng ở một nhóm nhỏ và thi thoảng mà thôi!)

Nhưng giá như họ cũng làm như vậy ở sân vận động Mỹ Đình hoặc tại thành phố Hà Nội thì hay biết mấy. Bằng chứng là không thể nói những con người “yêu bóng đá” này không từng đến xem trong sân Mỹ Đình, nhưng sau mỗi trận đấu, có chỗ nào ở sân Mỹ Đình là không có rác?!

Và giá như họ dọn một cách vô tư, tự phát, không phải dọn vì bị cổ động viên Malaysia tuyên bố nếu xả rác ra sân thì sẽ bị đánh không thương tiếc?!

Thử nhìn lại Hà Nội trong những đêm giao thừa hay mọi nơi, mọi chỗ, mọi khi tại Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế… Tất cả đều thành bãi rác sau một đêm lễ hội.

Xa xôi hơn một chút, mọi bờ biển, mọi ngọn núi, mọi nơi có thể du lịch đều thành bãi rác trong phút chốc. Trong khi đó, ai là người có khả năng đi du lịch, không thể nói đó là những nông dân hay các công nhân?

Công nhân thì thỉnh thoảng còn được công ty, xí nghiệp cho đi du lịch chứ nông dân mấy ai dám đi du lịch? Chỉ có giới trẻ có tiền, giới “tinh hoa Việt” thích khám phá thế giới, khám phá thiên nhiên mới có đủ khả năng đi, mua sắm, ăn và xả thành những núi rác như vậy. Điều này không oan chút nào đâu!

Trở lại chuyện các thương binh ở Hà Nội đã xông vào trụ sở VFF, nó cho thấy điiều gì?

Nên nhớ, các thương binh còn đủ sức để xông vào trụ sở VFF đa phần 40, 50, vài người ở độ tuổi 60. Như vậy, phần lớn tham gia chiến trường Campuchia và biên giới Việt – Trung, số còn lại họa hoằng mới có người tham gia kháng chiến chống Mỹ hay chống Pháp (bởi độ tuổi của lớp này thường từ 60 trở lên).

Nói họ là thương binh của chiến trường Campuchia hoặc biên giới Việt Trung nhằm mục đích gì? Và nó nói lên điều gì?

Xin nhắc lại, những năm 1986 đến 1996, trong 10 năm đó, hầu hết các miền Việt Nam vừa thoát khỏi nền kinh tế tập trung bao cấp, vừa thoát khỏi cảnh thèm ăn thì va ngay cảnh sợ hãi mỗi khi vào quán ăn. Các thương binh từ chiến trường K (tức chiến trường Campuchia) và chiến trường Đông Bắc có thể vào quán ăn, nhậu, sau đó mở lựu đạn thả lên bàn hoặc uống rượu say mang lựu đạn ra đứng giữa đường chặn xe lại để vòi tiền… Có hàng ngàn sự cố do các thương binh này gây ra.

Mãi cho đến năm 1996, khi mà ngành công an hoàn toàn bế tắt trước việc này, ngay cả cơ quan công an hoặc trụ sở ủy ban cấp xã, cấp huyện, các thương binh này thích thì mang lựu đạn vào và trói gô các ông cán bộ lại rồi ngồi nhìn các ông van lạy… Thì quân đội mới vào cuộc. Trong vòng ba tháng, bất kì cuộc quậy phá nào của các thương binh đều có mặt quân đội để giải quyết và súng ống luôn trong tình trạng lên nòng. Các thương binh quậy phá giảm dần số lượng và cho đến cuối năm 1996 thì tình hình trở lại yên ổn, không còn quậy phá. Một số thương binh bị tước quyền hưởng chế độ bồi dưỡng thương bệnh binh. Mãi đến năm 2000 họ mới được phục hồi chế độ này.

Có một điều lạ là tại sao những người mang danh nghĩa hi sinh, đã dám bỏ cả mạng sống, xương máu để phục vụ tổ quốc lại có hành vi tệ mạt đến như vậy? Bởi một thực tế là hầu hết bộ đội Việt Nam không phục vụ quân đội theo lý tưởng hay có tính tự nguyện bởi lòng yêu nước mà họ bị bắt buộc phải đi nghĩa vụ quân sự.

Và khi có cơ hội để lấy lại một thứ gì đó đã mất của thời tuổi trẻ thì họ không ngần ngại lấy lại và sẵn sàng nổ tung để lấy nó. Trong một quốc gia mà lý tưởng bị đánh tráo thì hẳn nhiên tuổi thanh xuân cũng bị đánh tráo, thay vì nghĩ về tương lai tốt đẹp, lý tưởng nào đó, người ta dễ dàng so sánh tuổi trẻ bị ép bồng súng, bị quát nạt, thậm chí bị đánh đập, ăn uống kham khổ, sốt rét, hòn tên mũi đạn… với tuổi trẻ được ăn ở cửa hàng quốc doanh, được đi tán gái… Và khi đã mất thì phải lấy, bằng mọi giá. Chính nếp suy nghĩ này đã dẫn đến hành vi của họ. Bởi tuổi trẻ hay lý tưởng của hầu hết bộ đội Việt Nam là con số không rõ to!

Mãi cho đến bây giờ, khi cái ăn, cái mặc đã tạm ổn thì các thương binh vẫn bị lợi dụng bằng miếng mồi khác. Họ được cấp những chiếc xe ba bánh, phương tiện kiếm cơm với điều kiện họ phải là những người đi đầu chiến tuyến “chống phản động” và “phản gián”. Cái chức năng phản gián của họ thực ra là hóng tin thử có ai đó bàn chuyện chính trị, bàn như thế nào để về báo cáo. Và có khi họ ngồi trên xe hay ngồi uống trà cả ngày ngoài đường chứ chẳng chạy chuyến nào, họ vẫn sống rượu thịt đủ bữa, thích đi chơi thì đi.

Họ có công từ trước với chế độ, thậm chí họ chấp nhận làm thân phận chó mèo của chế độ như vậy, trong khi đó, sự kiện cả nước theo dõi như vậy mà chế độ bỏ quên họ, họ không được ưu tiên mua vé (trong khi đi máy bay, tàu lửa hay xe buýt họ vẫn được ưu tiên) thì đương nhiên họ phải lên tiếng để đòi hỏi, để lấy bằng được. Và chuyện họ phản ứng với VFF cũng là lẽ đương nhiên trong thứ cơ chế mà họ đã cống hiến. Giả sử như ai đó bảo họ vô văn hóa thì chính chế độ phải đứng ra bảo vệ họ bằng cách lấp liếm (cho rằng những kẻ giả danh thương binh vào quậy phá VFF chẳng hạn!).

Và tất cả những phản ứng của họ nó cũng biểu thị cho gương mặt văn hóa của chế độ mà họ đã bị động cống hiến một phần xương máu trước đây và chủ động cống hiến tiếp thời gian còn lại bằng các công việc “phản gián” bây giờ.

Với gương mặt văn hóa của chế độ như vậy thì cũng đừng mong gì từ những đám đông nhân dân cuồng nộ hay hỗn loạn, nhặng xị… Bởi những đám đông này được sinh ra trong lòng chế độ, thẩm thấu nền giáo dục của chế độ và hướng về tương lai từ bệ phóng chế độ. Bảo họ tốt hơn làm sao được khi định nghĩa về chữ tốt ở họ cũng na ná chữ tốt của chế độ. Thậm chí họ lấy chữ Tốt của chế độ làm chuẩn mực vào đời!

Và không chỉ bóng đá, mà hầu hết mọi thứ, mọi nơi, nếu có cơ hội, những đám đông sẽ hò hét, vứt rác, đánh nhau, giẫm đạp lên nhau hoặc hôi đồ của nhau… Bởi đó là cốt tính của chế độ và cũng là cốt tính của họ! Sẵn sàng diễn sâu về văn hóa nhưng văn hóa còn xa lạ lắm!