You are here

Thực hiện quyền tiếp cận thông tin để thúc đẩy dân chủ

Ảnh của NguyenTrangNhung

"Không biết một năm Hà Nội in băng rôn hết bao nhiêu tiền nhỉ?"

"Lại sửa đường à, tháng trước vừa sửa cơ mà! Sao sửa lắm thế không biết?"

"Tượng đài kia to quá! Không biết xây hết bao nhiêu tiền nhỉ?"

"Ơ. Thuế của mình đang được dùng làm những việc gì?"

Đó là một vài câu hỏi được đặt ra trong một video được thực hiện bởi Trung tâm hỗ trợ giáo dục và nâng cao năng lực cho phụ nữ (CEPEW), Ngân hàng thế giới (World Bank), và Nhóm tư vấn độc lập về chính sách và quyền con người (IHRA).[1] Video là một hướng dẫn đơn giản và dễ hiểu về việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin được quy định trong Luật Tiếp cận Thông tin 2016 (sau đây viết tắt là Luật TCTT), có hiệu lực kể từ 1/7/2018.[2]

Thông tin trong phạm vi điều chỉnh của Luật TCTT là "tin, dữ liệu được chứa đựng trong văn bản, hồ sơ, tài liệu có sẵn, tồn tại dưới dạng bản viết, bản in, bản điện tử, tranh, ảnh, bản vẽ, băng, đĩa, bản ghi hình, ghi âm hoặc các dạng khác do cơ quan nhà nước tạo ra." (Khoản 1, Điều 2), và tiếp cận thông tin theo luật này là "việc đọc, xem, nghe, ghi chép, sao chép, chụp thông tin" (Khoản 1, Điều 3). Để tiếp cận các thông tin khác, các văn bản quy phạm pháp luật khác, phù hợp, được áp dụng.

Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, quyền tiếp cận thông tin lần đầu được quy định là quyền công dân tại Hiến pháp 1992, theo đó, công dân có quyền "được thông tin" (Điều 69). Hiến pháp 2013 kế thừa quy định này từ Hiến pháp 1992, song nếu Hiến pháp 1992 phát biểu quyền này như một quyền thụ động, thì Hiến pháp 2013 tiến bộ hơn khi phát biểu quyền này như một quyền chủ động, theo đó, công dân có quyền "tiếp cận thông tin" (Điều 25).

Quyền tiếp cận thông tin có cơ sở pháp lý quốc tế là Điều 19 Tuyên ngôn Phổ quát về Quyền Con người (Universal Declaration of Human Rights – UDHR) năm 1948, và Khoản 2, Điều 19 Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị (International Covenant on Civil and Political Rights – ICCPR) năm 1966. Việc quy định quyền tiếp cận thông tin trong Hiến pháp và cụ thể hóa quyền này trong Luật TCTT là một biểu hiện của sự tuân thủ ICCPR của Việt Nam, với tư cách thành viên của công ước kể từ năm 1982.

Khái niệm quyền được thông tin xuất hiện đầu tiên tại Thụy Điển trong Luật Tự do Báo chí năm 1776. Bên cạnh việc bảo vệ quyền tự do ngôn luận, luật này quy định rằng công dân có quyền "tiếp cận tài liệu công".[3] Đến năm 1990, có 13 nước ban hành luật tiếp cận thông tin.[4] Đến nay, hơn 100 nước ban hành luật này.[5] Có thể kể đến một số nước là Columbia (1885), Phần Lan (1919), Mỹ (1966), Na Uy (1970), Pháp (1978), Úc (1982), Canada (1983), Thái Lan (1997), Nhật Bản (2004), và Ấn Độ (2005).[6]

Sự ra đời của Luật TCTT tại Việt Nam là một bước tiến trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý cho quyền tiếp cận thông tin. Trước khi luật này có hiệu lực, công dân vẫn có quyền tiếp cận thông tin, song hạn chế hơn, thông qua các quy định rải rác trong các văn bản quy phạm pháp luật như Luật Phòng chống Tham nhũng, Luật Báo chí, Luật Xuất bản, Luật Kiểm toán Nhà nước, Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, v.v. 

Với Luật TCTT, công dân có cơ sở pháp lý vững chắc hơn cho việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin, tạo điều kiện cho việc thực hiện và phát huy các quyền con người, các quyền công dân khác, như quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, ứng cử, bầu cử, hội họp, biểu tình, tham gia quản lý nhà nước và xã hội, v.v, đồng thời thúc đẩy phòng, chống tham nhũng, nâng cao tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước.

Hình: Thông tin được tiếp cận, không được tiếp cận và được tiếp cận có điều kiện theo Luật TCTT (Nguồn: CEPEW)

Các thông tin dược đề cập trong các câu hỏi ở phần đầu của bài viết này chỉ là một vài trong nhiều loại thông tin mà công dân có quyền tiếp cận. Khoản 1, Điều 17 Luật TCTT quy định 14 loại thông tin mà các cơ quan nhà nước phải công khai, bao gồm thông tin về ngân sách nhà nước (điểm đ), nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức, nguồn viện trợ phi chính phủ (điểm e), đầu tư công, chi tiêu công (điểm g), tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức (điểm l), v.v. Ngoài ra là một số loại thông tin khác mà công dân được tiếp cận, trong đó có thông tin được tiếp cận có điều kiện.

Luật TCTT quy định chi tiết trình tự, thủ tục cung cấp thông tin theo yêu cầu. Việc cung cấp thông tin có thể được thực hiện một cách trực tiếp tại trụ sở cơ quan cung cấp thông tin, hoặc qua mạng điện tử, hoặc qua dịch vụ bưu chính, fax. Luật TCTT được áp dụng đối với thông tin được tạo ra sau ngày 1/7/2018. Đối với các thông tin được tạo ra trước ngày này, các văn bản quy phạm pháp luật khác quy định về tiếp cận thông tin và có hiệu lực trước ngày này được áp dụng, theo Nghị định 13/2018.

Trong những năm gần đây, Luật TCTT và các tin tức liên quan được phổ biến khá rộng rãi trên truyền thông chính thống. Tuy nhiên, rất ít người dân, kể cả giới hoạt động dân chủ, quan tâm đến luật này. Thiết nghĩ, đây là một thiếu sót của người dân nói chung và giới hoạt động dân chủ nói riêng khi chưa quan tâm và chưa có những hành động cần thiết để nâng cao hiểu biết và thực hiện quyền tiếp cận thông tin. Vì vậy, điều cần làm là quan tâm, tìm hiểu và xa hơn là thực hiện quyền này để thúc đẩy dân chủ.

Chú thích:

[1] Video 'Quy trình tiếp cận thông tin'
https://www.youtube.com/watch?v=ub5Y40q-a90

[2] Luật Tiếp cận Thông tin 
http://vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-toanvan.aspx?ItemID=101873

[3] Trung tâm Hỗ trợ Giáo dục và Nâng cao Năng lực cho Phụ nữ – CEPEW (2015), Giới thiệu về quyền tiếp cận thông tin

[4] Như [3]

[5] Ngày Quốc tế vì Tiếp cận Thông tin Toàn cầu
https://en.unesco.org/iduai2016/about-day

[6] Như [3]