You are here

Chị Huỳnh Thục Vy, Một Số Điều Cần Lưu Ý Về Điều 276

Ảnh của nguyenvandai

Chị Huỳnh Thục Vy, Một Số Điều Cần Lưu Ý Về Điều 276

Ngày 9 tháng 8 năm 2018, Cơ quan cảnh sát điều tra công an thị xã Buôn Hồ đã ra quyết định khởi tố bị can số 52 với chị Huỳnh Thục Vy về tội danh xúc phạm quốc kỳ theo điều 276 Bộ luật hình sự 1999. Kèm theo là các quyết định cấm đi khỏi nơi cư trú, quyết định tạm hoãn xuất cảnh và quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can.

Để giúp cho chị Huỳnh Thục Vy trong quá trình bị cơ quan điều tra thẩm vấn, tôi xin phân tích điều 276 như sau:

“Điều 276.  Tội xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy 

Người nào cố ý xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Quốc kỳ được định nghĩa như sau:

Quốc kỳ là cờ tượng trưng cho một nước ( cờ tổ quốc). Quốc kỳ của nước  Việt Nam hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh.

Quốc kỳ có thể được làm bằng nhiều chất liệu khác nhau nhưng chủ yếu là bằng vải, nhưng dù được tạo ra bằng cách nào với chất liệu gì thì chỉ coi là quốc kỳ khi nó đầy đủ các điều kiện như đã quy định, đó là “hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh”. Hiện nay trong các ngày tết, ngày lễ, ở những nơi công cộng các cơ quan thông tin treo băng, cờ khẩu hiệu, trong số đó có những băng màu đỏ, chiều dài 3 mét, chiều rộng 80cm, ở giữa cũng có ngôi sao vàng năm cánh; những tấm băng này không được coi là quốc kỳ. Cũng không coi là quốc kỳ những hình vẽ có hình giống quốc kỳ in trên tường, trên các phương tiện giao thông, trên quần, áo, nón, mũ, mặt, mũi…các hình vẽ này chỉ là hình ảnh, chứ không phải là quốc kỳ, nên không phải là đối tượng tác động của tội xúc phạm quốc kỳ.

Theo điều 276 thì hành vi khách quan chỉ có một đó là hành vi xúc phạm quốc kỳ.

Xúc phạm quốc kỳ là hành vi tác động trực tiếp vào quốc kỳ để thông qua đó làm tổn thương đến danh dự quốc gia, chứ không nhằm làm tổn thương đến một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân nào. Hành vi xúc phạm quốc kỳ phải bằng hành động cụ thể như: xé rách, bôi bẩn, đâm thủng, dẫm, đạp, vò nát cờ tổ quốc;; viết, vẽ nội dung không lành mạnh lên quốc kỳ hoặc có những hành động khác làm biến dạng quốc kỳ.

Điều 276 không qui định hậu quả phải là yếu tố định tội, nhưng điều này coi hành vi xúc phạm quốc kỳ là hành vi này xâm phạm đến danh dự quốc gia.

 Trong các yếu tố cấu thành tội phạm của điều 276 thì yếu tố về mặt chủ quan của tội phạm mang yếu tố quyết định đến việc xác định có tội hay không.

Các dấu hiệu thuộc về mặt chủ quan như sau:

Người thực hiện hành vi phạm tội này là do cố ý, tức là nhận thức được hành vi xúc phạm quốc kỳ của mình là xâm phạm đến danh dự quốc gia, nhưng vẫn thực hiện.

Còn người thực hiện hành vi xúc phạm quốc kỳ do những bức xúc cá nhân, do sơ ý hay không có mục đích xúc phạm đến danh dự quốc gia thì không bị coi là tội phạm.

Có thể khẳng định rằng, động cơ mục đích là dấu hiệu bắt buộc đối với tội phạm này.

Nhưng điều nguy hiểm ở đây là nếu người  có hành vi xúc phạm quốc kỳ mà có động cơ, mục đích chống chính quyền Nhà nước thì tuỳ trường hợp mà người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phản bội tổ quốc, tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, tội tuyên truyền chống Nhà nước,…

Để xác định mặt chủ quan của hành vi phạm tội thì chủ yếu dựa vào lời khai, lời trình bày của người đó trước cơ quan điều tra. Lời nói, lời tuyên bố của ngưởi đó khi thực hiện hành vi xúc phạm quốc kỳ.

Trong trường hợp cụ thể của chị Huỳnh Thục Vy:

1/Cơ quan điều tra phải thu được chứng cứ đó là lá cờ đã bị xịt sơn;

2/ Cơ quan điều tra phải chứng minh được lá cờ bị xịt sơn mà họ thu giữ được phải do chính chị Huỳnh Thục Vy thực hiện;

3/ Cơ quan điều tra phải chứng minh được việc chị huỳnh Thục Vy thực hiện hành vi xịt cờ có mục đích xúc phạm đến danh dự quốc gia.

Nếu hành động xịt sơn lên quốc kỳ là do bức xúc cá nhân nhằm phản đối đảng cộng sản VN, không có mục đích xúc phạm đến danh dự quốc gia thì chị Huỳnh Thục Vy không vi phạm điều 276 Bộ luật hình sự 1999.

Ngày 10 tháng 8 năm 2018

Luật sư Nguyễn Văn Đài