You are here

Kinh tế Việt Nam trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung (tiếp theo)

Ảnh của nguyenvubinh

     …

     - Trục lợi trong các chính sách kinh tế cũng làm biến dạng toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế. Các chính sách kinh tế trong nền kinh tế thị trường có tác dụng làm phẳng bớt chu kỳ kinh doanh cũng như giải quyết những khó khăn phát sinh trong quá trình phát triển các ngành nghề trong nền kinh tế. Nhưng các chính sách kinh tế của Việt Nam được đưa ra và thực hiện vì lợi ích nhóm, nhằm trục lợi thông qua chính sách càng làm cho nền kinh tế vốn đã khó khăn càng sốc, nghẹn và co giật triền miên.

     Toàn bộ những vi phạm của nền kinh tế Việt Nam với các nguyên lý, nguyên tắc của kinh tế thị trường đã dẫn tới những hệ quả quan trọng.

     Thứ nhất, nền kinh tế không hiệu quả. Những số liệu về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ngoại trừ việc sai lệch trong cách tính toán, cũng như số liệu không trung thực thì điều quan trọng đó là việc gia tăng đầu ra do sự gia tăng đầu vào của nền kinh tế. Tức là nó chỉ cho biết giá trị lượng hàng hóa được sản xuất ra của quốc gia trong một năm là bao nhiêu, ngoài ra không cho biết nó được sản xuất như thế nào, đầu vào lấy từ đâu, nợ nần ra sao? Chỉ số ICOR của nền kinh tế, chỉ số cho biết cần đầu tư bao nhiêu đô la để tạo ra 1 đô la giá trị mới của nền kinh tế của Việt Nam luôn là con số cáo gấp rưỡi, gấp đôi các nước trong khu vực. Trên thực tế, các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chỉ có lợi nhuận khi sản xuất hoặc kinh doanh mặt hàng gì có lãi suất gấp 4-5 lần giá thành hoặc giá mua ban đầu. Điều này có nghĩa là, việc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vô cùng khó khăn, có rất ít doanh nghiệp tính đúng, tính đủ  mà có lợi nhuận. Phần lớn các doanh nghiệp vật lộn để tồn tại. Sự khó khăn trong việc trong việc tìm kiếm lợi nhuận dẫn tới một hệ lụy vô cùng nguy hiểm, đó là nền kinh tế mất động lực. Người ta không còn nhiệt tình đầu tư, không muốn mở doanh nghiệp hoặc mở rộng sản xuất kinh doanh mà chỉ cố gắng duy trì sự tồn tại của doanh nghiệp.

     Thứ hai, số nợ của doanh nghiệp nhà nước cộng với số nợ công của chính phủ đã gấp ba lần GDP. Với một nền kinh tế không hiệu quả, trong khi để duy trì hệ thống doanh nghiệp nhà nước, số lượng người trong hệ thống đảng, nhà nước và đoàn thể, tất cả bám vào ngân sách lên tới 30-35 triệu người, tổng số nợ của Việt Nam là trên 600 tỷ đô la, tương đương gấp 3 lần GDP. Điều đáng nói là, số nợ này cách đây 2-3 năm mới chỉ là 300-350 tỷ đô la, tương đương gấp đôi GDP, thì nay đã lên trên 600 tỷ đô la. Điều này hoàn toàn không có gì đáng ngạc nhiên, bởi nền kinh tế không hiệu quả, giá trị hàng năm làm ra không đủ duy trì hệ thống chi tiêu trong một năm, không có tiền trả lãi các khoản nợ, chưa nói trả nợ gốc. Vì vậy, nhà cầm quyền phải đi vay nợ để trả lãi và duy trì hệ thống. Xu hướng này vẫn đang tiếp diễn nhưng chắc chắn gặp khó khăn vì quốc tế đã cảnh báo về khả năng trả nợ của Việt Nam.

     Đến giờ này, không ai có thể xác định được nền kinh tế Việt Nam là dạng nền kinh tế gì? Nó không phải là nền kinh tế kế hoạch, cũng không phải nền kinh tế thị trường và cũng không là nền kinh tế maphia với các hoạt động ngầm là chủ yếu. Có lẽ, nó là sự pha trộn giữa kế hoạch, thị trường và maphia với mục tiêu duy trì sự độc quyền lãnh đạo của đảng cộng sản. Nói cách khác, nền kinh tế Việt Nam là một phương diện để quản lý người dân về kinh tế, nhằm duy trì sự thống trị toàn diện của đảng, của chế độ.

     II/ Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: căn nguyên và diễn biến ban đầu

     Sự thay đổi có tính bước ngoặt của thế giới, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, đó là khi tỷ phú Donad Trump lên làm tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ. Với quan điểm gần như ngược lại với hoàn toàn với các tổng thống tiền nhiệm trong tất cả các lĩnh vực, ông D.Trump đã được người dân Mỹ bầu lên làm tổng thống. Ban đầu, người ta chỉ nghĩ rằng, các quan điểm của ông D.Trump vận động tranh cử để tranh thủ sự bất mãn của người dân Mỹ đối với thực trạng của nước Mỹ. Nhưng qua thời gian ngắn ông D.Trump là tổng thống, người ta hiểu ra rằng, những quan điểm tranh cử chính là mục tiêu của ông D.Trump.

     Có thể tóm tắt quan điểm của tổng thống D.Trump liên quan tới cuộc chiến thương mại như sau. Ông D.Trump quan niệm nền kinh tế và vị thế chính trị của nước Mỹ trước khi ông làm tổng thống chưa tương xứng với tiềm năng, tiềm lực và khả năng của nước Mỹ. Ông nghĩ rằng có những vấn đề cản trở sức mạnh của nước Mỹ, trong đó vấn đề công bằng và cân bằng thương mại là yếu tố quyết định. Chính vì vậy, Hiệp định Đối tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (gọi tắt là TPP) được ông coi là không công bằng với nước Mỹ, đã bị Ông xóa bỏ ngay sau khi nhậm chức. Đồng thời Ông tuyên bố sẽ lấy lại sự công bằng và cân bằng trong thương mại với các nước trên thế giới bằng cách đánh thuế vào những mặt hàng nhập khẩu để cân bằng cán cân thương mại. Việc đánh thuế để cân bằng thương mại được thực hiện với hầu hết các quốc gia trên thế giới…

     (còn nữa)

Hà Nội, ngày 27/7/2018

N.V.B