You are here

Đạo đức xã hội nhìn từ vụ gian lận điểm thi tốt nghiệp PTTH

Tin tức nóng về việc báo Tuổi trẻ Online bị đình bản 03 tháng bỗng chìm nghỉm, khi sự việc gian lận điểm thi tốt nghiệp Phổ Thông Trung học Quốc gia (PTTH) năm 2018 tại tỉnh biên giới Hà Giang bùng lên. Báo chí nhà nước cho biết, qua điều tra bước đầu các cơ quan chức năng đã xác định có 114 thí sinh trong diện nghi vấn, với hơn 330 bài thi có tổng điểm công bố chênh lệch từ một đến cả hàng chục điểm so với chấm thẩm định. Cá biệt có những thí sinh tổng điểm các môn được sửa đổi tăng lên đến 26,8, thậm chí 29,95 điểm so với chấm thẩm định.

Được biết trong số 114 thí sinh bị phát hiện, đa số là con em của lãnh đạo các huyện, cấp tỉnh thuộc tỉnh Hà Giang. Ngoài ra còn có con em của một số đại gia có máu mặt trên địa bàn tỉnh này. Điều đó cho thấy, động cơ của việc sửa điểm thi tốt nghiệp PTTH năm nay rõ ràng đã chịu tác động cũng như áp lực của quyền và tiền.

Dẫu rằng ngay từ ban đầu, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục khảo thí Bộ Giáo dục nói rằng, chưa đủ căn cứ để khỏi tố ông Vũ Trọng Lương - Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, thuộc Sở GDĐT Hà Giang, là người đã trực tiếp can thiệp vào kết quả thi của thí sinh. Song theo thông tin ngày 19/7/2018, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Giang đã ra Quyết định số 02/QĐKTVA khởi tố hình sự vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự; và sáng ngày 20/7 ông Vũ Trọng Lương đã bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra để điều tra. Và một điều chắc chắn sẽ là số lượng các đối tượng sẽ bị khởi tố bị can tới đây sẽ còn nhiều người khác, không chỉ một mình ông Lương. Có nghĩa rằng đây là một hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” một cách có tổ chức, mà nghi can Vũ Trọng Lương chỉ là người trực tiếp hành vi phạm tội bị phát hiện và đã khai nhận.

Chuyện lạ kỳ là, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang cho rằng bản thân mình đã bị kẻ xấu tự ý "chơi xỏ" bằng cách nâng điểm cho con gái ruột và 2 đứa cháu của ông Vinh không rõ nhằm mục đích gì. Theo Dân trí ngày 19/7/2018, khi trả lời về việc con gái nằm trong danh sách được nâng điểm, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh cho biết: “Con gái tôi nằm trong danh sách bị nâng 2 điểm thì tôi không biết thế nào. Có thể họ lợi dụng việc đó để đưa con lãnh đạo vào tròng thì sao?”, không những thế họ Triệu còn khẳng định, “Con tôi năm nay thi tốt nghiệp như thế này không phải lỗi của cháu, không phải lỗi của tôi”. Là người lãnh đạo nắm trọng trách cao nhất tại tỉnh Hà Giang, họ Triệu phán bừa để chối tội như vậy thì câu hỏi được đặt ra là: Vậy thì lỗi tại ai?

Trong khi, theo một nguồn tin khả tín từ Sở Giáo dục Hà Giang cho biết, thí sinh M., con gái của Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh cũng là một trong số những thí sinh có điểm cao nhất của Hà Giang, sau khi bị phát hiện đã bị hạ nhiều điểm. Cụ thể, điểm thi của thí sinh M. được công bố lần đầu cụ thể như sau: toán: 9,4; văn: 7,5; tiếng Anh là 10 điểm, tổng điểm xét tuyển theo khối D1 là 26,9. Tuy nhiên, sau khi chấm thẩm định, điểm thi của thí sinh này chỉ còn lại là toán: 6; văn 7,5; và tiếng Anh là 8. Tổng điểm xét tuyển theo khối D1 chỉ còn lại là 21,5, giảm so với ban đầu 5,4 điểm.

Tin mới nhất cho biết, hiện tượng sửa và nâng điểm thi năm nay không chỉ cá biệt ở Hà Giang, mà nó còn có nhiều dấu hiệu tại các địa phương khác, cũng có điểm thi bất thường như: Sơn La, Lạng Sơn, Hòa Bình, Tuyên Quang, Bạc Liêu v.v...

Câu hỏi đặt ra là, "Tại sao tình trạng sửa và nâng điểm thi tốt nghiệp PTTH trở nên bùng phát và lan rộng và bị phát hiện?"

Những người công tác trong ngành giáo dục khẳng định rằng, việc nâng sửa điểm thi không phải là cá biệt mà nó đã có từ rất lâu nhưng trước đây không ai quan tâm, cũng vì trước đây các kỳ thi tốt nghiệp PTTH đề thi dễ, chất lượng kém có cũng như không. Song năm nay - 2018, là năm đầu tiên thí điểm áp dụng không thi tuyển sinh đại học mà dùng điểm thi THPT để xét vào đại học và cũng do  đề thi tốt nghiệp THPT rất khó. Nhiều chuyên gia Toán đã cho rằng, bản thân họ không thể giải hết đề toán thi tốt nghiệp THPT năm nay trong vòng 90 phút. Vậy mà các "hạt giống đỏ" đã bất chấp, đạt toàn điểm 9 và 10 ở môn toán, hơn cả những học sinh xuất sắc khác ở các tỉnh và thành phố lớn.

Điều này càng quan trọng hơn đối với các thí thí sinh thi vào vào trường đại học Công an, An ninh hay Quân đội, vì từ trước đến nay, các trường đại học này thường có mức điểm chuẩn tuyển vào hết sức cao. Còn vì sao các trường Đại học đó lại rất đông thí sinh dự tuyển, thì câu trả lời là vì học viên ở những trường này được hưởng một chế độ đặc biệt hơn. Nghĩa là là các sinh viên được hưởng chế độ như quân nhân ngay khi còn trên ghế nhà trường. Và sau khi tốt nghiệp thì chắc chắn họ được bố trí công ăn việc làm. Chỉ thắc mắc, con cái quan chức đã giàu nứt đổ, đổ vách mà vì sao họ còn tham? Nhưng nếu hiểu các lãnh đạo hay muốn con em họ sau này sẽ là những người bảo vệ cho chính họ, gia đình và chế độ này thì cũng có thể hiểu được lý do vì sao?

Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh là một Tiến Sĩ Nông nghiệp và là Ủy viên TW dự khuyết từ khi còn rất trẻ. Ông Vinh là con của ông Triệu Đức Thanh, nguyên Phó bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang trước đây. Nhắc ra để thấy việc các lãnh đạo đảng các cấp từ trung ương đến địa phương, họ đã ráo riết chuẩn bị bệ phóng cho con cái trong hệ thống bổ nhiệm quan chức kiểu "con ông cháu cha" từ hàng chục năm trước rồi, đâu có phải chỉ hôm nay.

Hơn nữa, vụ án lại được giao cho Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Giang khởi tố hình sự về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn  trong khi thi hành công vụ” thì kết quả thế nào thì ai cũng rõ. Vì thế dư luận xã hội cho rằng, nếu Triệu Tài Vinh vẫn là Bí thư Hà Giang và vụ án này do công an Hà Giang điều tra, thì chẳng thể nào tin được.

Nói như thế để thấy, việc chúng ta hồ hởi, phấn khởi khi hay tin phát hiện ra việc nâng sửa điểm thi nhưng có lẽ chẳng ai nghĩ đến vụ việc sẽ giải quyết đến đâu? Để rồi nó cũng chẳng khác gì việc cách đâu chưa lâu, năm 2016, dư luận từng xôn xao chuyện cả nhà Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh làm quan. Nhưng họ Triệu cũng dùng triết lý cùn người Dao để khẳng định, việc bổ nhiệm vợ, con, em trai, em rể và họ hàng... của ông làm lãnh đạo ở các sở, ngành, địa phương là đúng quy trình. Thậm chí còn là do người nhà của ông bị "ép" làm quan, và bản thân ông rất "không cảm thấy vui" vì điều đó. Hay trước đó cũng tại tỉnh Hà Giang, các vụ việc tày đình ầm ĩ của Chủ tịch tỉnh Nguyễn Trường Tô mua dâm học sinh, Hiệu trưởng Sầm Đức Xương là người môi giới cuối cùng cũng được xử kín rồi im bặt. Cho đến nay cũng chẳng ai hay biết kết quả ra sao?

Trong một xã hội mất dân chủ, ở đó trình độ kiến thức và nhất là đạo đức con người không được coi trọng như ở Việt Nam hiện nay. Ở đó, người ta chỉ coi trọng những mảnh bằng vô tri, vô giác; thậm chí là bằng giả vẫn là điều kiện bắt buộc phải có để thăng quan tiến chức. Thế mới có chuyện các quan chức lãnh đạo đa số là từ thành phần thất học rồi ngoi lên cao. Bắt đầu từ mảnh bằng tại chức, để rồi mua các loại bằng cấp khác cần thiết: thạc sĩ, tiến sĩ và cả cái mác đảng viên. Những cái tên Trương Tấn Sang, Đào Ngọc Dung... gắn liền với quá khứ ô nhục, là chuyện quay cóp trong thi cử còn sờ sờ ra đó.

Luật sư Lê Công Định khi nhận định rằng, "Vụ gian lận điểm thi tốt nghiệp PTTHQG ở Hà Giang phơi bày toàn diện và thật nhất bộ mặt, bản chất, bộ máy, con người, xuất phát điểm, tiến trình phát triển, tương lai và hậu quả của chế độ cộng sản ở Việt Nam, hơn bất kỳ vụ nào từ trước đến nay." có lẽ là chưa chính xácMà chuyện người ta nâng điểm thi cử thực ra là chuyện quá nhỏ, nếu so với việc Chủ tịch Nước Trần Đại Quang là người sửa hồ sơ cán bộ giảm 6 tuổi, đã khai man năm sinh 1950 thành 1956, để có thể ngồi ở ghế Ủy viên Bộ Chính trị thêm 1 nhiệm kỳ, ai ai cũng biết mà vẫn chẳng sao là một ví dụ.

Song đáng buồn hơn là họ - những con người vô đạo đức như thế vẫn đăng đàn để rao giảng đạo đức cho toàn xã hội. Vậy mà cả một xã hội hàng chục triệu con người vẫn câm nín, coi như không có chuyện gì xảy ra.

Ngày 20 tháng 7 năm 2018

© Kami

* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA