You are here

VÔ CẢM

Ảnh của nguyenlanthang

Cách đây 6 năm ngày 8/7/2012 Hà Nội nổ ra cuộc biểu tình chống Trung Quốc gây hấn trên Biển Đông lần thứ 2 trong năm 2012. Ngày đó lúc đầu cuộc biểu tình căng lắm. Từ sáng sớm các lực lượng an ninh, công an phường, băng đỏ các loại đã đi rầm rập xung quanh Bờ Hồ, Nhà hát lớn từ mờ sáng. 

8h sáng bắt đầu lác đác có một số anh chị em đấu tranh đảo qua đảo lại ở khu vực Bờ Hồ. Đúng 8h50 cuộc biểu tình bắt đầu nổ ra. Trong vỏn vẹn có 2 phút thôi khi bố con Ts. Đào Tiến Thi bước lên đầu tiên thì có khoảng 300 người ào lên chiếm lấy bậc thềm Nhà hát lớn, giương cao khẩu hiệu và hô vang. An ninh băng đỏ rối rít gọi bộ đàm kêu cứu viện. 10 phút sau đoàn người ngày càng đông và đủ lực lượng ngang ngửa với an ninh dân phòng. Và rồi tất cả rùng rùng bước xuống đi thành đoàn rất lớn từ đó tiến thẳng về hướng Bờ Hồ trên con đường Tràng Tiền. Tiếng hô vang rợp trời. Đoàn người ngày càng đông như thác đổ, vượt qua 2 chốt chặn ở đầu Hàng Bài, rồi đầu Quang Trung cắt Tràng Thi. Trong đoàn người biểu tình có thể thấy những gương mặt như cụ Lê Hiền Đức, Trương Minh Tam, Trương Văn Dũng, Lê Anh Hùng, Đặng Bích Phượng, Nguyễn Thuý Hạnh, Lê Dũng Vova, Lê Thu Trà, Vinh Trần, Lan Đặng, Dũng Aduku, JB. Nguyễn Hữu Vinh, bố con TS. Đào Tiến Thi, nhà báo độc lập Ngô Nhật Đăng, Đoàn Minh Sơn, Ngô Duy Quyền, đảng trưởng đảng Bia Từ Anh Tú, bác Nghiêm Ngọc Trai, ông Khải ozon, TS. khảo cổ Nguyễn Hồng Kiên, Gs. Ngô Đức Thọ, bà Trâm còng vợ bác Khánh, pv ảnh Hoàng Đình Nam, Ls Lê Quốc Quân, TS xã hội học Phạm Quỳnh Hương, nhà văn Thuỳ Linh, ông Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, Pv Mai Kỳ, mẹ con nhà Thuý Nga, hiệp sỹ CNTT Nguyễn Công Hùng, Người Buôn Gió, khoảng 300 bà con bên Văn Giang... và còn rất rất nhiều người khác nữa tôi không thể kể tên hết. Cuộc biểu tình ngày 8/7/2012 đã diễn ra tốt đẹp. 

Còn rất nhiều sự kiện, nhiều hình ảnh ngày hôm đó có ngồi cả ngày kể ra không hết chuyện, nhưng có một bức ảnh còn đọng lại mãi trong tâm trí tôi. Đó là bức ảnh của nhà văn Thuỳ Linh chộp được khi đoàn biểu tình đi qua đầu phố Hàng Bài cắt Hai Bà Trưng. Trong ảnh tiền cảnh là một đám 4 người đàn ông chúi mũi vào một bàn cờ bày trên vỉa hè, hậu cảnh là một đám đông nô nức những người đi biểu tình. Những người đàn ông đó hoàn toàn tập trung vào bàn cờ, không hề có một động thái để ý hay ngoái lại nhìn đoàn người. Bức ảnh này năm đó đã là chủ đề lớn trong nhiều bài viết, để bàn về sự vô cảm của người Việt Nam nói chung trước tình hình đất nước.

Thú thật là ở vào thời điểm đó, trong tâm trạng của tôi cũng không tránh khỏi cảm xúc khinh bỉ những người đàn ông đánh cờ. Họ là hình ảnh đại diện cho một bộ phận rất lớn hàng chục triệu người Việt Nam khác, vô cảm, thờ ơ, ích kỷ, chỉ biết đến bàn cờ nhỏ nhoi của họ, mà không thấy được bàn cờ lớn của đất nước, không thấy được nguy cơ xâm chiếm lãnh thổ lãnh hải vô cùng to lớn với dân tộc này.

IMG_4930.jpeg

Tại sao họ vô cảm? Trước kia tôi luôn có một thái độ đổ lỗi cho họ, phán xét họ. Nhưng rồi theo thời gian, khi bình tâm lại tôi thấy mình đã có một thái độ hoàn toàn sai. Trung Quốc từ lâu đã bắt đầu xâm chiếm biển Đông, cướp Hoàng Sa rồi Trường Sa, đánh phá 6 tỉnh biên giới phía Bắc, đổ hàng hoá độc hại kém chất lượng từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước vào Việt Nam. Rồi những cuộc biểu tình nổ ra từ năm 2007, 2008... lúc đó tôi đã ở đâu, tôi đã làm gì vào lúc đó. Nếu như anh Hải Điếu Cầy, rồi Người Buôn Gió, Đoan Trang, Mẹ Nấm, Nguyễn Xuân Bình... và rất nhiều anh chị em đi trước có một thái độ khinh bỉ tôi, coi thường tôi, xin hỏi rằng liệu tôi có đủ mặt mũi nào để có những hoạt động sôi nổi từ năm 2011 đến giờ. Xin tất cả mọi người hãy tha lỗi cho tôi!

 

Công cuộc đấu tranh để bảo vệ chủ quyền đất nước, bảo vệ những quyền con người và bảo vệ những giá trị tự do là một công cuộc rất lâu dài, đòi hỏi cả một dân tộc phải đứng lên. Tôi đã từng là một người rất thờ ơ vô cảm. Tôi đã từng là kẻ rong chơi và chỉ quan tâm đến miếng ăn của mình. Tôi đã từng sợ hãi và tự bảo mình rằng không làm được gì đâu... đó là điều tôi muốn nói với tất cả những bạn còn chưa lộ diện. Chúng ta đều là nạn nhân của một nền giáo dục và truyền thông xã hội mang tính một chiều, không có tính phản biện. Chúng ta từ lâu vô cảm với đất nước. Chúng ta không nghĩ đến tương lai của con cháu chúng ta. Nhưng tôi nghĩ giờ đã khác rất nhiều rồi. Bằng tình yêu, sự quan tâm, sự khích lệ và cả sự tha thứ... chúng ta sẽ đoàn kết để cùng dũng cảm đứng lên đòi những thứ thuộc về mảnh đất này, thuộc về dân tộc này.

 

Hãy tha lỗi cho tôi, một con người từng vô cảm.