You are here

Đừng bao giờ nghe Tổng Bí thư nói, hãy xem ông Nguyễn Phú Trọng làm

Phát biểu bế mạc Hội nghị toàn quốc về phòng, chống tham nhũng chiều ngày 25/6/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định rằng, "Bất cứ ai cũng không có quyền lực tuyệt đối ngoài pháp luật'" (bit.ly/2yKXbO6). Theo người đứng đầu đảng CSVN, "Cán bộ lãnh đạo phải ghi nhớ, bất cứ ai cũng không có quyền lực tuyệt đối ngoài pháp luật, bất kỳ ai sử dụng quyền lực đều phải phục vụ nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân“.

Nghe phát biểu của Tổng Bí thư Trọng, hẳn không ít người vẫn còn nhờ chuyện sau Hội nghị TW7, đã xuất hiện "Lời kêu gọi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng công khai tài sản cá nhân" (bit.ly/2KIUOx7). Được biết, đã có hàng chục người, trong đó có các đảng viên và học giả là các nhân vật có tên tuổi như Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh và Giáo sư Tương Lai... công bố một bức thư ngỏ yêu cầu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng “công khai tài sản”. Trong bức thư ngỏ này có đoạn yêu cầu “Tổng Bí thư hãy làm gương là người công khai ‘Bản kê tài sản’ của mình trên báo chí, cổng thông tin điện tử và Internet trước tiên”.

Khi ấy, dư luận xã hội đều cho rằng, một khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dám công khai tài sản cá nhân để làm gương thì tất cả các lãnh đạo cũng như các đảng viên khác chắc chắn sẽ phải thực hiện. Và như thế, có lẽ vấn nạn tham nhũng ở Việt Nam sẽ bị chặn đứng hoặc đẩy lui.

Tuy nhiên ngay khi đó, Tiến sĩ Ngôn ngữ học Hoàng Dũng - thành viên Ban Vận động Văn đoàn Độc lập, TP HCM người đã hết sức hoài nghi sự "tử tế" của người đứng đầu Đảng CSVN đã nhận xét cho rằng: "...thư yêu cầu ông Nguyễn Phú Trọng công khai tài sản là rất hiệu quả, bất chấp ông Nguyễn Phú Trọng trả lời hay không: nó cho người dân một phép thử, để biết công việc chống tham nhũng đang diễn ra rầm rộ với cường độ ngày càng tăng thực chất như thế nào".

Vậy mà mới nhất, ngày 17/6/2018 khi tiếp xúc cử tri tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chính thức lên tiếng thừa nhận, việc kê khai tài sản cán bộ là rất khó và nhạy cảm vì liên quan đến đời tư, bí mật cá nhân. (bit.ly/2t6rSb3)

Phản ứng vì sự trở mặt của Tổng Bí thư Trọng trong vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Quang A đã nhận xét với RFA rằng, “Tôi nghĩ ông ấy đã vi phạm luật, đã xảo trá một cách rất là trắng trợn, bản thân ông Nguyễn Phú Trọng phải tuân theo luật công chức cán bộ, luật đó có từ lâu rồi, rồi luật bầu cử quốc hội. Khi mà một người đề cử làm đại biểu quốc hội như là tôi ứng cử đại biểu quốc hội các đây hai năm, thì người đó buộc phải kê khai tài sản. Việc ông ấy kê khai tài sản đúng hay sai chưa bàn đến, nhưng nếu ông ấy không kê khai tài sản thì ông ấy đã vi phạm pháp luật một cách trắng trợn.”

Xin dừng lại ở đây để nhường lời cho bạn đọc có thể tự đánh giá về đạo đức của người vừa được cánh nhà báo "hại" tung hô, ông ta là người đốt lò vĩ đại.

Thực ra, việc kê khai tài sản cá nhân là việc hoàn toàn dễ dàng đối với những ai sẵn sàng công khai, minh bạch. Cụ thể hơn đó là những người trong sạch thực sự, họ nếu không tham nhũng. Đến nay, việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lên tiếng thừa nhận, việc kê khai tài sản cán bộ là rất khó và nhạy cảm vì liên quan đến đời tư, bí mật cá nhân đã chứng tỏ ông Nguyễn Phú Trọng đã không "sạch" như nhiều người nghĩ. Người ta đặt câu hỏi, "Nếu ông Trọng sạch - không tham nhũng thì sao ông không dám làm gương?". Nghĩa là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng không hề trong sạch như nhiều người lầm tưởng.

Chính vì thế trên mạng xã hội facebook, có người đã viết rằng "Làng tôi có một lão già cứ hôm nay nói xong, mai lại lấy tay tự vả vào miệng mình. Thế nhưng cứ cố tỏ ra còn sáng suốt!". Người đó là ai chắc chúng ta đều rõ cả, không cần phải nhắc tên cho mất thời giờ.

Giờ đến chuyện thứ 2.

Cũng sáng ngày 17/6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi tiếp xúc cử tri quận Thanh Xuân và Hà Đông, sau kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 14. Tại buổi gặp mặt nay, nói về Dự thảo Luật Đặc khu và phản ứng của dân chúng về dự luật bán nước này, Tổng Bí thư Trọng đã nhấn mạnh, "Sự thật đã bị xuyên tạc, lòng yêu nước bị lợi dụng, kích động để chống đối"(bit.ly/2Km5TDG). Đáng chú ý, để biện minh cho việc làm hết sức nguy hiểm của ban lãnh đạo đảng CSVN, Tổng Bí thư Đảng CSVN đã khẳng định rằng, "...Chủ trương xây dựng đặc khu đã có từ lâu, có từ những năm 1990, lúc đó cố thủ tướng Võ Văn Kiệt có đi khảo sát Bắc Vân Phong, Khánh Hòa...” .

Việc từ những năm 1990, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt có đi khảo sát Bắc Vân Phong, Khánh Hòa... là điều có thật, song nó hoàn toàn khác với vấn đề cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt có ủng hộ hay tán thành việc xây dựng các đặc khu kinh tế, giao đất cho nhà đầu tư nước ngoài thuê 99 năm hay không? Và chắc chắn rằng, khi đó các chuyên gia Trung Quốc chưa phải là tác giả của công trình "nghiên cứu" xây dựng Đặc Khu Kinh tế Vân đồn, mà tác giả của dự án này là Trưởng Ban Tổ chức TW Phạm Minh Chính, từng có sáng kiến giao đất cho nhà đầu tư nước ngoài "có đường biên giới chung với tỉnh Quảng Ninh" thuê tới 120 năm. Đây là điều ông Tổng Bí thư Trọng quá biết, nhưng ông cố tình không nhớ.

Trong bài viết "Vì sao Nguyễn Phú Trọng là một thảm họa lâu dài của đất nước?" đăng trên trang blog của RFA cách đây chưa lâu (bit.ly/2tx2Ult) tôi đã khẳng định, "Từ trước đến nay, mọi quyết định hay hành động của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ với mục đích phục vụ cho quyền lợi của cá nhân và phe nhóm của mình, mà không hề quan tâm đến vận mệnh, lợi ích quốc gia của dân tộc Việt Nam. Một kẻ lãnh đạo trục lợi như thế, cộng với thứ tư duy nô lệ "cõng Rắn cắn Gà nhà", nhất cử nhất động dựa vào Trung Quốc một quốc gia vốn là kẻ thù truyền kiếp của dân tộc Việt Nam chắc chắn sẽ là một thảm họa lâu dài của đất nước.".

Vì thế xin được chép lại câu chuyện “Cảnh giác” của bí thư Thành ủy TP.HCM Võ Văn Kiệt, (tác giả Hoàng Lại Giang) (bit.ly/2Iub3M3) lại ở đây, (không phải để cho ông Nguyễn Phú Trọng đọc). Vì nghĩ rằng, đến nay nó vẫn sẽ và mãi là bài học vô giá không chỉ cho các nhà lãnh đạo Việt Nam về tầm nhìn xa trong vấn đề quan hệ với Trung Quốc, mà còn dành cho nhiều thế hệ người Việt sau này:

Đất nước chúng ta từng có vụ “nạn kiều” vào những năm 70 của thế kỷ 20. Lúc ấy giữa ta và Tàu rất căng thẳng. Nhiều người Hoa, dù đã sống lâu đời ở ta cũng được Tàu vận động treo cờ Trung Quốc và ảnh Mao Trạch Đông, vận động khai mình là người Tàu, mặc dù họ đã chuyển sang quốc tịch Việt Nam từ năm 1956… và vận động người Hoa biểu tình, vận động người Hoa trở về nước.

Lê Duẩn và Lê Đức Thọ bàn với nhau cho tàu Trung Quốc cập cảng Sài Gòn chở người Hoa về nước. Lê Đức Thọ điện cho bí thư thành ủy TP.HCM: Võ Văn Kiệt…

Võ Văn Kiệt trả lời dứt khoát: “Không thể!!!”

– Không được.

Lê Đức Thọ :

– Đây là mệnh lệnh của anh Ba (Lê Duẩn)

Võ Văn Kiệt:

– Nếu đây là mệnh lệnh của anh Ba thì nhờ anh Sáu (Thọ) về báo cáo lại với anh Ba, tôi xin chịu bất kỳ hình thức kỷ luật nào cũng được, nhưng chấp hành mệnh lệnh anh Ba cho tàu Trung Quốc cập cảng Sài Gòn thì tôi không thể… Dừng lại một lúc ,ông tiếp:

-Tôi đã cho rải mìn dày đặc dưới lòng sông rồi. Ngay cả cập cảng Cần Giờ cũng không thể huống hồ cập cảng Sài Gòn…

Thế hệ tôi & trên tôi: hiểu sức mạnh siêu quyền lực của Lê Đức Thọ là như thế nào. Nhưng Võ Văn Kiệt đã thẳng thừng… không chấp hành.

Lê Đức Thọ im lặng…

Võ Văn Kiệt tư lự, phân vân .

Lê Đức Thọ sốt ruột:

-Có gì Sáu Dân (Võ Văn Kiệt) cứ nói, tớ nghe.

Võ Văn Kiệt nói:

– Tôi hỏi anh Sáu, nếu cho nó vào đây, rồi nó ở lại , không chịu đi nữa, anh Sáu làm cách nào?

Lúc bấy giờ Lê Đức Thọ như mới tỉnh ra…

Về Hà Nội, Lê Đức Thọ báo cáo lại với Lê Duẩn. Lê Duẩn im lặng nhìn Lê Đức Thọ một lúc rồi nói:

– Sáu Dân có cái lý của nó. Nếu như thằng Tàu vào cảng Sài Gòn, nó ở lại, không chịu ra, chẳng lẽ ta đánh, ta bắt … nó. Lúc ấy nó lu loa lên… Thế là ta tạo cớ cho nó mang quân sang xâm lược nước ta… (*)

Có lẽ đây là lý do khiến cho Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư thành ủy TP.HCM Nhân tại buổi tiếp xúc cử tri Quận 2 chiều 20/6 cũng phải nói toẹt ra rằng: 'Tôi nói giọng Bắc, nhưng tôi người Nam, tôi không gạt bà con đâu" (bit.ly/2IsvKrR). Vì cũng có thể ông Nhân cũng muốn nói "Chỉ những người nói giọng Bắc mà chính gốc là người Bắc thì mới gạt bà con" để ám chỉ ai đó (!?)

Ngày 26 tháng 06 năm 2018

© Kami

* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA