You are here

Phục dựng lòng tín ái

Nói nghe to tiếng nhưng thật sự, chưa bao giờ người Việt cần phục dựng lòng tín ái hơn lúc này. Bởi qua nhiều biến cố xảy ra, không riêng gì ở giai đoạn Cộng sản xã hội chủ nghĩa, mà ngay từ trước, từ nếp tư duy phong kiến và phụ thuộc, người Việt đang dần mất đi những tự tình dân tộc và thay vào đó là hàng loạt hệ hình về văn hóa, chính trị, xã hội vừa lai căn vừa đi dần đến chỗ vong bản.

Đương nhiên, mỗi hệ hình đều có tính phát sáng của nó đối với một dân tộc qua nhiều thế kỉ sống trong bóng tối nô lệ, nồi da xáo thịt và kém văn minh như Việt Nam. Nhưng cái gì cũng có tính hai mặt của nó. Nếu như ở phía bắc, Cộng sản như một lời hứa hẹn để phá tan cái không gian trì trệ sau nhiều năm Nam – Bắc chia lìa và mất phương hướng thì ở miền Nam, món hàng xuất khẩu của người Mỹ gồm Thị Trường, Vũ Khí và Nhân Quyền cũng đóng vai trò khai phóng vùng đất vốn dĩ khô hạn về chủ nghĩa và có sẵn lòng hào hiệp bản địa.

Hiện tại, sau nhiều chu kì nhập khẩu món hàng Nhân Quyền của Mỹ quốc vào Việt Nam nhưng có vẻ như món hàng này không hoặc chưa phù hợp với khẩu vị của người Việt. Và nó chỉ hợp với một số ít những người thuộc tầng lớp trí thức, thượng lưu và văn nghệ sĩ tỉnh thức với đất nước. Số đông còn lại, hoặc là hiểu nhầm khái niệm, hoặc là không biết gì và thả sức phung phí những giá trị tự do, nhân quyền (mà một nhóm nhỏ đã nỗ lực để có được) bằng chuỗi hành vi có tính bản năng. Và giá trị tự do, nhân quyền thêm phần khủng hoảng.

Những cuộc biểu tình nhanh chóng rơi vào bạo động hoặc thụ động. Nếu như các cuộc biểu tình ở Bình Thuận rơi vào bạo động bởi nguyên nhân tức nước vỡ bờ của người dân chịu quá nhiều cay đắng, thiệt thòi và thấp cổ bé miệng... Thì những cuộc biểu tình kêu gọi chống Trung Quốc, bảo vệ môi trường hay bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải và chống đặc khu, chống luật an ninh mạng... của nhân dân ở các thành phố, tỉnh thành Việt Nam nhanh chóng bị dập tắt bởi bạo lực nhà nước. Mọi thứ tại Việt Nam hiện nay, nhìn theo chiều kích nào vẫn thấy đều bị giải quyết theo khuynh hướng bạo lực, nếu nhân dân không đủ bạo lực thì nhà nước cũng thừa bạo lực. Bạo lực như một trái phá nhằm chấm dứt những xung động xã hội.

Và đây cũng là mấu chốt để giải thích vì sao món hàng nhập khẩu từ Mỹ Quốc có tên Nhân Quyền lại không thể tồn tại được trên đất nước Việt Nam mà món hàng nhập khẩu từ phía bắc như Liên Xô, Trung Quốc với cái tên Độc Tài Cộng Sản lại nhanh chóng bén rễ và sinh trưởng trên mảnh đất hình chữ S này! Lẽ nào từ căn nguyên, người Việt đã quen với tính ác và mọi giá trị thiện lương đều không có đất sống ở đây?!

Và dù nhìn như thế nào thì có một thực tế phũ phàng là những giá trị văn minh chưa bao giờ có cơ hội bén rễ một cách toàn triệt trên mảnh đất Việt Nam mà nó chỉ thấm nhuần ở một bộ phận tiến bộ. Vấn đề này có hai nguyên nhân: Nội tại dân tộc và Ngoại cảnh dân tộc. Nhưng cả hai nguyên nhân này thực tế cùng nằm trong một tập hợp Tâm Tính Dân Tộc Việt Nam.

Về vấn đề nội tại dân tộc, người ta buộc phải đặc câu hỏi về khả năng tiếp nhận, lĩnh hội của người dân, của mỗi tế bào, mỗi cá thể trong Việt Tộc trước những mô thức xã hội từ bên ngoài. Hay nói khác đi là khả năng tiếp nhận Dân Chủ, Nhân Quyền với khả năng tiếp nhận Độc Tài Cộng sản, khả năng nào cao hơn?!

Và thật đáng tiếc khi xét chiều dài lịch sử Việt Nam, trên góc độ nội tại dân tộc thì có vẻ như khả năng tiếp nhận độc tài, tiếp nhận một mô thức kìm kẹp, ác ôn lại cao hơn khả năng tiếp nhận mô thức tiến bộ của tự do, nhân quyền. Và cái câu cửa miệng của người Việt khi tự thấy “tự do trong khuôn khổ” hoặc sống ở thế kỉ 21, thời đại cộng sản nhưng hành xử theo nguyên tắc, lý lẽ của luật nhà Nguyễn và Hồng Đức Luật, từ việc trọng nam khinh nữ cho đến tính gia trưởng, tính đề cao gia tộc... là một hiển nhiên đã minh chứng cho điều đó.

Đáng sợ hơn là hiện tại, trong các đám cưới, đám giỗ, ma chay, ngay cả người dân thành phố cũng luôn có câu mào đầu khi thư trình: “Kính thưa các cấp chính quyền địa phương” rồi sau đó mới tới ông bà, người cao tuổi, thân bằng quyến thuộc. Và đáng sợ hơn là “Nhờ sự đồng ý và ưng thuận của các cấp chính quyền địa phương mà con cháu chúng tôi được lấy nhau/ cha mẹ, ông bà chúng tôi được yên nghỉ (chết)...”. Đây là sự thật! Một sự thật cho thấy khả năng chịu đựng và tự chui đầu vào tròng của đại bộ phận nhân dân Việt Nam không phải là thấp!

Về mặt ngoại cảnh dân tộc, có thể nói rằng chủ nghĩa Cộng sản với lối tư duy độc tài, độc đoán và vô thần của họ một khi đã áp đặt lên quốc gia nào thì lập tức nơi đó trở thành vùng đất chết của tri thức, giá trị con người và giá trị văn hóa. Việt Nam không là ngoại lệ của tai họa này. Chủ trương, đường lối lãnh đạo hà khắc, bưng bít và đóng cửa bằng mọi cách, mọi phương thức cũng như lối giáo dục tuyên truyền đầy thù hận của nhà nước đã nhanh chóng đẩy nhiều thế hệ dân tộc Việt Nam vào cửa tử. Hành xử man rợ, máu lạnh và tham vọng không còn phân biệt phải trái, giá trị đạo đức, lương tri bị hạ xuống mức thấp nhất khi chủ nghĩa Cộng sản cũng như các giá trị độc tài, độc đoán của họ tăng cao.

Và chủ trương độc tài, độc đoán, vô thần của người Cộng sản nhanh chóng đẩy dân tộc Việt Nam đến chỗ tai điếc, mắt mù, chân không vững. Chính vì tai điếc nên không nghe thấu những giá trị tâm hồn, chính vì mắt mù nên không nhìn rõ giá trị của văn minh, tiến bộ và tự do, chính vì chân đi không vững nên người ta không bao giờ đủ dũng khí để nhận định cái đúng để đấu tranh và bảo vệ nó một cách toàn triệt. Và cũng vì chân đi không vững nên người ta dễ dàng run sợ trước bạo quyền, dễ dàng làm con rùa rụt cổ và người ta tự đánh mất dần lòng tín ái.

Khi đánh mất lòng tín ái, người ta có thể làm chung một công việc, ngồi chung một bàn cà phê, bàn nhậu, thậm chí ở chung một phòng... nhưng người ta không những không tin nhau mà còn đặt đối phương vào tình trạng khả nghi. Khi đánh mất lòng tín ái, người ta có thể dùng những mỹ từ để bốc thơm nhau một cách không biết ngượng nhưng người ta cũng sẵn sàng thanh trừ nhau nếu thấy điều đó là cần thiết và phát sinh tư lợi. Khi đánh mất lòng tín ái, người ta có thể ngồi chung một chiến tuyến nhưng không chung một điểm đến, mục đích hay lý tưởng. Và điều này gây ra sự xáo trộn dẫn đến khủng hoảng dân tộc.

Cho đến thời điểm hiện nay, sau hai tuần dài kể từ khi các cuộc biểu tình trên khắp đất nước diễn ra vào ngày 10 tháng 6 năm 2018, sau đó là biểu tình bạo động ở Bình Thuận và an ninh siết chặt khắp mọi nơi... Việt Nam không có thêm cuộc biểu tình nào nữa ở các thành phố lớn. Và có một vấn đề dễ nhận biết nhất là các cuộc biểu tình, hoặc là người dân đi đến bạo động, hoặc là nhà nước dùng bạo lực. Và ở cả hai khía cạnh này, nguyên nhân bạo động ban đầu được xác định là do nhà nước kích hoạt.

Trước, trong và sau mỗi cuộc biểu tình hay những biến động xã hội Việt Nam, người chịu thiệt thòi nhiều nhất vẫn là nhân dân và kẻ thụ hưởng những món lợi lộc bao giờ cũng là các nhóm đầu tư mang yếu tố Trung Quốc. Nói như vậy để thấy dân tộc Việt Nam đang lâm nguy đến mức độ nào. Nhà nước, đảng Cộng sản đóng vai trò tay sai và công cụ cho Trung Quốc. Người dân thì đã nhiễm quá nặng tập khí thù hận và bạo động, các giá trị nhân quyền, tự do trở thành thứ xa xỉ và ít phù hợp, nếu không muốn nói là không phù hợp. Hay nói cách khác, lòng tín ái đã vắng bóng trên dải đất hình chữ S này!

Và bây giờ, ngay lúc này, nếu muốn dân tộc này tồn tại, vấn đề qua trọng nhất là phải tự phục dựng Lòng Tín Ái. Nếu không làm được điều này, chúng ta sẽ không còn đất sống!