You are here

Đặc khu và những giả định sau 99 năm

Chuyện quốc hội Việt Nam đang thảo luận để đi đến bấm nút cho nước ngoài thuê đặc khu lên thời hạn 99 năm có vẻ như không còn mới cho đến thời điểm này, khi mà các phương tiện thông tin, các trang mạng xã hội đồng loạt bày tỏ phản ứng, không chấp nhận cho thuê. Và các phân tích của các nhà văn Tạ Duy Anh, Nguyễn Quang Thiều, Hoàng Quốc Hải, họa sĩ Bắp… Và có một bản điều trần mang số hiệu 99 của các nghệ sĩ, trí thức Việt Nam gửi đến chính phủ, quốc hội và nhà nước Việt Nam. Mọi sự nóng đến mức không thể nóng hơn, nhưng có vẻ như mọi chuyện vẫn đâu vào đấy!

Một số video clip trên facebook, you tube cho thấy hai ngày nay, có một số đoàn xe chạy từ Trung Quốc vào thẳng khu Vân Đồn, trên xe treo biểu ngữ “Chúng tôi đến đây hợp tác và đầu tư”. Mặc dù luật đặc khu vẫn chưa hình thành nhưng có vẻ như mọi chuyện đã đâu vào đấy! Và khi chuyện này diễn ra, có thêm vài giả định về các đặc khu này sau 99 năm nữa.

Tôi xin nhấn mạnh, 99 năm, theo đà sinh đẻ của người lao động Việt Nam và lao động Trung Quốc hiện nay thì nó có thể đi qua ngót nghét 4 thế hệ, thậm chí gần 5 thế hệ chứ không phải 3 thế hệ như một số bài viết đã đặt giả thuyết. Và trong thời đại mọi thứ có thể thay đổi như tên bay, thậm chí nhanh hơn cả tên bay thì ít ai đoán được chuyện gì sẽ xảy ra sau 99 năm nữa.

Chỉ xin lấy con số một nửa thời gian 99 năm, tức là cái mốc từ 1975 đến nay, sau khi Chủ nghĩa Cộng sản (mang đậm tố chất Trung Cộng và Liên Xô Cộng) tràn vào miền Nam đến nay thì có những đổi thay gì?

Một miền Nam cào bằng theo chính sách kinh tế tập trung bao cấp mãi cho đến giữa năm 1986.

Một Việt Nam cởi trói nửa vời về kinh tế và không thoát khỏi tăm tối bởi chính sách độc tài mọi mặt, trong đó độc tài thông tin khiến cho mọi thứ càng ngày càng thụt lùi.

Mãi đến những năm giữa thập niên 1990, cụ thể là năm 1997, internet có mặt tại Việt Nam, một trái bộc phá thông tin đa chiều hình thành trong nhân dân. Nhưng cơ chế nhà nước không những không mở rộng mà càng ngày càng thít chặt hơn như một sự cố gắng tuyệt vọng.

Vinashin, Vinalines hình thành dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với hàng loạt những lời có cánh nào là “quả đấm thép”, “mũi nhọn kinh tế chiến lược”… Để rồi sau đó chưa đầy 20 năm, nó là những đống sắt vụn vô thừa nhận và những tập đoàn này thành những con nợ đe dọa kinh tế quốc dân. Người khởi xướng thành lập Vinashin, Vinalines về hưu, coi như xong chuyện.

Chưa dừng ở đó, dưới thời Thủ tướng Dũng, bauxite Tây Nguyên và Formosa cũng thành hình với rất nhiều hứa hẹn về sự giàu mạnh của Việt Nam. Nhưng đến thời điểm hiện nay, nó là những quả bom tàn phá môi trường và sát hại tài nguyên Việt Nam, không để lại mối lợi nào cho dân tộc, quốc gia, thậm chí gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia nữa là khác.

Và trong thời gian chưa đầy hai mươi năm, có hàng loạt vấn đề về chủ quyền quốc gia, an ninh biển đảo, biến cố môi trường, tài nguyên, khoáng sản cũng như sự băng hoại, mất phương hướng của nhiều lớp trẻ Việt Nam bởi yếu tố xô bồ của xã hội Việt Nam cũng như những tác động từ người anh em “bốn tốt mười sáu vàng” phương Bắc.

Sau chưa đầy 20 năm, trong đó càng về sau, mức độ càng trầm trọng hơn, hàng loạt các tô giới, các nhà máy nhiệt điện mọc ra và cũng có hàng chục ngàn đứa trẻ lai Trung – Việt (mang dòng máu cha là Trung Quốc, máu mẹ là Việt Nam) ra đời. Con số trẻ lai Việt – Trung hiện nay có thể đã nhiều gấp đôi trẻ lai Mỹ - Việt trước 1975. Đây là con số đáng báo động!

Và đây cũng chỉ là con số tròm trèm nằm lọt thỏm trong vòng cương tỏa của nhân dân cũng như trong sự quan sát tối thiểu có được của nhà nước Việt Nam. Liệu khi mà trữ lượng USD dự trữ của Trung Quốc đã lên đến hàng chục ngàn tỉ gồm nhà nước và doanh nhân của họ, họ có thể mua được bất kỳ đặc khu nào trên đất nước Việt Nam, giả sử đặc khu đó đã được mua bởi một quốc gia khác trước đó thì họ vẫn có thể mua lại theo thỏa thuận mới… Một khi người Trung Quốc được hưởng mọi qui chế tự do của đặc khu trên đất Việt Nam và họ có thể đi lại, giao lưu. Làm ăn tự do, với túi tiền rủng rỉnh, họ sẽ lai tạo được bao nhiêu đứa con lai mang dòng máu cha Trung mẹ Việt?

Đó là quan sát ở thế hệ chúng ta, liệu có ai dám bảo đảm rằng sau 20 năm nữa, rồi 40 năm, 60 năm, những đứa con lai cha Trung mẹ Việt bây giờ không nắm lấy những chức vụ trọng yếu trong chính phủ Việt Nam? Và Liệu lúc đó, giả sử như Việt Nam có được hệ thống luật chặt chẽ, bảo toàn được quốc gia, dân tộc thì những đứa con lai (với sự dìu dắt, đỡ đầu từ các đặc khu, từ mẫu quốc đã nghiễm nhiên thành quan chức cao cấp Việt Nam) có chịu để yên hệ thống luật đó hay không?

Rồi 40 năm sau? 60 năm sau? 80 năm sau? Chuyện gì sẽ xảy ra tại Việt Nam khi mà mọi thứ mang yếu tố Trung Quốc đã có mặt đầy đủ tại Việt Nam. Thử nghĩ, chỉ mới chưa đầy nửa thế kỉ, với một hệ thống Cộng sản dù sao đi nữa cũng được xem là “thuần Việt”, có lai căn chút ít Liên Xô và sau đó là Trung Cộng mà đất nước đã nhuộm đầy sắc màu Trung Hoa, thì liệu khi các đặc khu, các đầu mối phân phối tiền bạc, quyền lực và nhân chủng được đặt ngay trên đất Việt Nam thì chuyện gì sẽ xảy ra?

Những giả định này, mặc dù nó dưới tên gọi là “giả định” nhưng thực tế cho thấy Việt Nam sẽ đi đến đích đó, thậm chí còn thê thảm hơn cái đích mà các giả định này đặt ra. Và chỉ có những kẻ nhắm mắt nhắm mũi bán nước thì mới nghĩ đến chuyện thông qua luật đặc khu trong lúc này.

Trừ một trường hợp, trong luật đặc khu, các vị khoanh vùng, không cho nhà đầu tư Trung Quốc tham gia mua bán ở đây và cũng không cho bất kì nhà đầu tư nào mang yếu tố Trung Quốc bén mảng đến đặc khu! Nhưng đó chỉ là sự tưởng tượng mơ hồ. Bởi sự hình thành đặc khu cũng như sự cuống quýt của bà chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trong việc thông qua luật đặc khu đã cho thấy các vị cũng rặt một phường bán nước. Và các vị ít sợ xấu hổ với lịch sử, ít sợ lịch sử nguyền rủa bởi các vị nghĩ rằng sau 99 năm nữa, quí vị chẳng còn mang họ Nguyễn, họ Hồ hay họ Trần… gì đó nữa. Các vị có thể là Michel, Chris… hay Sùng, Phù, Đàm… gì đó!

Nhưng các vị cũng đừng quên, khi con cháu các vị có thể coi khinh các vị thì con cháu người khác có thể coi khinh và chà đạp các vị không thương tiếc. Và các vị cũng đừng nhân danh nhân dân. Bởi động cơ nhân danh nhân dân, mượn tay quốc hội để đánh xoáy vào việc thông qua luật đặc khu là một cách đánh lận con đen, mọi chuyện đổ thừa do nhân dân quyết định (thông qua quốc hội) theo kiểu nói của Nguyễn Sinh Hùng trước đây.

Nhưng, chuyện khôn lõi bây giờ có vẻ không còn hợp thời nữa! Nhất là khôn lõi để bán đứng quốc gia, dân tộc, cho dù có lạn lách kiểu gì thì mọi thứ vẫn cứ phơi ra trước ánh sáng! Và sau 99 năm nữa, ai dám đảm bảo mồ mả, hũ tro của các đại biểu quốc hội hôm nay không bị tụi trẻ nít phương Bắc mang ra chơi, phá phách, đái vào… Bởi đó là lịch sử, mà không có thứ gì không thể diễn ra bên dưới sức mạnh sử lịch!