You are here

Tại sao cuộc chiến chống tham nhũng của Tổng Bí thư Trọng là sai sách và thiếu chính nghĩa?

Việc chiều ngày 8/12/2017, cơ quan bảo vệ pháp luật đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Đinh La Thăng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM, phó trưởng Ban Kinh tế trung ương, để điều tra về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng là một tin khá bất ngờ.

Nếu quan sát các động thái trước đó của Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng và phe cánh của ông ta qua các thông tin từ truyền thông nhà nước sẽ thấy, họ không chỉ bỏ qua việc cách chức Ủy viên TW đảng của ông Thăng để dọn đường cho việc khởi tố (theo quy định của Điều lệ đảng), điều lẽ ra cần thiết phải làm tại Hội nghị Trung ương 6. Mà ông Nguyễn Phú Trọng còn "giả nai", khi xuống thang kêu gọi các đồng chí đã chót nhúng chàm thì phải biết sửa chữa khuyết điểm, thậm chí ông Trọng còn an ủi thân tình, "cốt đánh thức người ta dậy, đừng vi phạm pháp luật, mở đường cho người ta tiến tới mới là thành công". Ít ai biết được thâm ý của ông Trọng là nói một đường nhưng làm một nẻo, chỉ nhằm một mục đích duy nhất là Đinh La Thăng sẽ không bỏ trốn như các đàn em. Và chính ông Đinh La Thăng đã bị mắc mưu.

Việc tiến hành các thủ tục bắt giữ ông Đinh La Thăng được tiến hành theo phương châm bí mật, bất ngờ đến phút cuối, kể cả việc chọn thời điểm bắt là ngày cuối tuần để tránh các áp lực từ dư luận xã hội cũng đã cho thấy điều đó. Cụ thể, chiều 8-12 tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã họp phiên thứ 18 bất thường dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, để thảo luận về tư cách đại biểu Quốc hội của ông Đinh La Thăng. Sau khi nghe viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đọc tờ trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, tiến hành biểu quyết với tỷ lệ nhất trí cao thông qua Nghị quyết. Ngay sau đó, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Đinh La Thăng để điều tra. Đồng thời khi có quyết định khởi tố và lệnh bắt tạm giam trên, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đã ký quyết định đình chỉ sinh hoạt Đảng đối với ông Đinh La Thăng, Phó trưởng Ban Kinh tế trung ương. Và tối cùng ngày Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an tiến hành khám xét nhà riêng của ông Thăng để thu thập các tài liệu liên quan phục vụ công tác điều tra.

Ông Đinh La Thăng bị khởi tố vì có những vi phạm nghiêm trọng trong việc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) góp vốn 800 tỉ đồng vào Ngân hàng Cổ phần Đại dương (OceanBank) và mất trắng số tiền này.Ông Đinh La Thăng cũng bị điều tra vì liên quan đến vụ án cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; tham ô tài sản (Điều 278 Bộ luật Hình sự) xảy ra tại Tổng Công ty Xây lắp dầu khí (PVC) liên quan Dự án Nhiệt điện Thái Bình II. Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương, ông Thăng phải chịu trách nhiệm trong việc chấp thuận cho PVC được miễn bảo lãnh thực hiện hợp đồng đối với công trình, dự án do Tập đoàn chỉ định cho PVC thực hiện.

Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 có hiệu lực từ 1-1-2018, đã bỏ quy định về Tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọn. Nhưng ông Đinh La Thăng đã bị khởi tố, bắt giam để điều tra về hành vi nói trên ngày 8/12/2017 thì theo Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, liên quan đến Điều 165, “những vụ án khởi tố trước 1-1-2018 thì vẫn xử theo Điều 165”. Đó là lý do chính vì sao họ đã bắt ông Đinh La Thăng tại thời điểm này.

Dưới tựa đề "Niềm tin vào kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước", báo QĐND (bit.ly/2AJqO1E)  số ra ngày 9/12/2017 khẳng định "Việc ông Thăng bị khởi tố hình sự thêm một lần chứng minh, khẳng định ý chí quyết tâm và nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân ta, đặc biệt là Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong việc ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, góp phần làm trong sạch bộ máy Đảng, Nhà nước, mang lại niềm tin cho nhân dân." Điều đó đã cho thấy mọi nỗ lực của ông Trần Đại Quang trong việc khẳng định vị thế thống lĩnh các lực lượng vũ trang trong những ngày trước Hội nghị APEC ngày càng tỏ ra vô vọng. Dầu rằng ông Trần Đại Quang cũng đã nắm khá chắc người đồng hương là Tổng tham mưu trưởng - Thượng tướng Phan Văn Giang. Đừng quên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Đại tướng Ngô Xuân Lịch cũng là dân gốc Hà Nam Ninh.

Trong những ngày này người ta thấy sự vắng bóng đáng ngờ của Chủ tịch Nước Trần Đại Quang, điều này có liên hệ gì với việc ông Đinh La Thăng bị khởi tố và bắt giam. Quan hệ giữa Đinh La Thăng và Trần Đại Quang không đơn giản là quan hệ đồng hương, mà là mối quan hệ chặt chẽ ở mức đầu não của nhóm chính trị Ninh Bình. Một phe nhóm chính trị trong nội bộ đảng CSVN chỉ ít lâu trước đây, từ vai trò điều chỉnh cán cân quyền lực trong cuộc đấu Trọng - Dũng, rồi trở thành đối thủ của ông Trọng khi cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chính thức thất thế. Trần Đại Quang nhanh chóng phát hiện ra người đồng hương Đinh La Thăng là một mỏ tiền và Thăng đã nhanh chóng trở thành tay hòm chìa khóa của nhóm chính trị Ninh Bình. Việc tại Đại hội 12, ông Trần Đại Quang bằng mọi nỗ lực cộng với số tiền nhiều triệu USD rải đường, để đưa Đinh La Thăng vọt lên chức Ủy viên Bộ Chính trị khóa 12. Không chỉ thế, Đinh La Thăng còn nhảy tót chễm chệ ghế Bí thư Thành Ủy TP. HCM cùng với nhiều đồn đoán Thăng sẽ trở thành Tổng Bí thư trong tương lai không xa. Điều này đã khiến số đông ban lãnh đạo Việt Nam tỏ ra bất bình, cộng với việc Đinh La Thăng thiếu thân thiện với Trung Quốc như báo Tuổi trẻ đưa tin (bit.ly/2kSbDxj). Đó cũng là lý do vì sao Đinh La Thăng lãnh một kết cục bi thảm như ngày hôm nay.

Theo báo Tuổi trẻ (bit.ly/2jc9MTm), Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận một trong những vi phạm nghiêm trọng của ông Đinh La Thăng, "Chấp hành không nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc kiểm điểm trách nhiệm để Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) thua lỗ nghiêm trọng. Theo đó đã thiếu trách nhiệm trong việc tham mưu cho Đảng ủy Tập đoàn ban hành Nghị quyết số 233/NQ-ĐU, ngày 17-8-2009 có nội dung không phù hợp với quy định của pháp luật, không đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, dẫn đến Hội đồng Thành viên, Ban Tổng Giám đốc Tập đoàn và các tổng công ty thành viên quyết định chỉ định nhiều gói thầu trái pháp luật.". Điều đó có thể thấy rằng, trách nhiệm của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã được loại trừ trong vụ để xảy ra thua lỗ nghiêm trọng của Trịnh Xuân thanh tại Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC).

Nói đến chuyện Ba Dũng thì cũng nói thêm, việc xâu chuỗi mắt xích Thanh - Thuận - Thăng để đích cuối cùng là bắt cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của ông Trọng hòng rửa nhục là tham vọng và điều có thật. Tuy nhiên thế và lực của ông Dũng bây giờ cũng ở thế cùng, lực kiệt, cứ trông vào đám tang thân mẫu của ông Dũng thì cũng rõ.

Trên mạng ngay sau khi ông Đinh La Thăng bị bắt, người ta thấy xuất hiện bức hình Tổng Bí thư Trọng và ông Đinh La Thăng "bá vai bá cổ" bên lề Đại hội 12 và kết luận "Chính trị Việt Nam bây giờ bạc ác". Thực ra chuyện tương tự như thế là chuyện hết sức phổ biến trong giới chính trị gia, chả riêng gì ở Việt Nam. Chính vì thế mới có câu không có kẻ thù cũng như đồng minh vĩnh viễn. Tuy vậy chuyện đám tang thân mẫu của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hầu như không có sự có mặt của các quan chức cao cấp vốn là tay chân của ông Ba Dũng trước kia, cũng như chuyện truyền thông nhà nước lờ tịt khi đưa tin này. Tuy nhiên, cha ông ta đã dậy, "ăn tìm đến, đánh nhau tìm đi" thì cũng chả nên trách họ hay trách ông Ba Dũng. Chỉ nên hiểu rằng, khi thế đang mạnh mà đồng chí 3X rủ lòng thương đấy chính là tự sát.

Từ những vấn đề vừa nêu cho thấy, kẻ sẽ bị trảm tiếp theo sẽ là Chủ tịch Nước Trần Đại Quang chứ không phải đồng chí 3X. Dẫu rằng thâm tâm của Tổng Bí thư Trọng rất muốn nhân cơ hội này, sau khi bắt Thanh - trảm Thăng rồi diệt Dũng để báo thù trả hận. Nhưng ý chí của ông Nguyễn Phú Trọng dẫu ngàn lần cũng không bằng một ý kiến của họ Tập khẳng định phải diệt Dũng. Tin tức về Kiên Giang - Phú Quốc của con trai cả ông Dũng là Nguyễn Thanh Nghị gần đây nhiều phen trồi, sụt nhưng vẫn đứng vững thì ít có khả năng bị trảm. Nhất là khi Thái thượng Hoàng Lê Đức Anh còn sống sờ sờ thì khó ai có thể động đến Ba Dũng, trừ khi đó là ý chí của Bắc Kinh.

Dư luận xã hội đánh giá cao việc khởi tố và bắt tạm giam đối với ông Đinh La Thăng, vì dẫu cuộc đấu tranh chống tham nhũng trong nội bộ đảng CSVN thực chất chỉ là chống tham nhũng một phía - một bên. Mà bản chất sâu xa của nó là cuộc chiến tranh chấp quyền lực giữa các phe nhóm trong nội bộ đảng. Song những con sâu dân mọt nước như Đinh La Thăng và đồng bọn xứng đáng phải chịu trách nhiệm về các hành động cũng như các quyết định gây thiệt hại hàng chục tỷ USD.

Tuy nhiên việc thế và lực của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lớn mạnh bất thường trước các kỳ Hội nghị Trung ương13, 14 - Khóa 11, nhất là kể từ sau chuyến thăm và báo cáo của ông Nguyễn Sinh Hùng đến Bắc Kinh cuối năm 2015, khi Quốc vụ viện Trung Quốc thông qua nghị quyết cho phép quân dội Trung quốc đưa quân ra nước ngoài để bảo vệ thành quả của Chủ nghĩa Xã hội. Nghĩa là Trung Quốc tỏ ý sẽ can thiệp bằng quân sự nếu ở Việt Nam ngôi vị của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bị đe dọa. Đó là chưa kể đến việc có tin cho biết, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cử một đoàn cố vấn Trung Quốc 59 người có mặt tại Hà Nội từ cuối năm 2016, để trực tiếp tham mưu, cố vấn cho Tổng Bí thư Trọng trong việc chỉnh đốn đảng.

Chính vì thế có thể kết luận, công cuộc chỉnh đốn đảng hay chống tham nhũng mà ông Nguyễn Phú Trọng đang tiến hành dưới sự bảo trợ của Bắc Kinh cũng chỉ là hành động "cõng rắn, cắn gà nhà". Người ta chưa thể thống kê hết thiệt hại về môi trường, đời sống kinh tế - xã hội do Forrmosa Hà Tĩnh gây ra là bao nhiêu chục tỷ? Song những kẻ tội đồ như Hoàng Trung Hải, Võ Kim Cự thì vẫn bình chân như vại. Vì thế trong giới lãnh đạo ở Việt Nam hiện có xu hướng sống và hành động theo phương châm "Thờ Tầu thì sống, chống Tập là chết". Điều đó cho thấy, việc chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng là một hành động thiếu chính nghĩa không đáng được ủng hộ.

Một câu hỏi được đăt ra là, công cuộc chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ thành công hay không? Câu trả lời là không! Vì việc chống tham nhũng mà không dựa trên một nền tảng tảng pháp quyền, bằng luật pháp, mà chống tham nhũng chỉ là hình thức dựa vào ngoại bang nhằm thanh trừng, đấu đá phe nhóm, sử dụng các biện pháp bắt bớ, tù đày thì không bao giờ sẽ xử lý được. Vả lại chống tham nhũng theo kiểu thanh trừng đấu đá như thế, rồi sẽ một ngày phe ông Trọng hiện đang thắng thế trở thành thất thế, thì sự báo thù của phe thất thế ngày hôm nay sẽ là tất yếu. Và cuộc chiến "chống tham nhũng" kiểu như hiện nay ở Việt Nam sẽ không có hồi kết. Nghĩa là nội bộ đảng CSVN vẫn mãi đấu đá triền miên.

Ngày 10 tháng 12 năm 2017

© Kami

* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA