You are here

Quan niệm cần thiết về Hiến pháp Dân chủ (tiếp theo)

Ảnh của nguyenvubinh

...

2/ Tâm lý tôn sùng và gánh nặng của hiến pháp

Chúng ta đều biết được vai trò của hiến pháp trong xây dựng thể chế dân chủ và dẫn dắt đời sống người dân. Khi có quan niệm đúng, xác định chính xác thể chế dân chủ cần xây dựng, hiến pháp phát huy tác dụng và đem lại những lợi ích to lớn. Nhưng trường hợp ngược lại, tức là quan điểm về nội dung dân chủ cũng như cách thức xây dựng thể chế dân chủ chưa được chuẩn xác, thì hiến pháp ngoài việc không giúp ích gì cho con người có tự do mà còn là gánh nặng, gây khó khăn rất lớn cho những thay đổi cần thiết. Bài viết: “Một cách tiếp cận mới trong xây dựng thể chế dân chủ” có đề cập, trong số 150 quốc gia có thể chế dân chủ, mới chỉ có chưa đầy 30 quốc gia người dân được tự do, còn 120 quốc gia có thể chế dân chủ, nhưng người dân chưa được tự do. Như vậy, giả sử rằng, nếu như 120 quốc gia này có những nhận thức khác, thay đổi quan điểm về nội dung và cách thức xây dựng thể chế dân chủ, thì với hiến pháp hiện hành, việc thay đổi đó có được thực hiện thuận lợi, dễ dàng hay không? Câu trả lời là không vì chính các bản hiến pháp, hay nói đúng hơn, là vì tâm lý tôn sùng hiến pháp.

Các hiến pháp dân chủ, thường đến sau các cuộc cách mạng lật đổ, hoặc chế độ độc tài sụp đổ. Nhân dân chỉ nhìn thấy các quốc gia dân chủ hàng đầu trên thế giới với các bản hiến pháp ổn định mấy trăm năm. Việc thuê các chuyên gia hàng đầu, từ chính các quốc gia dân chủ họ mơ ước để viết ra bản hiến pháp càng làm cho người dân yên tâm, và họ mặc định đó là những điều tốt đẹp nhất, không cần phải thay đổi hoặc rất nên hạn chế thay đổi hiến pháp. Không chỉ vậy, rất nhiều người còn có tâm lý, quan niệm rằng, chỉ sửa đổi, thay đổi hiến pháp khi có những biến cố lớn trong đời sống xã hội. Tâm lý tôn sùng và đóng đinh hiến pháp chính là một gánh nặng mà hiến pháp đem lại.

Một trong các lý do hiến pháp khó sửa đổi, thay thế nữa, đó là khi hiếp pháp chưa bao quát hết được những vấn đề cốt lõi, quan trọng nhất thì nó sẽ tạo ra những lỗ hổng, khoảng trống pháp luật để các nhóm lợi ích, thành phần cơ hội có thể lạm quyền, trục lợi. Quyền và lợi song hành một thời gian sẽ dẫn tới sự câu kết lợi ích. Những cá nhân, nhóm người và tập đoàn khai thác, trục lợi từ chính những thiếu sót, méo mó trong hiến pháp sẽ không dễ dàng chấp nhận sự thay đổi, sửa đổi hoặc thay thế hiến pháp hiện hành.

Trong các bản hiến pháp dân chủ, việc quy định các điều luật bám sát cuộc sống, sự thay đổi theo từng thời điểm, hoàn cảnh nội hàm các đạo luật là có, và người ta căn cứ vào đó để điều chỉnh cuộc sống và pháp luật. Tuy nhiên, các quy định sửa đổi, thay đổi và thay thế của bản thân hiến pháp, hoặc những đạo luật cơ bản trong hiến pháp lại rất hạn chế và rất ngặt nghèo. Đây là một trong số những bất cập đáng lo ngại nhất của các hiến pháp dân chủ. Hầu như các quốc gia đều ít nhiều chịu đựng những bất cập này. Nếu như trước đây, thoát khỏi ách độc tài đối với nhiều quốc gia đã là một giác mơ lớn biến thành hiện thực. Nhưng ngày càng có nhiều dẫn chứng về việc, một quốc gia thoát khỏi ách độc tài hoàn toàn không đồng nghĩa với việc quốc gia đó đương nhiên có dân chủ, và người dân đương nhiên được tự do. Con số 120 quốc gia có thể chế dân chủ nhưng người dân chưa thực sự được tự do, cùng với những xáo trộn lớn tại các quốc gia này đang ngày càng cho thấy nội hàm dân chủ và cách thức xây dựng thể chế dân chủ ở các quốc gia có vấn đề nghiêm trọng. Như vậy là, với chức năng của mình, mặc nhiên các hiến pháp dân chủ cũng chịu trách nhiệm cho tình trạng này. Nhưng điều đáng lo ngại nhất, không phải là vấn đề trách nhiệm, mà chính là khả năng tự sửa đổi, thay thế của hiến pháp dân chủ ở các quốc gia này...

(còn nữa)

Hà Nội, ngày 27/10/2017

N.V.B