You are here

Đinh La Thăng và sự bỡn cợt với công lý nên hiểu thế nào cho đúng?

Tôi hoàn toàn thất vọng sau khi đọc bài viết "Đinh La Thăng chễm chệ trong QH: Sự bỡn cợt với công lý" của tác giả Huy Đức (http://bit.ly/2zEGLSZ), sự thất vọng ở đây không xuất phát từ việc Huy Đức không mấy fair-play là đeo bám Đinh La Thăng chặt tới mức không chịu nhả ra, vốn dĩ là bản tính thù dai, nhớ lâu của nhà báo này. Mà thất vọng bởi một bài báo dài 986 chữ thì chỉ duy nhất có cái tựa đề "Đinh La Thăng chễm chệ trong QH: Sự bỡn cợt với công lý" là tạm chấp nhận được.

Ngay từ đoạn mở đầu, Huy Đức đã cằn nhằn rằng, "Vẫn biết, truy cứu trách nhiệm hình sự bất cứ ai cũng phải được tiến hành thận trọng, nhưng sau khi Nguyễn Xuân Sơn bị tuyên án tử hình; Ninh Văn Quỳnh, Nguyễn Xuân Thắng... đã bị bắt, mà thấy Đinh La Thăng vẫn mũ cao áo dài đường hoàng bước vào phòng họp Quốc hội thì không khỏi có cảm giác như công lý đang bị bỡn cợt. ". Rồi sau đó tác giả lại liệt kê một số thông tin "biết rồi, khổ lắm nói mãi" về các sai phạm của cựu Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư thành ủy Đinh La Thăng trong Đại Án Ngân Hàng Đại Dương OceanBank.

Thật tiếc cho một nhà báo có tên tuổi như Huy Đức, mà đến lúc này không chỉ vẫn tin tưởng rằng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang thực sự chống tham nhũng và làm trong sạch đảng, mà còn tin rằng ở Việt Nam bây giờ vẫn có công lý. Hay nói một cách khác, là xứ sở này luật pháp vẫn được thượng tôn.

Việc một quan chức Việt Nam tham nhũng thì là chuyện quá đỗi bình thường, chẳng có gì phải nói vì nói ra thì cũng chẳng có ích lợi hay tác dụng gì. Thử hỏi rằng, quan chức Việt Nam bây giờ có ai không tham nhũng. Thậm chí ghế càng to thì họ tham nhũng càng lớn, vì trong một thể chế chính trị mà vấn đề kiểm soát và điều chỉnh quyền lực đã bị tê liệt do bị vô hiệu hóa bởi tư duy "chống tham nhũng là ta tự đánh ta" và "đánh Chuột sợ vỡ bình" của người đứng đầu bộ máy của đảng

Một Đinh La Thăng ngồi trên một mỏ tiền - PVN, mà theo đánh giá "chiếm tỷ trọng tới 18,9% trong tổng thu ngân sách" (http://bit.ly/2gF9gZl) và được toàn quyền chi tiêu không ai kiểm soát, mà không tham nhũng mới là chuyện lạ. Không phải kể lể dài dòng như Huy Đức, mà có thể khẳng định luôn là Đinh La Thăng là kẻ chủ mưu trong Đại Án OceanBank. Mà thực chất OceanBank chỉ là một chiếc bình phong được Thăng dựng lên, để biến hóa một phần dòng tiền thu từ khai thác dầu thô của Nhà nước thành của riêng cho một vài cá nhân trong cái Nhóm lợi ích của ông Nguyễn Tấn Dũng.

Những kẻ làm chính trị luôn lấy mục tiêu cao nhất là nắm lấy quyền lực, muốn như thế họ phải thanh trừng đối thủ để củng cố và bảo vệ quyền lực. Thanh trừng nội bộ là sản phẩm của các chế độ độ độc tài không phải cho dân bầu. Trong lịch sử cận đại, lịch sử của các đảng Cộng sản là lịch sử của những cuộc thanh trừng tàn bạo và chính trị Việt Nam cũng không đứng ngoài cái đó. Thanh trừng đấu đá phe nhóm trong nội bộ đảng cộng sản Trung Quốc gần đây đã cho thấy, đó là cuộc chiến một mất, một còn không khoan nhượng. Đảng CSVN từ trước đến nay luôn là một bản sao tồi của đảng CSTQ do vậy không bao giờ có chuyện "có một thỏa thuận trong Hội nghị TW6" như một số cá nhân nhận định. Mà thực chât chỉ là, thế yếu không nuốt được đối thủ thì đành phải hòa hoãn để thủ thế chơi nhau tiếp.

Vì thế, việc cựu Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng thoát hiểm sau Hội nghị TW6 cũng chỉ là tạm thời, nhưng với tương quan chính trị trong nội bộ đảng CSVN tại thời điểm hiện tại thì việc xử lý Đinh La Thăng của Tổng Bí thư Trọng sẽ bắt buộc phải gác lại. Nếu ông Trọng không muốn chết.

Đó cũng chính là lý do vì sao, trong diễn văn bế mạc Hội nghị TW6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói rằng, "Từ nay trở đi, bất cứ trường hợp nào mà vi phạm kỷ luật, chúng ta phải xử lý nghiêm, làm nghiêm từ trên xuống dưới để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng". Không phải ông Trọng quên rằng cách đây ít lâu ông ta rất tự tin rằng "khi lò nóng lên thì củi khô, củi tươi vứt vào đều cháy, Không ai có thể cưỡng được", sau khi đặc vụ Việt Nam bắt cóc được Trịnh Xuân Thanh đưa về Việt Nam. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không hiểu rằng, trong tình thế khó khăn nhất thì các phe nhóm sẽ co cụm, liên kết để phòng thủ và có cơ hội thì lập tức họ sẽ phản công. Tình thế chính trường Việt Nam tại thời điểm hiện nay đang cho thấy điều đó.

Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV khai mạc vào sáng nay 23-10 người ta thấy sự xuất hiện bất ngờ của cựu Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với vẻ mặt tươi tỉnh nhất, kể từ khi ông Dũng tuyên bố về làm người tử tế sau thất bại tại Đại hội 12 -  đầu năm 2016. Đặc biệt hơn, mọi người ngạc nhiên khi thấy Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chủ động đến chỗ ông Dũng ngồi để bắt tay thân mật và nói chuyện.

Cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và cựu Tổng BT Nông Đức Mạnh tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV khai mạc vào sáng 23.10.2017

Được biết, Cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến dự buổi khai mạc kỳ họp Quốc hội mạc này để chứng kiến sự thăng tiến của một loạt đàn em là những người gốc Nam Bộ, đồng thời cũng để sự thất bại của chiến dịch đốt lò của ông Tổng Bí thư Trọng, với một loạt đàn em như Phạm Thị Thanh Trà - Bí thư Yên Bái hay Bí Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến. Nụ cười của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong bức hình đi cùng với cựu Tổng BT Nông Đức Mạnh tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV khai mạc vào sáng 23.10.2017 đã nói lên tất cả.

Tin đồn đoán cho rằng, trong nội dung công tác nhân sự của kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XIV, đã miễn nhiệm Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa và Tổng thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu. Theo đó với lý do ông Trương Quang Nghĩa được điều về Đà Nẵng nhận chức BT Thành ủy TP Đà Năng, thay cho ông Nguyễn Xuân Anh; còn ông Phan Văn Sáu đã được Ban Tổ chức Trung ương điều động về đảm trách chức vụ Bí thư tỉnh Sóc Trăng thay ông Nguyễn Văn Thể, để ông Thể ra Hà Nội giữ chức làm Bộ trưởng GTVT - thay cho ông Trương Quang Nghĩa.

Được biết, cả 2 ông Phan Văn Sáu và Nguyễn Văn Thể đều là dân Đồng Tháp, là dân Nam Bộ 100%, trong đó cả 2 ông Phan Văn Sáu và Nguyễn Văn Thể đều vốn là tay chân của ông Nguyễn Tấn Dũng. Gần đây sau khi ông Ba Dũng nghỉ thì ông Nguyễn Văn Thể về dưới trướng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn ông Phan Văn Sáu về đầu quân cho bà CTQH Nguyễn Thị Kim Ngân. Một vấn đè cũng phải nói đến là người thay cho ông Phan Văn Sáu là ai? Xin thưa cũng lại một đồng chí gốc Nam Bộ khác, đó là ông Lê Minh Khái - Bí thư tỉnh ủy Bạc Liêu một tay chân thân tín của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Được biết Bí thư tỉnh ủy Bạc Liêu Lê Minh Khái từng giữ chức phó Tổng Kiểm toán Nhà nước 7 năm (2007- 2014) dưới thời ông Nguyễn Tấn Dũng làm thủ tướng.

Còn người thay cho ông Lê Minh Khái dự kiến là Sơn Minh Thắng, Phó Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ. Được biết ông Sơn Minh Thắng là người Kh’mer Trà Vinh. Các Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Tây Bắc, Tây Nguyên giải tán sau Hội nghị 6 TW khóa XII vừa rồi theo chủ trương tinh giản bộ máy, nên Sơn Minh Thắng được điều chuyển như vậy.

Theo Nhà báo Lê Nguyễn Hương Trà - Cô Gái Đồ Long cho biết, rất có thể ông Hầu A Lềnh, Phó Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Bắc, có thể sẽ chạy qua thay Phạm Thị Thanh Trà - Bí thư Yên Bái, sau lùm xùm của thằng em Phạm Sỹ Qúy và nhiều chuyện hay ho khác trên địa bàn. Và ông Điểu K'ré, Phó Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên có thể về thay Bí Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến...vv.

Theo nhận xét của nhà báo rát thạo tin nội chính này cho biết, ngó kỹ, thì những vị được thăng chức toàn phe cánh của TTg Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Trờ trêu thay những pháo đài tưởng chừng bất khả xâm phạm lại là các vị Bí thư Yên Bái Phạm Thị Thanh Trà và Bí Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến lâu nay dư luận cho rằng được Tổng Bí thư che chắn thì lại bị xử lý.

Nói thế để thấy, dẫu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng muốn xử lý Đinh La Thăng hoặc bất kỳ ai khác, có muốn những cũng không thể làm được. Bởi cái đảng CSVN cầm quyền hiện nay do ông Trong đứng đầu từ xưa đến nay luôn dung túng cho tham nhũng, nếu không muốn nói đó là một "chủ trương lớn của đảng".

Cũng xin được nhắc lại, trong bài viết "Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có thành công trong việc chỉnh đốn đảng?" (http://bit.ly/2z7l3e3) mới đây, tôi đã khẳng định "Có lẽ thành công lớn nhất trong công cuộc chỉnh đốn đảng dưới chiêu bài chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đạt được, không phải là việc kỷ luật cách chức Ủy viên Bộ Chính trị đối với Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng hay Ủy viên Trung ương Đảng đối với Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh. Mà đó là sự tin tưởng của một đám đông dân chúng, vẫn nghĩ rằng ông Nguyễn Phú Trọng đang trừng trị các con sâu dân, mọt nước trong đảng. ".

Đồng thời tôi cũng chỉ ra một nhược điểm đáng tiếc của một bộ phận được gọi là "trí thức tinh hoa" , đó là "... trong cái đám đông ô hợp đó lại có không ít những người vốn được khoác danh "trí thức tinh hoa" một thời. Cho đến bây giờ họ vẫn không hiểu được rằng, cái gọi là  cái gọi là chống tham nhũng hay chỉnh đốn đảng của Tổng Bí thư Trọng nhân danh đảng CSVN tất cả đều theo đúng quy trình "đánh một bên - không phải phe ta"."

Ngày 27 tháng 10 năm 2017

© Kami

 * Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA