Tôi yêu một miền quê thanh bình, nơi tuổi thơ tôi đi qua êm ả với ruộng mạ, chạng vạng nhuộm màu trăng hay chiều tà phất phơ ngọn tre làng, diều vi vút mục đồng quần rách… Tất cả những hình ảnh ấy, ngay trên quê hương tôi, giờ dường như không tìm thấy, vẫn mảnh trăng năm nào, nhưng bây giờ ngước nhìn thấy xa lạ, vẫn là đàn trâu hay những bụi tre còn sót lại, nhưng cái tả tơi đã nhuốm màu thời gian, không thể nói gì khác là nhìn lại những hình ảnh cũ, cái đẹp của nó đã ngân vang tiếng đau.
Cái đau của tôi không lớn, không kì vĩ như cái đau của những người đấu tranh yêu nước, không hiền hòa hay bao dung như cái đau của những nghệ sĩ, không mềm mại như nỗi đau của những người lao động chất phác, không vi vút âm ỉ như nỗi đau của những trí thức… Cái đau của tôi đôi khi nhỏ bé và có chút gì đó thận phận nhược tiểu, tôi tự hiểu, cho dù có sống tăng cuồng vài kiếp nữa, tôi cũng là thằng nhược tiểu kinh niên!
Vì sao tôi lại tự nhốt mình trong tư duy và ám thị nhược tiểu? Bởi tôi chưa bao giờ thấu hiểu đời sống này, chưa bao giờ dám nói thực những điều mà lẽ ra tôi phải nói dõng dạt, phải gào to cho thỏa chí. Không, tôi đã không hề làm như vậy, bởi tuổi thơ, tuổi trẻ của tôi đã chứng kiến nhiều nỗi đau của đồng loại, tôi đã chứng kiến một bà lão vừa dắt đàn bò đi ăn vừa chửi ra rả bên một bãi sông, bà chửi suốt ngày, và sức sống của bà mạnh mẽ đến lạ thường, tôi chưa bao giờ nghe bà khản giọng mặc dù mỗi ngày đi học, ngang qua chỗ bến sông, mặc dù cách xa bà hàng nửa cây số, tôi đã nghe tiếng chửi của bà vọng từ biền dâu.
Sau này, lớn lên, trong một dịp tình cờ, tôi nghỉ hè ở năm nhất đại học, trên đường về, tôi lan man nhớ đến bà, tôi lại chạy đến bến sông để… nghe bà chửi. Nhưng đó là một bến sông vắng lạnh, tôi tìm đến nhà bà, một ngôi nhà hoang, ảnh thờ bám đầy mạng nhện, lạnh đến mức rợn người! Hỏi ra mới biết bà cụ trước đây vốn là gia đình giàu có, bà có bốn người con trai đều học trường Võ Bị Đà Lạt, có người tốt nghiệp, theo binh nghiệp lên đến cấp Tá trong Quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Năm 1974, bốn người con của bà đều bị ám toán trong một chiều cuối tuần, bốn anh em chở nhau trên chiếc Jeep, đi qua cánh đồng thì bị phục kích và họ đã chiến đấu đến người cuối cùng.
Sau 1975, lúc này bà đã bị hơi đãng trí sau khi mất con, chồng bà cũng đau đớn, lâm bệnh rồi qua đời. Sau khi mất chồng, bà mang toàn bộ số bò trong nhà nộp cho hợp tác xã với điều kiện để bà chăn đàn bò này. Nhiều người lắc đầu hỏi bà tại sao lại nộp cho hợp tác xã của Việt Cộng, bà nói: “Không nộp thì họ cũng đến thu, mà thu xong thì có khi bò của mình bị giết thịt, thôi thì nộp sớm, để mình còn tính!” (Cách nói như vậy không biết bà điên kiểu gì?!). Từ đó người ta nhìn thấy bà vừa chửi vừa lùa bò vào bãi dâu. Lâu dần,người ta gọi bà là “bà Lời điên”.
Rồi người ta cũng bán đàn bò của bà khi hợp tác xã sắp giải thể, nghe đâu bà được trả cổ phần với số tiền tương đương một con bò. Bà vui vẻ nhận phần mà không có lời nào. Nhưng bà đã chửi té tát vào mặt tay chủ nhiệm hợp tác xã khi các cổ phần khác không bằng bà. Lúc đó, hợp tác xã của bà có ba trăm hộ (gia đình), đàn bò của bà hơn 300 con, đàn bò khủng nhất trên cả nước thời đó. Bà yêu cầu chia mỗi cổ đông một con bò giống như bà và những con con dư ra thì dành cho ban chủ nhiệm chia nhau. Cuối cùng, bà đã thắng, ba trăm hộ gia đình đều có những con bò béo tốt. Phần con bò của bà, bà tặng cho một cặp vợ chồng mới cưới. Sau khi bán đàn bò mấy hôm, người ta thấy “bà Lời điên” nằm chết bên bờ sông. Nghe đâu đám tang của bà tuy không làm rình rang nhưng nhưng người dân trong làng đến đưa bà đông không tả xiết.
Tự dưng nói về yêu quê hương, yêu buổi chiều hay sự nhút nhát, nhược tiểu của mình, tôi lại nhớ đến chuyện “bà Lời điên”! Mà nhớ tới chuyện của Bà (tôi xin viết hoa chữ này!), tôi lại nghĩ đến vấn đề xung năng, năng lượng quốc gia. Nghe buồn cười thật! Mà thực tâm mà nói, năng lượng quốc gia hay xung năng dân tộc là chuyện vớ vẩn nhất đã ám ảnh tôi nhiều năm nay. Tôi luôn tự hỏi: Tại sao cái thời nghèo khổ, ít học, không có thứ gì để cho, tặng nhau mà người ta lại đối xử tử tế với nhau, lại cho, tặng nhau vô tư đến vậy, còn bây giờ, người ta mất tử tế và cho tặng đều có mục đích, toan tính?
Đó cũng do năng lượng mà ra, năng lượng mà tôi suy nghĩ không phải là kiểu điện trường mà người ta hay luyện nhân điện hoặc nội lực, nội công gì đó trong võ thuật, nó đơn giản là năng lượng yêu thương và năng lượng dành cho tha nhân. Bởi lẽ, trước đây, mặc dù nghèo khổ, thiếu thốn nhưng lòng yêu thương cũng như óc suy nghĩ về đồng loại chiếm phần nhiều trong suy nghĩ con người. Người ta dành phần lớn năng lượng trong việc tương tác với tha nhân và không cần suy nghĩ gì nhiều về điều đó.
Ngược lại, trong thời đại mà người ta phải bỏ ra quá nhiều thứ để có được tấm bằng hay chỗ đứng, chỗ ngồi trong xã hội, rồi thêm chuyện đất đai bị bơm giá ảo, mọi quan tâm của con người hướng vào thiên nhiên không còn là cánh đồng, ruộng mạ, lũy tre, cánh rừng ngút mắt… Mà thay vào đó là nhìn cánh đồng, người ta nghĩ ngay đến một quĩ đất bạc tỉ nếu biết đầu tư, nhìn vào lũy tre hay dòng sông, thay vì nhìn thấy vẻ thơ mộng của có, người ta lại nghĩ đến những cái quán núp lùm hay thủy điện, và tư duy, năng lượng người ta đã bị chi phối nặng bởi những thứ không liên quan đến con người, hay nói cách khác là ngộ nhận. Năng lượng không còn dành cho tha nhân mà dành cho những thứ gắn bên ngoài tha nhân với động cơ chiếm hữu, giành lấy nó.
Hiện tại, cả một quốc gia, từ hệ thống nhà nước cho đến người dân đi cày, tất cả đều bận tâm về những gì được mất của bản thân, năng lượng không dành cho tha nhân, cộng đồng, câu hỏi thường trực của người ta thay vì “Tại sao đất nước này nghèo? Tại sao chúng ta mãi nhược tiểu?” thì người ta lại hỏi “Tại sao ông A, bà B giàu? Tại sao mình phải bỏ buôn bán hàng Tàu khi nó mang tiền về cho mình?”. Những câu hỏi này xuất hiện chỉ cho chúng ta một điều duy nhất, đó là tiếp tục nô lệ hóa bản thân và tiếp tục sống trong thân phận nhược tiểu.
Vấn đề của một quốc gia, một con người, một số phận nghe ra lắm rối rắm nhưng đồng thời nó cũng rất đơn giản. Rối rắm bởi đó là xã hội, mà con người thì phải tương tác với thế giới chung quanh. Nhưng cũng đơn giản bởi vì số phận, tương lai con người tùy thuộc vào cách đặt câu hỏi và giải quyết câu hỏi cho tương lai. Và câu hỏi cũng là năng lượng.
Bài bình luận gần đây