You are here

Vấn đề "Tòa án Hiến pháp" nên được đặt ra trong các nội dung cần đối thoại

Việc ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, có tuyên bố rằng: “Chúng ta không sợ đối thoại, không sợ tranh luận ... về việc tổ chức trao đổi và đối thoại với những cá nhân có ý kiến và quan điểm khác với đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng và pháp luật của Nhà nước” đã được những người quan tâm vấn đề chính trị trao đổi sôi nổi.

Trong bài viết "Đảng CSVN tổ chức đối thoại trong lúc này nhằm mục đích gì?" về vấn đề đối thoại ngày 25/5/2017 (goo.gl/tydYuI) tôi đã phân tích và cho rằng, ở các quốc gia đa đảng thì các đảng phái chính trị đối lập luôn phải hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật của quốc gia đó. Họ có quyền chống chính phủ chứ không được phép chống lại nhà nước. Và chính vì thế đã đến lúc cần phải bàn bạc tìm ra ưu thế của mình để đặt lên bàn đối thoại và đồng thời lựa chọn những nhân vật có khả năng được mời đối thoại; đối thoại nội dung gì cho phù hợp để 2 bên cùng có thể chấp nhận được và tạo đà phát triển liên minh đối thoại cho thời gian tiếp theo.

Vì thế khuôn khổ của các cuộc đối thoại thực chất là giữa đại diện của đảng CSVN với các cá nhân đối lập trên danh nghĩa, một hình thức quân xanh quân đỏ trá hình và nó chắc chắn sẽ không vượt được làn ranh 'đỏ" như Hiến pháp năm 2013 đã quy định.

Nhận định nói trên phù hợp với quan điểm của đảng CSVN, thể hiện qua bài viết "Không được lợi dụng vấn đề đối thoại để chống phá" (goo.gl/SwL656) của tác giả Bắc Hà đăng trên báo Quân đội Nhân dân ngày 28/5/2017 ở phần kết có nhấn mạnh rằng:

"Thiết nghĩ, “dự thảo” về hoạt động đối thoại mà Ban Tuyên giáo Trung ương đưa ra là để làm rõ và nếu có thể để hoàn thiện các quyết định của Đảng, Nhà nước. Các cuộc đối thoại với một số cá nhân nào đó cũng trong khuôn khổ đó, chứ không phải để đưa ra hoặc thay đổi các quyết định của Đảng và Nhà nước; không thế đứng trên Hiến pháp của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và Cương lĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nói cách khác, các cuộc đối thoại phải nhằm phát huy dân chủ XHCN-nền dân chủ dựa trên những nguyên tắc căn bản. Đó là xác định mục tiêu và con đường xây dựng xã hội XHCN ở nước ta. Mục tiêu và con đường đó dựa trên nền tảng lý luận Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh (bao gồm sự vận dụng và phát triển sáng tạo của Đảng ta, nhất là trong thời kỳ đổi mới), đồng thời lấy vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với xã hội và Nhà nước làm tiền đề.

Nói cách khác, các cuộc đối thoại không thể vượt qua “lằn ranh đỏ” chính trị nói trên, vì đấy chính là lợi ích của quốc gia, dân tộc. Chủ đề các cuộc đối thoại do đó cũng không thể nhằm “xem lại”, bác bỏ các giá trị của dân tộc ta, trong đó có thân thế, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh; thành quả vĩ đại của các cuộc kháng chiến anh hùng, bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc."

Thế là đã rõ, mọi nội dung của các cuộc đối thoại (nếu có) đã được ban lãnh đạo đảng CSVN khoanh tròn và giới hạn hết sức cụ thể và điều đó có lẽ sẽ khiến cho nhiều người bi quan. Nếu hiểu về nguyên tắc, nội dung của các bản Hiến pháp luôn đại diện cho ý chí của giai cấp thống trị hay đảng cầm quyền. Đó chính là lý do vì sao khi cần thiết các đảng cầm quyền luôn tìm mọi cách để sửa đổi hiến pháp theo hướng có lợi cho họ.

Hệ thống tổ chức chính trị  ở Việt nam có sự khác biệt và không giống như với các quốc gia khác trên thế giới đang vận hành. Trong điều kiện ở Việt Nam hiện nay, với thể chế chính trị độc đảng lãnh đạo, theo cấu trúc theo trục dọc từ trên xuống, với bộ phận tối cao là ban lãnh đạo đảng CSVN đứng trên Hiến pháp. Nghĩa là khái niệm đảng đồng nghĩa là nhà nhà nước, bao trùm cả 3 cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp mà người đại diện tối cao là đảng CSVN. Việc ngày 28/09/2013, Tổng BT đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định rằng, "Hiến pháp là “văn kiện chính trị pháp lý quan trọng vào bậc nhất sau Cương lĩnh của Đảng” đã cho thấy điều đó.

Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng các thiết chế kiểm soát và điều chỉnh quyền lực không có điều kiện để phát huy tác dụng. Chính vì thế, nên việc các cơ quan nhà nước ban hành các văn bản luật hay dưới luật theo lối tùy hứng, không tuân thủ các quy định của Hiến pháp nhưng không bị một cơ quan nào phán xét cả.

Từ những lý do trên tạo ra một lỗ hổng lớn, tạo điều kiện cho đảng CSVN đứng trên và đứng ngoài pháp luật, điều này đồng nghĩa với việc đảng CSVN có quyền lực cao nhất nhưng không hề bị ràng buộc và khống chế của một tổ chức có quyền tài phán - phân định phải trái và xử lí theo luật pháp cần thiết. Đảng CSVN lãnh đạo toàn diện mọi mặt, trên mọi lĩnh vực, tuy vậy nhưng không ai hay tổ chức nào giám sát hoạt động của đảng. Từ đó cho thấy sự cần thiết có một tổ chức của nhà nước hoạt động độc lập, có quyền lực để phân xử và xử lý mọi hành vi trong hoạt động của mọi tổ chức, kể cả đảng CSVN. Đó chính là Toà án Hiến pháp.

Về chức năng, Tòa án Hiến pháp là cơ quan phán quyết cao nhất về các vi phạm hiến pháp theo nguyên tắc độc lập và chỉ tuân theo Hiến pháp. Tính độc lập ấy sẽ đảm bảo tính cân bằng trong quan hệ quyền lực giữa các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp. Tòa án Hiến pháp là một tòa án bảo vệ Hiến pháp. Sự có mặt của tổ chức này sẽ giúp cho việc hoàn thiện vòng tròn giám sát, đưa luật lên vị trí tối thượng, tạo một nhà nước pháp quyền, không cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào đứng trên pháp luật. Việc làm này hoàn toàn phù hợp với điều 4 Hiến pháp năm 2013 đã quy định rằng, “Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”

Trong một xã hội mà luật pháp có cũng như không, nói một đằng làm một nẻo như ở Việt nam, thì việc có một Tòa án Hiến pháp là một trong những đòi hỏi bức bách và hết sức cần thiết. Điều đó hoàn toàn nằm trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật hiện hành ở Việt Nam. Vì thế nên chăng cần được đặt ra và là một trong các nội dung cần thiết trong các buôi đối thoại.

Ngày 30 tháng 05 năm 2017

© Kami

* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA