Hôm nay tôi có được đọc bài viết của tác giả Thạch Đạt Lang (TĐL) có tựa đề "Xin đừng trở thành cái loa tuyên truyền cho chế độ CSVN". Thấy rằng bài viết có một số điểm đáng để bàn, vì thế nên mạn phép tác giả xin có một số ý kiến.
Tóm tắt nội dung của bài viết như sau:
Có một người bạn của tác giả, là Bác sĩ hệ chính quy được đào tạo trong thời kỳ chiến tranh Bắc - Nam. Tới năm 1979, vì ông nội vị Bác sĩ này là người Hoa, nên anh bạn của tác giả và gia đình trở thành nạn nhân của chiến dịch bài xích người Hoa, dưới thời Tổng BT Lê Duẩn. May mắn, vị Bác sĩ và gia đình được qua định cư tại London, Anh Quốc. Đến đầu năm 2017, lần đầu tiên họ trở về Việt Nam thăm gia đình. Cũng cần nói thêm, theo đánh giá của tác giả Thạch Đạt Lang thì, "anh không phải là một đảng viên hay cảm tình viên của đảng, hơn nữa lại còn có phần căm thù chế độ CSVN vị bị đuổi về Tầu năm 1979. "
Trong hoàn cảnh của một người xa quê hương, xứ sở hơn 40 năm sau khi trở lại London, vị Bác sĩ này đã viết một bản phác thảo có tựa đề “Du Nam Tự Sự”, anh viết như sau (trích):
"Mình về VN 3 tháng, đi lang thang nhiều tỉnh thành, mắt thấy tai nghe nhiều chuyện. Xin kể cho chú maỳ nghe.
1-Cuộc sống của người dân đã khá lên rất nhiều. Không còn ăn no mặc ấm mà đã “biết ăn ngon mặc đẹp”. Rất nhiều gia đình nông dân đã có tủ lạnh, máy giặt, điều hoà nhiệt độ, hố xí máy và những chiếc xe máy đắt tiền. Còn ở HP, HN…. chuyện có xe ô tô là điều không lăn tăn. Nói thật, nếu có lương hưu và nhà 3, hay 4, 5 tầng như mấy đưá em con bà cô mình, chắc chắn mình và vợ sẽ về VN định cư.
2-Sinh ra và lớn lên ở HP, giờ đầy HP đã thay đồi đến chóng mặt, các đường cao tốc, các khu đô thị mới…. mọc lên như nấm mùa xuân. Dân trí đã khá, dám công khai chửi chế độ, chửi lãnh đạo địa phương.
Chỗ nào cũng chửi tham nhũng, nhưng quan chức nào cũng tham nhũng, hễ có điều kiện là tham nhũng. Một thằng cháu rể bên nhà vợ, nó chỉ là Care taker của trường tiểu học trong xã, nó nói thẳng cũng “cấu kết với tài vụ, hiệu trưởng” khai man về sửa chữa bàn ghế, đồ đạc…. ghi hóa đơn khống, chia chác với nhau…. Chuyện chống tham nhũng ở Vn còn khó hơn cả chuyện con bò chui qua lỗ kim.
Tiền ở đâu ra thế? Xin thưa toàn tiền chùa do con cháu là quan chức cướp của dân đen biếu bố mẹ đi du lịch.
4-Hải ngoại đừng có mơ về VN lật đổ chính phủ. Dân trong nước họ ưa đô la nhưng ghét hải ngoại. Họ nói, “cần đéo gí những thằng ôm chân Mỹ về lãnh đạo quốc gia. Người Việt trong nước khả năng tự trị.”
Mạng bị chặn ghê gớm, mặc dù Wi Fi đã đến cả vùng sâu vùng xa ở miền núi. Ipad của mình chịu không vào mạng nổi vì “tường lửa.”
Sau khi ở Vn 3 tháng, “đồng hồ sinh học” làm mình không ngủ được. Đành xem film trên movies yotube.
Các bố TĐ, TĐL xa VN quá lâu nên “lơ tơ mơ về VN” viết về Vn khó được dân Vn chấp nhận. Theo mình nên thức thời. Dân VN giờ đấy “khôn hơn rận”, chỉ có mấy bố CCCĐ lạc hậu, sáng tụ tập uống cà-phê bàn chuyện lật đổ VC ở Tiểu Sài Ghềnh
Toàn chuyện toàn lao."
Vẫn theo tác giả TĐL đánh giá phần trích nói trên rằng "Đúng ra nếu không có đoạn kết luận này thì tôi đã không phản biện. Tôi phản biện vì đoạn cuối này viết hồ đồ, ấu trĩ của một người mà tôi đánh giá là trí thức XHCN. Tôi không muốn phản biện những nhận định, suy nghĩ của anh bạn, bởi đó là nhận định cá nhân, bị lệ thuộc vào sự hiểu biết, học vấn, kiến thức, kinh nghiệm sống của mình. Tôi phản biện vì anh đem suy nghĩ, nhận định của mình áp đặt, khuyên nhủ người khác. "
Có lẽ đoạn kết luận mà tác giả TĐL dị ứng và phải mất công phản biện vị Bác sĩ này có lẽ là: "Các bố TĐ, TĐL xa VN quá lâu nên “lơ tơ mơ về VN” viết về Vn khó được dân Vn chấp nhận. Theo mình nên thức thời. Dân VN giờ đấy “khôn hơn rận”, chỉ có mấy bố CCCĐ lạc hậu, sáng tụ tập uống cà-phê bàn chuyện lật đổ VC ở Tiểu Sài Ghềnh" nói chung và đặc biệt là 3 chữ viết tắt TĐL nói riêng :D.
Trước hết, xin thưa tôi là một người sinh trưởng và được đào tạo ở miền Bắc XHCN và sống cùng ở giai đoạn vị Bác sĩ kia, hơn thế nữa tôi là người có liên quan đến chiến dịch bài xích người Hoa trong giai đoạn 1977-1978 (chứ không phải năm 1979 như tác giả TĐL viết). Hơn nữa, những người gốc Hoa thời ấy họ phải nộp tiền và xuống tàu do nhà nước "bảo kê" tổ chức cho đi qua Hongkong chứ không phải vượt biên bằng ghe tàu do tự tổ chức như trong miền Nam, nên sẽ không có chuyện được tàu ngoại quốc vớt. Tôi muốn nhắc lại chuyện đó để tác giả TĐL thấy rằng, tác giả biết về tình hình ở miền Bắc Việt Nam giai đoạn 1979 là không chính xác và cũng xin dừng lại đây, mà không nhắc đến chuyện đào tạo Bác sĩ Y khoa 4-5 năm là sai.
Tôi có nhiều bạn bè sống ở Hải ngoại, cũng như tôi tất cả đều có nỗi nhớ quê hương nguôi ngoai khó tả xiết. Tiếc rằng họ không được nhà cầm quyền Việt Nam cho phép nhập cảnh. Tới mức, có những người họ phải tìm về biên giới Việt nam, đứng từ bên này nhìn về quê hương cho thỏa nỗi nhớ. Tôi thích nghe bài hát "Quê Hương" của Nhạc sĩ Giáp Văn Thạch, phổ thơ của Nhà thơ Đỗ Trung Quân, trong bài hát đó có các câu hát mà rất nhiều người thuộc và yêu thích. Đó là "Quê hương mỗi người chỉ một..., Quê hương nếu ai không nhớ...". Phải chăng, chính vì vậy đoản bút trên (cũng) có thể là xuất phát từ tình cảm đối với quê hương thứ 2 của vị Bác sĩ kia. Tạm cho là như vậy.
Trong thời đại toàn cầu, việc đi lại giữa Việt Nam và các quốc gia dễ dàng, vì thế các thông tin về Việt Nam như vị Bác sĩ nêu ở trên, qua tiếp xúc với những người từ trong nước qua theo tôi có lẽ là đúng đến 90% - theo sự hiểu biết của tôi. Tin tức xã hội, đời sống hiện nay chung ta có thể cập nhật từng phút, kể cả hình ảnh qua các clip trên mạng xã hội thì thấy đúng như thế, không kể đến lòng dân thì chưa thể nói chính xác. Những người ở trong nước mà tôi quen biết và tiếp xúc họ đều khá giả cả, cụ thể là hơn tôi.
Người ta nói "Buôn có bạn, bán có phường", trên mạng xã hội cũng vậy, nếu bạn chỉ chọn lựa những người có chung quan điểm, cùng xu hướng thì bạn sẽ chịu ảnh hưởng của một luồng chính kiến duy nhất và vô tình các bạn chỉ đón nhận được một phần thông tin, chứ không phải thông tin đa chiều. Những người có thói quen, hễ ai trái ý là block hay unfriend thường hay mắc sai lầm và sẽ có sự thiệt thòi như vậy.
Tôi không muốn đi sâu vào chuyện "Dân trong nước họ ưa đô la nhưng ghét hải ngoại." hay "Dân trong nước họ ưa đô la nhưng ưa hải ngoại.". Cũng như chuyện xã hội bất công, chính quyền cướp đất hoặc "ăn gì cũng sợ ung thư" v.v... mà vị Bác sĩ kia hình như quên không nhắc đến. Song cá nhân tôi và các bạn của tôi thì cho rằng, nếu nhìn vào sự ủng hộ của dân chúng trong nước, đối với phong trào đấu tranh dân chủ trong nước, hầu hết do người Hải ngoại dẫn dắt như hiện nay thì cũng rất đúng đấy. Số người ủng hộ là quá ít ỏi
Với tư cách một nhà báo tôi không đồng tình với tác giả Thạch Đạt Lang trong việc khi cho rằng, vị Bác sĩ kia, vô tình đã " trở thành cái loa tuyên truyền cho chế độ CSVN". Bởi vì sự khác nhau giữa các nhà báo và những nhà đấu tranh, đó là nhà báo phải tôn trọng sự thật, phải khách quan. Một khi đã viết hay đưa tin không trung thực thì làm sao bạn đọc họ tin? Các tòa báo đứng đắn ở nước ngoài họ tuyên bố, họ thuê chúng tôi để làm công việc của các nhà báo giỏi, công tâm; chứ họ không thuê chúng tôi làm người tranh đấu hay để bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận.
Quan trọng hơn, xin tác giả Thạch Đạt Lang hãy nhớ lại câu nói của nhà văn nữ nổi tiếng người Anh Evelyn Beatrice Hall, mà bất kể những ai ủng hộ hay cổ vũ cho một xã hội đã nguyên tư tưởng đều phải biết. Khi bà khẳng định rằng: "Tôi có thể không đồng ý những điều anh nói, nhưng tôi có thể chết để bảo vệ quyền anh được nói những điều đó". Vì thế xin tác giả đừng quá vội vã chụp mũ cho người khác và yêu cầu họ "Xin đừng trở thành cái loa tuyên truyền cho chế độ CSVN". Nên nhớ, chắc đâu họ có là nhà tranh đấu giống như tác giả (!?)
Thiển nghĩ, nếu là một nhà tranh đấu mà có tư duy như thế trong vai trò của một người cầm bút, thì chắc chắn quý bạn sẽ không, hoặc chỉ bằng truyền thông của nhà nước Cộng sản hiện nay. Nghĩa là chỉ thông tin một chiều theo phương châm "kẻ thù luôn luôn xấu và chúng ta thì luôn luôn tốt" và cái đó luôn chỉ phù hợp cho việc để ngu dân mà thôi.
Xin được bày tỏ đôi điều
Ngày 17 tháng 05 năm 2017
© Kami
* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA
Bài bình luận gần đây