You are here

Một đề nghị tháo quả bom Mỹ Đức

Trái với thái độ im lặng thường thấy, tình hình nghiêm trọng ở Mỹ Đức cùng với làn sóng lan tỏa nhanh chóng thông tin trên mạng xã hội về vụ việc đã khiến giới chức cho phép báo chí quốc doanh đưa tin, tuy nhiên vẫn chỉ gói gọn trong những nội dung được cung cấp từ phía chính quyền. Theo đó, nhà chức trách chính thức xác nhân có hơn 30 người gồm nhiều cảnh sát cơ động đang bị người dân Mỹ Đức bắt giữ và đưa về hội trường nhà văn hóa thôn. Nhiều nguồn tin cho biết những cảnh sát này bị dân làng tẩm xăng vào người nhằm chuẩn bị cho 'biện pháp cuối cùng' trong trường hợp phía chính quyền quyết định tấn công.

Không ai muốn người dân phải dùng tới 'biện pháp cuối cùng', nhưng đã có quá nhiều ví dụ cho thấy sau khi chấp nhận xuống nước vì tin theo lời hứa của chính quyền, người dân đã phải chịu hậu quả thảm khốc như thế nào. Ninh Hiệp, Văn Giang, Dương Nội, Đông Yên đều hãy còn nóng hổi.

Với người dân Mỹ Đức hiện nay, kết cục có thể còn nghiêm trọng hơn rất nhiều vì cái án Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 84 Bộ luật Hình sự, khung hình phạt cao nhất là tử hình) rất có thể sẽ giáng xuống đầu họ sau khi mọi chuyện được vãn hồi.

Đã có nhiều gợi ý rằng người dân Mỹ Đức nên đòi hỏi các văn bản cam kết từ phía chính quyền trước khi thả người, nhưng với những gì chúng ta biết về quá khứ cầm quyền của họ, giải pháp này vẫn còn rất nhiều rủi ro, vì ai chắc được chính quyền sẽ không phá vỡ cam kết sau đó.

Hẳn họ cũng hiểu rõ điều này nên sẽ rất ngập ngừng trước quyết định thả người mang tính sinh tử này (thả cũng chết mà không thả cũng chết) và vì thế sẽ cố sống cố chết giữ lấy chiếc phao duy nhất của mình - chính là các cảnh sát cơ động bị bắt.

Vậy vấn đề cốt lõi ở đây là niềm tin: Dân không tin chính quyền sẽ thực hiện cam kết sau khi họ thả người.

Giải pháp là chính quyền cần chủ động hoặc người dân Mỹ Đức đòi hỏi chính quyền tổ chức họp báo có sự tham gia của các sứ quán và báo chí quốc tế. Buổi họp báo phải được truyền hình trực tiếp trong đó chính quyền nói rõ sẽ đáp ứng các cam kết của người dân, từ việc không khởi tố đến thả người và trả đất. Sự xuất hiện của yếu tố quốc tế làm trung gian sẽ khiến lòng tin của người dân vào việc thực thi cam kết của chính quyền cao hơn, và chính quyền cũng phải đánh đổi nhiều hơn nếu làm điều ngược lại.

Thân nhân các chiến sĩ bị bắt giữ muốn tránh điều tệ hại xảy ra với con em mình hẳn chỉ còn cách duy nhất là gây áp lực lên các cấp lãnh đạo Hà Nội chấp thuận các yêu sách hợp lý và chính đáng của bà con Mỹ Đức. Nghe có vẻ hơi khó nhưng không lẽ để bi kịch xảy ra với con em mình?