You are here

Biển Đông: Hà Nội tiếp tục duy trì chính sách ngoại giao đu dây

Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam có chuyến thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 12-15/1/2016. 

Truyền thông nhà nước Trung Quốc  cũng như Việt Nam đánh giá rằng, chuyến thăm này đã mở ra "một kỷ nguyên mới của mối quan hệ song phương", điều đó làm nhiều người nhầm tưởng, Hà Nội muốn tăng cường quan hệ với Trung Quốc và tạo ra một môi trường hòa bình và ổn định quan hệ Việt - Trung.

Chuyến thăm Trung Quốc lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bối cảnh sự thay đổi người đứng đầu Nhà Trắng - với tân Tổng thống Donal Trump, một người được cho là chủ trương chính sách kinh tế cũng như đối ngoại cứng rắn trong việc bang giao quốc tế. Cụ thể là phát biểu của tân Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Rex Tillerson, đã công khai khai chiến với Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông, nhất là về chính sách Biển Đông đối với Trung Quốc . Khi nói về các hành động hung hăng của Trung Quốc ở vùng biển mà Bắc Kinh đòi hầu như toàn bộ chủ quyền, ông Tillerson đã khẳng định: "Chúng ta sẽ phải gửi đến Trung Quốc một tín hiệu rõ ràng rằng trước hết phải đình chỉ việc xây dựng các đảo, và thứ hai là không được phép tiếp cận những hòn đảo này".

Sự cứng rắn của tân Bộ trưởng Bộ Ngoại Giao Rex Tillerson, đã lên tiếng kêu gọi chính phủ của Tổng thống Donal Trump sắp đến không cho TQ tiếp cận 7 căn cứ đảo nhân tạo mà họ xây dựng ở phần phía nam của biển Đông. Trả lời câu hỏi về việc liệu ông sẽ ủng hộ một tư thế quyết liệt hơn ở biển Đông, ông Rex Tillerson đã khẳng định, “Chúng ta sẽ phải gửi cho TQ một tín hiệu rõ ràng rằng, thứ nhất, việc xây dựng đảo phải ngừng lại và, thứ hai, việc tiếp cận tới các đảo này cũng sẽ không được cho phép”. Phát biểu này của Rex Tillerson không chỉ khiến các chuyên gia về vấn đề chính trị Á châu kinh ngạc mà ban lãnh đạo Bắc Kinh cũng hết sức lúng túng. Chính vì thế, nội dung vấn đề Biển Đông trong chuyến thăm của Tông BT Nguyễn Phú Trọng chắc chắn là vấn đề trọng tâm và quan trọng  nhất.

Trong bối cảnh đó, đánh giá về chuyến thăm Trung Quốc lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Lăng Đức Quyền – nhà nghiên cứu của Tân Hoa xã nhấn mạnh đây là chuyến thăm có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Theo ông Lăng Đức Quyền, chuyến thăm Trung Quốc lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là chuyến đón Xuân. Theo đó, "Chữ “Xuân” ở đây không chỉ là Mùa Xuân, mà còn tượng trưng cho triển vọng tốt đẹp hơn trong quan hệ hai nước, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước phát triển bền vững và sâu sắc”. Điều đó đã cho thấy, dường như phía Bắc Kinh đã thuyết phục được TBT Nguyễn Phú Trọng sự đồng thuận trong chính sách của VN đối với Biển Đông.

Tuy nhiên, nếu đối chiếu với các diễn biến trong công tác ngoại giao của Hà Nội trong những ngày gần đây, cụ thể là chuyến thăm Việt Nam lần cuối của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry vào lúc Tổng bí thư Đảng Cộng sản VN Nguyễn Phú Trọng đang ở thăm Trung Quốc, cũng như việc Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cùng phu nhân thăm chính thức Việt Nam trong hai ngày 16 và 17/1/2016. Song vấn đề tâm điểm và đáng chú ý nhất là, trên website Chính phủ Việt Nam cho biết thông báo cho biết "Thỏa thuận khung Phát triển dự án và Hợp đồng bán khí Cá Voi Xanh giữa Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) và Công ty TNHH Thăm dò Khai thác Dầu khí ExxonMobil Việt Nam (ExxonMobil), vừa được ký hôm 13/1/2016".

Nếu biết, tân Ngoại trưởng Mỹ, ông Rex Tillerson, là nhân vật đã từng làm việc và điều hành tập đoàn ExxonMobil trong 40 năm thì sẽ thấy tầm quan trọng của thông tin này.

Những diễn biến trên đã được Giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia về Biển Đông thuộc Học viện Quốc phòng Úc đánh giá rằng, các diễn biến mới nhất đã cho thấy chiến lược cân bằng giữa các cường quốc của Việt Nam. Nếu quan sát cho thấy, các phát biểu cũng như hành động hay thái độ của ông Tổng Bí thư Trọng, luôn tỏ ra khúm núm và lấy lòng Trung Quốc bao nhiêu, thì ngược lại những phát biểu mang tính cứng rắn, mạnh mẽ  của Chủ tịch nước Trần Đại Quang về vấn đề Biển Đông đã cho thấy điều đó. Đó là việc, Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang tại diễn đàn quốc tế tại Singaporehôm 30/8/2016, đã lên tiếng cảnh báo một cách cứng rắn rằng sẽ không có ai thắng cuộc nếu xảy ra xung đột vũ trang vì tranh chấp chủ quyền trên biển Đông.

Bình luận về phát biểu nêu trên của ông Trần Đại Quang, giáo sư Ngô Vĩnh Long đánh giá rằng: “Tôi nghĩ có thể ông biết có một nước nào đó có thể đi đến việc càng ngày càng gây hấn, ông muốn báo động và ông muốn cho biết Việt Nam sẵn sàng bảo vệ quyền lợi của mình, nếu nước kia, hay nước nào đó tiếp tục đe dọa an ninh…”. Theo lời của giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, một chuyên gia phân tích và bình luận chính trị tại Hoa kỳ đã đánh giá rằng, “Nói toạc ra là ông Quang cũng nói là nếu Trung Quốc muốn chiến tranh thì Việt Nam cũng sẵn sàng chấp nhận chiến tranh…”

Các nhà bình luận cho rằng, không phải tự nhiên ông Trần Đại Quang và Tổng Bí thư Trọng đã có các hành động cũng như các pháp biểu trái ngược nhau về vấn đề Biển Đông. Trong lúc ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có thái độ ôn hòa, nhún nhường đối với Bắc Kinh, thì Chủ tịch Nước Trần Đại Quang có ý thách thức Trung Quốc. Điều đó không nên coi rằng, đó là biểu hiện sự bất nhất trong quan điểm trong vấn đề Biển Đông giữa TBT Nguyễn Phú Trọng và CTN Trần Đại Quang, hay vấn đề bất đồng nội bộ trong Ban lãnh đạo Hà nội.

Qua đó cũng cho thấy, Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì chính sách ngoại giao "ma mãnh" theo lối đu dây như họ vẫn áp dụng từ trước đến nay.

Ngày 18 tháng 01 năm 2017

© Kami

* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA