Câu chuyện 28 năm về trước từng ám ảnh cả nước nay quay trở lại với chính cái nơi mà nó từng xảy ra. Trở lại với nội dung không sai một mảy may chỉ khác là nhân vật trẻ hơn, nghèo hơn và nhất là chung quanh nó không ai còn căm phẫn như ngày xưa, thậm chí người ta xem nó bình thường, không có gì phải ầm ĩ.
Ngày 23 tháng 1 năm 1988 báo Văn Nghệ lúc ấy do nhà văn Nguyên Ngọc coi sóc, đã đăng một bút ký của nhà văn Phùng Gia Lộc mang tên “Cái đêm hôm ấy đêm gì?” kể lại câu chuyện của một gia đình mà tác giả chứng kiến.
Lúc ấy chính quyền địa phương tỉnh Thanh Hóa có chính sách tận thu thuế của dân, bất kể nghèo cách mấy cũng phải đóng đủ số thuế mà địa phương đưa ra. Câu chuyện xoay quanh một gia đình nghèo, vì nghèo quá mà lại có một bà mẹ già gần tới ngày về với tổ tiên nên người nhà đã đóng cổ quan tài cho cụ. Trong chiếc quan tài ấy người nhà của cụ cất 70 kí thóc để sau này khi có tang ma thì mang ra sử dụng, vậy mà do không tiền đóng thuế số thóc ấy đã bị chính quyền thẳng tay lật chiếc quan tài và tịch thu bằng hết.
Câu chuyện chấn động cả nước nhưng người viết nó phải trốn chui trốn nhủi do sợ bị công an Thanh Hóa theo tới Hà Nội để bắt. Phùng Gia Lộc may có Nguyên Ngọc cất giấu mới thoát vòng truy bức của sai nha. Lạ thay bất kể dư luận kêu gào, không ai bị đem ra truy vấn vì đã làm một việc phản cách mạng như thế. Phùng Gia Lộc sau khi nổi tiếng vẫn là một nhà văn nghèo rớt mồng tơi, tiếp tục đạp xe lang thang như chưa bao giờ từng kể lại một bi kịch nơi anh ở hay đến thế. Mọi cử động được gọi là đổi mới không ra khỏi chiếc giường ngủ ọp ẹp của thời cách mạng tháng Tám, và người cổ vũ nhiệt liệt cho cái vở kịch “đổi mới” ấy lại là người đóng sầm cánh cửa hy vọng vào một cuộc thanh trừng cái ác, cái phản cách mạng đến tận đáy điển hình nhất tại Thanh Hóa: Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh.
28 năm sau, cũng chính tại cái nơi mà chiếc quan tài bị lật úp lấy thóc lại xảy ra một việc tương tự.
Lần này chuyện xảy ra ban ngày, thay vì chiếc quan tài có thóc bên trong thì vật bị “cưỡng chế” là chiếc giường ngủ của hai vợ chồng một nông dân, chiếc giường là tài sản duy nhất của họ. Nhìn sai nha ào ào nhào vào tháo ra vác đi họ chỉ còn cay đắng ngồi khóc.
Theo gót Phùng Gia Lộc, hai tác giả Đào Tuy và Tuấn Nam đã tường thuật lại câu chuyện của gia đình chị Toàn một người dân ở làng Thành Liên, xã Trường Sơn, Nông Cống, Thanh Hóa. Theo chị Toàn kể lại do hết hạn đóng thuế mà hai vợ chồng chị không cách nào kiếm ra tiền, cán bộ xã làng đã kéo nhau đến tận nhà để “vận động” chị phải tìm cách nào đó hầu có tiền mà đưa cho họ.
Kể với phóng viên chị cho biết: "Họ đến đông lắm, cả trưởng làng, phó làng cùng các cán bộ ở làng. Có cả các anh công an xã nữa", "Hai vợ chồng tôi đã khóc lóc van xin mong họ thư thư cho ít bữa nhưng không được", chị Toàn cũng cho biết "Không tìm được cái gì đáng giá, mấy người ấy chực quay ra thì ông trưởng thôn lại lao vào. Ông ấy tháo chiếc giường mà vợ chồng cùng hai con của tôi đang nằm”
Chiếc giường ấy, theo lời chị Toàn cho phóng viên biết là tài sản duy nhất mà vợ chồng chị sắm khi nên duyên chồng vợ. "Thấy trưởng làng vào tháo giường, mấy anh đội mạnh (công an viên- PV) cũng lao vào. Tất cả xúm vào tháo tung chiếc giường nhà tôi ra rồi bó lại khiêng ra nhà văn hóa của làng. Khi ấy tôi chỉ biết khóc nhưng van xin thế nào họ cũng chẳng động lòng"
Nguyễn Du, Ngô Tất Tố, kể cả Phùng Gia Lộc nếu nghe câu chuyện này ở thế kỷ 21 chắc đành phải bẻ bút, bởi trong thời đại rực rỡ như ông Nguyễn Phú Trọng hả hê xác nhận lại xảy ra câu chuyện như thời sơ khai hơn cả phong kiến thực dân cộng lại thì hẳn là đáng ngạc nhiên lắm chứ?
Ngạc nhiên không phải vì tính “tháo vác” của cả một hệ thống chính quyền, ngay chiếc giường là vật hèn mọn nhất của một gia đình chúng cũng không từ nan. Ngạc nhiên bởi phản ứng của xã hội khi biết chuyện xảy ra ngay trong thời đại mình sống lại có phản ứng như câu chuyện của nước láng giềng Campuchia chứ không phải đang xảy ra tại Thanh Hóa, nơi từng cướp thóc dành cho người chết.
Quan tài hay giường ngủ, không vật gì chúng từ nan bởi dưới mắt của chúng, từ Bí thư Tỉnh ủy cho tới một tên xã trưởng con con lúc nào cũng muốn thị oai cho dân thấy thế nào là bạo lực cách mạng.
Bạo lực cách mạng trong trường hợp này được cả nước ngắm nghía, sờ mó, bỉu môi hay thậm chí chửi bới nhưng tiếc thay không một trí thức nào làm cho ra ngô ra khoai. Họ vẫn lang thang đâu đó trong khu vườn oang oang chữ nghĩa. Vài đại biểu Quốc hội đã về vườn vừa lên tiếng vừa run bởi không biết “bọn nó” mạnh tới đâu, không khéo chúng lại kéo tới tận nhà ném phân vào cửa.
Ngạc nhiên nhất là điều không đáng ngạc nhiên vẫn xảy ra: cả hệ thống im như gái ngồi phải cọc, bởi ra lệnh điều tra thì lại lòi ra cái nguyên nhân dẫn đến sự kiện: tận truy thu thuế.
Mà tận thu thuế thì chỉ có trung ương mới có quyền ra lệnh cho thuộc hạ trong lúc ngặt nghèo này. Kéo nó ra đấm không khéo nó lại thò cái công văn này hay nghị quyết nọ ra thì có mà gục mặt vào đâu cho hết nhục?
Bài bình luận gần đây