You are here

Công cuộc vận động dân chủ ở Việt Nam (Bài 5: Một số kinh nghiệm tham gia đấu tranh dân chủ)

Ảnh của nguyenvubinh

     Phong trào dân chủ Việt Nam từ khi manh nha, khởi phát cho đến nay đã trải qua nhiều thời kỳ, giai đoạn. Số người tham gia vào phong trào cũng tăng lên theo thời gian. Đến nay, có thể nói, số lượng người tham gia đã rất đông đảo, đa dạng và phong phú. Số người tham gia đông đảo, là điều rất đáng mừng, nhưng chất lượng hoạt động chưa tương xứng với tiềm năng và mong mỏi của phong trào. Nguyên nhân chính của việc này là phần lớn mọi người tham gia có tính chất tự phát, chưa tìm hiểu, nghiên cứu và chưa có sự chuẩn bị chu đáo cho việc tham gia vào một hoạt động quan trọng, nhiều ý nghĩa này. Có rất nhiều người đã và đang tham gia vào phong trào dân chủ, nhưng phần lớn không trả lời được các câu hỏi rất quan trọng đối với người đấu tranh. Đó là, chúng ta đấu tranh vì cái gì, vì ai, cho ai? Đấu tranh với cái gì, với ai? Đấu tranh như thế nào?...vv...Bài viết này nhằm làm sáng tỏ những câu hỏi quan trọng nhất đối với người đấu tranh, đồng thời chia sẻ một vài kinh nghiệm trong thực tế hoạt động của cá nhân người viết.

     1/ Chúng ta đấu tranh vì cái gì, vì ai, cho ai?

     Những người đấu tranh trong các xã hội độc tài nói chung, để xóa bỏ độc tài và xây dựng một xã hội mới tốt đẹp đều phải có một lý do nào đó để tham gia. Ở mức độ cao nhất, những người mạnh mẽ nhất, quyết liệt nhất và hi sinh nhiều nhất chính là những người đã hình thành được lý tưởng cho bản thân. Lý tưởng, hiểu một cách giản dị nhất, đó là niềm tin vào sự thay đổi đem lại tương lai tốt đẹp cho xã hội, đất nước và đấu tranh cho điều đó. Vậy trong công cuộc đấu tranh dân chủ ở Việt Nam, lý tưởng đó là gì? Đó là niềm tin vào tương lai người Việt Nam sẽ có tự do, đất nước Việt Nam sẽ có dân chủ và chúng ta đấu tranh cho tự do của người dân Việt, đấu tranh cho Việt Nam có nền dân chủ. Như vậy, chúng ta đấu tranh cho lý tưởng tự do, dân chủ. Tại sao lại nói, có những người đã hình thành được lý tưởng, có những người chỉ có lý do để tham gia vào hoạt động dân chủ? Bởi vì để hình thành được lý tưởng không hề đơn giản. Trước hết, phải quan sát, tìm hiểu và nghiên cứu thực tế, thực tại xã hội đang sống, đang diễn ra thấy được các bất cập, bất công, khiếm khuyết, nghịch lý và tăm tối của xã hội. Sau đó tìm được nguyên nhân của những bất cập, thối nát, khổ sở của người dân. Bước tiếp theo, phải thấy được xu hướng vận động của xã hội, chắc chắn sẽ thay đổi, chắc chắn sẽ tới được những điều tốt đẹp nhất cho nhân dân, cho đất nước từ đó hình thành niềm tin tuyệt đối với xu hướng của tương lai. Khi đã có niềm tin tuyệt đối vào tương lai tươi đẹp của nhân dân, của đất nước cũng chính là lúc hình thành được lý tưởng. Người ta theo đuổi lý tưởng chính là tham gia vào quá trình đấu tranh để hiện thực hóa niềm tin của mình. Quá trình hình thành lý tưởng theo con đường như vậy là quá trình tự nhận thức và trải nghiệm, niềm tin được hình thành theo cách đó là niềm tin không bao giờ bị lay chuyển. Chính vì vậy, những người có lý tưởng tham gia đấu tranh là những người sẵn sàng hi sinh cả mạng sống của bản thân để theo đuổi, thực hiện lý tưởng của mình.

     Nhưng lý tưởng cũng có nhiều cấp độ. Người dân mất đất (dân oan), sau một thời gian khiếu kiện kéo dài, họ nhận thức được, quyền lợi của bản thân, việc giải quyết oan ức của mình không thể thực hiện được trong chế độ này, mà chỉ có thể thực hiện được khi chế độ thay đổi. Họ có niềm tin mạnh mẽ vào điều đó, nên tham gia vào phong trào đấu tranh dân chủ. Điều này cũng có thể gọi họ là người có lý tưởng, trên khía cạnh người đó có niềm tin vào việc chế độ sẽ thay đổi để giải quyết oan ức, nhu cầu của cá nhân mình. Một số người tham gia đấu tranh chỉ nhắm vào một mục tiêu cụ thể, ví dụ phản đối Trung Quốc thôn tính biển đông, phản đối đường lưỡi bò hoặc phản đối chặt hạ cây xanh. Có thể nói, trước khi xuất hiện biểu tình chống Trung Quốc (tháng 12/2007), những người tham gia vào phong trào dân chủ Việt Nam phần lớn đã hình thành cho mình lý tưởng đấu tranh cho tự do, dân chủ.

     Trả lời câu hỏi đấu tranh vì ai, cho ai? thiết thực và giản dị hơn. Chúng ta đang sống trong một  xã hội độc tài, toàn trị dưới sự kìm kẹp của đảng cộng sản Việt Nam. Một xã hội mà sự thật bị bưng bít và rất nhiều quyền con người bị vi phạm nghiêm trọng. Chúng ta không được phép nói và làm những điều chúng ta nghĩ, những điều chúng ta cho là đúng đắn. Khi tham gia vào hoạt động dân chủ, chúng ta đã cất lên tiếng nói của sự thật, chúng ta làm những điều chúng ta cho là đúng, là tốt cho bản thân và cho xã hội. Như vậy, ít nhiều chúng ta đã tự giải phóng bản thân mình khỏi nỗi sợ hãi, giải phóng khỏi những điều dối trá. Điều đó có nghĩa là trước hết và trên hết, khi tham gia vào hoạt động đấu tranh dân chủ, chúng ta đấu tranh cho bản thân chúng ta, vì bản thân chúng ta. Sau đó, chúng ta hi vọng, sự đấu tranh của chúng ta có ảnh hưởng, tác động tới những người cũng có suy nghĩ, có lương tâm để thức tỉnh họ cùng tham gia vào đấu tranh, cũng có nghĩa  là tự giải phóng họ. Sau cùng, chúng ta mong muốn và hi vọng, những hoạt động đấu tranh của chúng ta góp phần nhỏ bé vào việc thay đổi chế độ, tức là góp phần vào cuộc đấu tranh chung mang lại tự do cho nhân dân.

     Khi chúng ta ý thức được, chúng ta đấu tranh trước hết là để tự giải phóng mình, đấu tranh vì bản thân, cho bản thân thì chúng ta sẽ có  thái độ nghiêm túc, đúng đắn và sự chủ động trong các hoạt động của mình. Đồng thời, chúng ta đấu tranh cũng là để giải phóng nhân dân, đất nước khỏi ách độc tài, đảng trị. Ý nghĩa lớn lao đó chính là động lực thúc đẩy chúng ta trên con đường dấn thân cao đẹp...

     (còn nữa)

Hà Nội, ngày 29/7/2016

N.V.B