You are here

Tháng 7, tản mạn về thương binh, liệt sĩ - Phần I

Ảnh của nguyenhuuvinh

Một thời: Đường ra trận mùa này đẹp lắm!

Tôi sinh ra và lớn lên khi chiến tranh Nam - Bắc bước vào giai đoạn khốc liệt của những năm 60 - 70 thế kỷ trước. Thời kỳ đó, chúng tôi lớn lên trong sự đói nghèo đến cùng cực nhưng luôn được ru ngủ bởi hệ thống tuyên tuyền rằng đó đang là thiên đường của nhân loại. Mọi thông tin về bên ngoài, về miền Nam đất Việt... tất cả đều chỉ là những màu đen tối và đau khổ.

Ở mỗi góc đường, quán xá thỉnh thoảng có những câu khẩu hiệu nhắc nhở:

Nghe đài, đọc báo của ta
Chớ nghe đài địch ba hoa, nói càn

Mà thực tế, thì chẳng cần phải nhắc, phải khuyên. Bởi vào thời mà công an, dân quân có thể ập vào bất cứ nhà nào, lục soát và bắt đi bất cứ ai chẳng cần lệnh, không cần nói nửa câu, càng bắt bí mật thì hẳn lại "tội" càng nặng thì chỉ ai có gan lim mới dám nghe "đài địch". Đài địch ở đây là tất cả những đài, hoặc giấy tờ không do đảng và nhà nước đưa ra, thông tin cho dân chúng.

Thời đó, tôi còn nhỏ đã nghe nói đến những câu chuyện ông nọ bị bắt vì công an bắt quả tang đang nghe đài BBC, ông kia bị bắt vì trong nhà có truyền đơn của Mỹ rải xuống... Những câu chuyện đó đem lại một nỗi sợ hãi vô hình và tự giác về việc tiếp nhận các thông tin ngoài luồng.

Những năm tháng đó, cuộc chiến mà chúng nhìn thấy được sự khốc liệt hàng ngày, được nhận thức là một cuộc chiến chính nghĩa, bảo vệ tổ quốc đang bị xâm lăng. Tất cả được hệ thống loa truyền thanh, đài  phát thanh của nhà nước suốt ngày bơm vào tai, từ sáng, đến trưa, qua chiều và tận khi vào giường đi ngủ. Hệ thống tuyên truyền đã tạo thành một đường mòn theo nguyên tắc "phản xạ có điều kiện". Bỡi tất cả những điều đài nói, báo đăng thì đều là chân lý, là sự thật. Thời đó người ta có câu nói để chỉ những người không chịu công nhận sự thật là "cứ cãi đài".

Qua đài, báo thời kỳ đó, người dân miền Bắc biết đến một hệ thống đế quốc, tư bản xâm lược hút máu người dân bạo tàn và man rợ. Một chủ nghĩa đế quốc đang "xâm lược thuộc địa" kiểu mới ở Miền Nam.

Cũng qua đài báo, người dân miền Bắc biết đến một "miền Nam tăm tối, ngục tù, đang rên xiết dưới gót giày quân xâm lược và ngụy quyền" với những dòng thơ:  "Miền Nam ơi, thuốc độc giấu trong cơm", hoặc:

"Có những ông già nó khảo tra
Chẳng khai, nó chém giữa sân nhà
Có chị gần sinh không chịu nhục
Lấy vồ nó đập, vọt thai ra

....
Có em nhỏ nghịch, ra xem giặc
Nó bắt vô vườn, trói gốc sau
Nó đốt, nó cười... em nhỏ hét:
"Má ơi, nóng quá, cứu con mau!"

(Lá thư Bến Tre - Tố Hữu)

Với những vần thơ và lối tuyên truyền như vậy, ai có thể ngồi yên để mặc miền Nam bị đọa đày. Hệ thống tuyên truyền đã rất thành công khi đưa cả nửa đất nước lao vào cuộc chiến khốc liệt.

Lớp lớp thanh niên cứ đua nhau ra trận theo những câu khẩu hiệu nguệch ngoạc trên các mảnh nong rách dọc đường: "Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù". - Lê Mã Lương.

Và người dân cứ vậy ra trận với câu hát nghêu ngao: "Đường ra trận mùa này đẹp lắm".

Mãi sau này, khi tôi đọc câu của Nguyễn Viết Xuân được kẻ thành khẩu hiệu khắp nơi rằng: "Nhằm thẳng quân thù mà bắn", bố tôi hỏi lại: "Vậy không nhằm thẳng quân thù, chẳng lẽ lại nhằm vòng sang quân mình sao?" Khi đó mới giật mình thấy hình như não trạng phản ứng đã bị tê liệt thành quen thuộc.

Tôi đã dự nhiều buổi tiễn người ra trận, những cuộc tiễn đưa để lại nhiều dấu ấn trong tuổi mới lớn của tôi.

Cho đến bây giờ, tôi vẫn nhớ như in một đêm, đêm tiễn một chàng trai ra trận ở sân kho Hợp tác xã.

Đêm, không một ánh đèn - Thời đó, buổi tối tất cả làng mạc, thành phố chìm trong màn đêm, mọi ánh sáng đều hạn chế bởi sợ máy bay Mỹ phát hiện. Mỗi nhà có một cái đèn dầu gọi là đèn Hoa Kỳ phải đặt trong một cái hộp có cửa, chỉ chiếu sáng đủ một vùng nhỏ trong nhà, có máy bay là sập ngay cái cửa lại - người tân binh còn măng sữa đứng không nói được lời nào. Phía trước anh là chiến trường, là ra đi không hẹn ngày trở lại, phía sau là quê hương, nếu anh có ở lại cũng chẳng bao giờ được yên. Những nơi tập trung cải tạo thanh niên bỏ ngũ hoặc trốn đi bộ đội với những câu hô buổi sáng khi tập thể dục "Thanh niên như tôi thì mất nước"... đang chờ đợi anh.

Chỉ một số người lên tiếng, còn tất cả im lặng trong màn đêm. Nhiều tiếng khóc nức nở bật lên đâu đó trong đêm tối rồi cố gắng ghìm lại trong cổ họng. Một cuốn sổ tay, chiếc khăn tay là quà tặng lúc anh lên đường.

Thế rồi anh đã không trở lại. Mấy năm sau, bà mẹ khóc ngất khi xã tổ chức báo tử với mảnh giấy ghi vỏn vẹn: "Liệt sĩ Lê Hồng Hà đã hy sinh tại mặt trận phía Nam". Chỉ có thế.

Thời nhỏ, mẹ tôi thường kể về một người anh họ của mẹ, là bạn chí cốt cùng tên của bố tôi: Mai Văn Đức. Ông cùng trạc tuổi, cùng tên bố tôi, phóng khoáng và vui tính. Khi tôi lớn lên, ông đã ra đi từ khi nào tôi không được biết. Mẹ tôi chỉ kể lại rằng: Ông ra đi, chỉ nói với bố tôi một câu: Tao đi đã, tính sau.

Thế rồi bặt vô âm tín. Cho đến khi bố tôi mất, ông vẫn kể về người bạn vong niên ấy, người bạn ấy vẫn hiện về với ông trong những giấc mơ, trong những bài thơ khóc bạn của ông... nhưng ông không biết bạn mình ở đâu, dù chiến tranh đã kết thúc 20 năm. Sau này, nhờ một sự tình cờ mà gia đình mới biết được nơi ông nằm để đến thăm viếng.

Tôi cũng có hai người chú bên vợ, họ ra đi "đánh giặc, cứu nước" khi còn rất trẻ. Thế rồi cho đến nay vẫn không hề trở lại, một tấm hình cho rõ ràng cũng không có nốt. Cái còn lại, chỉ là mảnh bằng "Tổ quốc ghi công" cũ nát.

Thế rồi tôi lớn lên, khi bọn giặc bành trướng Trung Quốc và tay sai của chúng là bọn diệt chủng Polpot gây chiến ở hai đầu biên giới, rất nhiều người bạn tôi lại cứ vậy lên đường cầm súng và ngã xuống. Lần này, họ ra đi cầm súng không vì một sự mơ hồ "giải phóng" nào đó, mà họ đã ra đi thực sự để cứu nguy cho đất nước, cho sự tồn vong của lãnh thổ, Tổ Quốc.

Những người lính trong các cuộc chiến đã qua, dù hiểu rõ bản chất cuộc chiến hay bị lừa bịp, nhưng họ ra đi khi trong lòng họ luôn có một ý niệm rằng họ chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ Quốc, tất cả đều đáng được trân trọng.  

Và những người nằm lại

Chiến tranh đã qua, một chục năm rồi hai chục năm và bây giờ là hơn bốn chục năm có lẻ. Những người lính vẫn không yên với số phận và những cảnh ngộ của mình. Nhiều người bỏ xác nơi nào đó, mơ hồ và rơi vào quên lãng. Nhiều người cho đến nay vẫn bơ vơ không một nén nhang tưởng nhớ.

Cho đến nay, theo con số của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, thì vẫn còn hơn nửa triệu người chưa biết đang ở phương trời nào, chưa xác định được thông tin.  

Nửa thế kỷ đã qua đi, những người đã bỏ mình khi mang theo tinh thần yêu nước, vì Tổ Quốc đã và đang mục nát ở đâu đó trong những cánh rừng bạt ngàn của nước Lào, của đồng bằng lầy lội ở Miền Nam, ở Tây Nguyên, Campuchia hay biên giới phía Bắc.

Những người thân của họ cứ tự lần mò, tìm kiếm bằng khả năng có thể để tìm lại thân nhân của mình. Hỡi ôi, những thông tin đó là quá ít ỏi.

Và đây là mảnh đất màu mỡ cho những người táng tận lương tâm kiếm ăn trên nỗi đau và thân xác của những người đã hy sinh vì Tổ Quốc cũng như người thân của họ.

Người có lương tâm không khỏi rùng mình khi ở Quảng Bình, người ta lấy xương trâu bò, động vật chôn để làm giả liệt sĩ. Chỉ vì số tiền nhỏ nhoi từ việc chôn lấp, quy tập ấy mà họ nhận được.

Nhưng, người ta càng phẫn uất hơn,khi biết bao nhà "ngoại cảm", "thầy bói", "nhà tâm linh"... đã không từ một thủ đoạn nào kiếm tiền trên nỗi đau của thân nhân các gia đình có người ngã xuống, càng kinh khiếp hơn khi những màn giả tạo mộ liệt sĩ được lật tẩy.

Oái oăm thay, những màn kịch bất nhân ấy, được tiếp tay bởi các cơ quan nhà nước, các ngân hàng... Vụ án "Cậu Thủy" - một cựu công an - kết hợp ngân hàng chính sách xã hội làm giả mộ liệt sĩ là một ví dụ điển hình.

Khi nhà nước vô thần buông tay cho bọn buôn thần bán thánh hành động, thì nạn nhân của họ là con số khủng khiếp.

Hai ông chú vợ tôi, bao năm không tin tức. Mỗi lần tết, giỗ, có mặt ở quê, tôi lại nhắc đến hai chú dù tôi chưa hề biết hai chú như thế nào. Việc nhắc đến tìm kiếm hai chú, với tôi, ngoài chuyện an ủi vong linh người đã ngã xuống vì tinh thần yêu nước, thì ít nhất là để con cháu hiểu rằng: Cha ông chúng, dòng họ này không phải chỉ ai lo thân người nấy, ai sống được cứ sống và ai chết cứ chết.

Thế nhưng, tìm kiếm ở đâu? Khi mà các chú ra đi thì quân đội và nhà nước quản lý. Đưa đi rồi chết ở đâu không báo lại cho gia đình. Trời mênh mông, rừng bạt ngàn, biết tìm ở đâu?

Thế rồi năm ngoái, một bà bác đi xem bói, gặp được một "cô" ở Hải Phòng. Nghe nói cô "rất thiêng, rất đáng tin" phán rõ hai chú nằm chỗ nọ, chỗ kia tận miền Nam.

Tôi vốn không tin những điều bói toán, ngoại cảm... nhất là khi nghe thì thầm rằng "Cô được bác Hồ và bác Giáp phù hộ và cho lộc" thì tôi càng thấy ngán ngẩm và nghĩ thầm: Nếu "bác Hồ" thiêng đến thế, bác đã tự lo cho cái thân bác khi không được chôn cất như đã di chúc lại mà vẫn để lôi lên lôi xuống như hiện nay. Còn bác Giáp mà thiêng đến vậy, thì bác đã lôi luôn xuống huyệt cả những đứa đã sỉ nhục "bác Đại tướng" với cái chức Trưởng ban Dân số kế hoạch hóa gia đình để bây giờ trong dân gian vẫn lưu truyền.

Nhưng trước sự đồng lòng của họ hàng bên vợ mà đa số là đảng viên cộng sản, tôi im lặng ủng hộ việc tìm kiếm. Tôi chỉ có ý kiến rằng: Nếu chỉ được mộ, thì điều cần thiết là phải thử ADN trước khi đưa về. Đề phòng lại "cậu Thủy" chỉ xương động vật cho mang về thờ cúng thêm tội.

Rồi cả họ tổ chức xe cộ, con người và đủ thứ kéo nhau đi tận Miền Nam. Đến tận nơi rồi trở về lo thủ tục để giám định ADN. Thế nhưng đến nay, hồ sơ xin phép vẫn mắc khi thì Quân khu, khi thì ở Bộ Quốc phòng... chẳng biết đời nào thì giải tỏa.

(Còn nữa)

Hà Nội, cuối tháng 7/2016

J.B Nguyễn Hữu Vinh