You are here

Công cuộc vận động dân chủ ở Việt Nam (Bài 4: Phương thức và thủ đoạn của nhà cầm quyền đối phó và trấn áp phong trào dân chủ Việt Nam)

Ảnh của nguyenvubinh

     

     Chế độ cộng sản, mà đại diện là các nước xã hội chủ nghĩa đã từng và đang tồn tại đã dựa vào phân tích tâm lý con người để xây dựng một cơ chế toàn trị, kiểm soát mọi khía cạnh của đời sống con người. Với mục đích thống trị con người, các chế độ cộng sản đã đặt lên ưu tiên hàng đầu việc ngăn chặn và trấn áp bất cứ sự phản kháng nào của người dân. Chính vì vậy, trong số các chế độ độc tài đã từng tồn tại trong lịch sử, thì độc tài toàn trị cộng sản là chế độ chặt chẽ, khủng khiếp và khó đánh đổ nhất. Chế độ cộng sản Việt Nam, với bề dày trên 70 năm kinh nghiệm, trải qua 3-4 cuộc chiến tranh, đã và đang giữ được địa vị độc tôn lãnh đạo trong hoàn cảnh mở cửa, hội nhập của Việt Nam với thế giới bên ngoài hoàn toàn không phải là điều đơn giản. Nhưng trước khi đi vào phân tích phương thức và thủ đoạn đối phó và trấn áp phong trào dân chủ Việt Nam, chúng ta cần nghi nhận một số ưu thế mà chế độ đã thực hiện được, hoặc đương nhiên có. Đầu tiên là sự di truyền tâm lý tê liệt sự phản kháng của người dân các thế hệ đi trước, chứng kiến sự bạo ngược, hung tàn của chế độ trong những ngày đầu, tới các thế hệ con cháu đi sau. Thứ hai, sự thành công của nền giáo dục tuyên truyền và nhồi sọ, khiến cho người dân hầu như không thể nhận thức được đúng sai, tốt xấu, hay dở, khôn dại cũng như rất khó tìm ra nguồn gốc nỗi thống khổ của bản thân, gia đình và xã hội. Cuối cùng, có một lực lượng an ninh vô cùng hùng hậu, được trang bị mọi phương tiện, được đáp ứng mọi yêu cầu để thực hiện nhiệm vụ ngăn chặn và trấn áp phong trào dân chủ.

     Mục tiêu của an ninh Việt Nam trong việc đối phó với sự phản kháng của người dân và phong trào dân chủ là: 1- ngăn chặn hoạt động, ảnh hưởng của cá nhân, cô lập cá nhân trên mọi phương diện và bằng mọi biện pháp; 2 - ngăn chặn mọi sự kết hợp nói chung của những người phản tỉnh, những người đấu tranh dân chủ. Trong đó quan trọng nhất là ngăn chặn sự kết hợp thành các tổ chức chính trị. Ngăn chặn, gây khó khăn đến mức tối đa hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự; 3 - ngăn chặn và trấn áp các hoạt động đấu tranh đường phố, tuần hành, biểu tình, không để các hoạt động này bùng nổ trên quy mô lớn trở thành động loạn xã hội có thể thiêu cháy chế độ. Để thực hiện những mục tiêu này, an ninh Việt Nam đã triển khai thực hiện hàng loạt các chiến lược, chiến thuật bí mật có, công khai có, hợp pháp có, bất hợp pháp cũng không ít và huy động hầu hết các lựa lượng, thành phần xã hội mà họ nắm trong tay để đối phó và trấn áp phong trào dân chủ. Tuy nhiên, tổng hợp lại, có thể có ba nội dung lớn sau đây.

     1/ Thu thập thông tin về mọi phương diện, khía cạnh và động thái của phong trào dân chủ

     Có thể nói rằng, việc tìm hiểu, thu thập thông tin về phong trào dân chủ là một điểm mạnh của an ninh Việt Nam trong quá trình đối phó và ngăn chặn phong trào dân chủ. Chúng ta thấy, hầu như hoạt động nào của một nhóm bạn bè, hoặc của một tổ chức xã hội dân sự, hoặc của cả phong trào dân chủ dù được bàn bạc kín đáo, bí mật đến đâu cũng đều bị an ninh Việt Nam nắm được. Chế độ cộng sản Việt Nam, mà đại diện là lực lượng an ninh hiểu rất rõ rằng, muốn ngăn chặn, kiểm soát và đối phó, trấn áp phong trào dân chủ thì bắt buộc phải biết, nắm được và hiểu rõ mọi phương diện, khía cạnh và động thái của phong trào dân chủ. Việc hiểu rõ đối phương sẽ quyết định phần lớn vấn đề thành bại trong bất cứ lĩnh vực nào. An ninh Việt Nam đã tìm hiểu phong trào dân chủ thông qua hai chiến lược chính.

     a. Cài cắm người vào phong trào dân chủ. Cài cắm người vào hàng ngũ đối phương là điểm nhấn và thành công của cộng sản Việt Nam trong các cuộc chiến tranh. Họ đã sử dụng kinh nghiệm và ưu thế này để đưa người, cài cắm vào phong trào dân chủ (mời tham khảo bài viết Dân chủ cuội, http://www.rfavietnam.com/node/3010). Mục tiêu của việc cài cắm người vào phong trào dân chủ là để tìm kiếm, nắm bắt thông tin, gây mâu thuẫn chia rẽ phong trào dân chủ và cuối cùng, có thể lập các tổ chức đối lập cuội, tạo ảnh hưởng và chuyển đổi chế độ sang một hình thức chuyên chế mới, dân chủ nửa vời. Điều rất khó khăn cho phong trào dân chủ là chúng ta không thể biết được ai là người được cài cắm, là dân chủ cuội. Nhưng qua kinh nghiệm của các nước xã hội chủ nghĩa cũ, nhất là Đông Đức cũ, chúng ta thấy số lượng người được cài cắm rất lớn (ở Đông Đức cũ là 75% số người thuộc các tổ chức dân chủ, dân sự). Như vậy, số lượng dân chủ cuội ở Việt Nam cũng sẽ rất nhiều...với lực lượng dân chủ cuội hùng hậu, không khó để an ninh Việt nam có được thông tin về mọi phương diện, động thái của phong trào dân chủ.

     b. Giám sát trái pháp luật tất cả các thông tin, phương tiện liên lạc của người đấu tranh dân chủ trong nước. Chúng ta đều biết, mặc dù có luật về bí mật thông tin, thư tín và liên lạc của người dân nhưng nhà cầm quyền cộng sản nói chung, và nhà cầm quyền Việt Nam nói riêng không bao giờ tôn trọng và thực hiện các luật đó. Tất cả mọi phương tiện thông tin liên lạc cá nhân của người dân nói chung, và người đấu tranh dân chủ nói riêng đều nằm trong vòng kiểm tra, giám sát của nhà cầm quyền Việt Nam. Bất cứ khi nào họ cần, đều có thể vi phạm bí mật thông tin, thư tín để thực hiện các mục đích của họ. Trong bối cảnh chung như vậy, an ninh Việt Nam đã thực hiện việc giám sát các phương tiện thông tin liên lạc của những người đấu tranh dân chủ một cách chủ động, thường xuyên và liên tục. Họ thực hiện việc này với nhiều cách thức và cấp độ. Đặt máy ghi âm, nghe lén điện thoại,  giám sát thư, quà qua đường bưu điện...và ở mức độ cao hơn, đó là thâm nhập trái phép các hộp thư điện tử, các hộp tin nhắn trên facebook, twitter...thực hiện những việc này, an ninh Việt Nam đã thu thập thêm nhiều thông tin, động thái của những người đấu tranh và phong trào dân chủ. Chúng ta biết rằng, những người đấu tranh dân chủ gồm rất nhiều thành phần, hầu hết trong số họ đều không được đào tạo về kiến thức bảo mật kỹ thuật số, trong khi an ninh Việt Nam có cả một Cục an ninh mạng, họ huy động tất cả những người giỏi nhất về kỹ thuật IT (máy tính) để sử dụng cho mục đích xâm nhập đánh cắp thông tin cá nhân, liên lạc của người đấu tranh và phong trào dân chủ. Ngoại trừ một số ít anh em đấu tranh dân chủ, có kiến thức, kỹ năng về bảo mật kỹ thuật số, hầu hết số còn lại đều bị giám sát các phương tiện liên lạc cá nhân. Điều đáng buồn là có một số người chưa biết điều này.

(còn nữa...)

Hà nội, ngày 16/7/2016

N.V.B